Ám ảnh cung đường huyết mạch: 2 tỉnh 'nghẽn' giao thông vì 1 cây cầu

30/12/2022 06:36 GMT+7

Cầu 110 nằm trên QL14 đoạn giữa Đắk Lắk và Gia Lai, tuyến đường huyết mạch qua Tây nguyên, xây dựng gần xong nhưng bị “treo” nhiều năm nay, chưa thể đưa vào khai thác.

Do đơn vị thi công chậm trễ ?

Ngồi bên hiên nhà, ông Lê Quang Vinh (trú xã Ea H'leo, H.Ea H'leo, Đắk Lắk) hướng mắt nhìn đầy vẻ thất vọng về chiếc cầu 110 (tại khu vực Km110 trên QL14, đoạn giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai) gần đó. Ông Vinh cho biết: Năm 2018, khi nghe nhà và đất của mình bị giải tỏa vì nằm trong hành lang dự án xây dựng cầu 110, ông đã xây một căn nhà mới, phía sau lưng căn nhà cũ để sẵn sàng cho công tác di dời. Thế nhưng, do việc áp giá đền bù thấp, ông Vinh cùng nhiều hộ dân khác tại H.Ea H'leo không đồng ý giao đất cho dự án. “Tôi có 60 m2 cả đất và nhà bị giải tỏa, được phê duyệt đền bù hơn 40 triệu đồng, mức giá này quá thấp”, ông Vinh bộc bạch.

Cầu 110 mới làm gần xong thì “đắp chiếu” cạnh cầu 110 cũ

HOÀNG BÌNH

Cũng vì công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm nên cầu 110 triển khai từ năm 2018 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hằng ngày, từng đoàn xe lớn nhỏ vẫn phải di chuyển qua một khúc cua “tay áo” vào cây cầu cũ nhỏ hẹp trên QL14 (đường Hồ Chí Minh), tuyến đường huyết mạch của vùng Tây nguyên.

Theo hồ sơ, năm 2017, Bộ GTVT phê duyệt bổ sung xây dựng đơn nguyên cầu 110 vào dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh. Dự án cầu 110 có tổng mức đầu tư hơn 24 tỉ đồng, được giao cho Ban quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, Công ty TNHH thương mại - xây dựng Sài Gòn là đơn vị thi công. Hai bên cầu là địa bàn 2 huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) và Chư Pưh (Gia Lai).

Tháng 4.2018, UBND H.Ea H'leo bắt đầu triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cầu 110 và phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ, tổ chức chi trả cho người dân có đất bị thu hồi. Tháng 5.2018, H.Ea H'leo tổ chức giao mặt bằng cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh để triển khai.

Liên quan dự án cầu 110, UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng vào thời điểm trên, dự án không gặp vướng mắc hay cản trở nào từ phía người dân. Tuy nhiên, đơn vị thi công là Công ty TNHH thương mại - xây dựng Sài Gòn chỉ đào bóc lớp đất mặt, đổ đất cấp phối, lu lèn trong phạm vi giải phóng mặt bằng rồi dừng lại để chờ phía H.Chư Pưh bàn giao mặt bằng mới thi công tiếp. Tới tháng 9.2018, phía H.Chư Pưh bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo thì bị 21 hộ dân phía H.Ea H’leo (trong đó có 15 hộ đã bàn giao mặt bằng) ngăn cản, không cho thi công.

Tháng 12.2018, UBND H.Ea H'leo huy động các cơ quan, tổ chức đoàn thể, lực lượng chức năng đến hiện trường để bảo vệ thi công ngoài thực địa. Tuy nhiên, các hộ dân đã tập trung phản ứng nên không thi công được. Đến nay, thân cầu 110 đã xây dựng được 88%, phần đường nối lên cầu tại địa phận tỉnh Gia Lai đã hoàn thiện. Thế nhưng, phía địa phận Đắk Lắk, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, còn khoảng 12% khối lượng xây lắp (rải 2 lớp cấp phối, thảm nhựa) chưa thực hiện được khiến toàn bộ công trình bị “đứng bánh”.

Đường dẫn lên cầu phía tỉnh Đắk Lắk chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng

Chính thức “treo” cầu

Năm 2020, Bộ GTVT có công văn cho biết nguồn vốn bố trí cho dự án cầu 110 đã kết thúc từ 31.12.2018 và không được kéo dài sang năm 2019 nên đã bị thu hồi, nộp về ngân sách nhà nước. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tự cân đối nguồn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án. Tháng 7.2021, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn kiến nghị Bộ GTVT xem xét, bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện vì dự án trên sử dụng vốn T.Ư, do Bộ GTVT đầu tư.

Trong công văn, UBND tỉnh Đắk Lắk xác định nguồn vốn cần để hoàn thiện dự án cầu 110 gần 3,5 tỉ đồng (hơn 1 tỉ đồng giải phóng mặt bằng; 2,4 tỉ đồng xây lắp). Nếu Bộ GTVT không bố trí được vốn, thì Bộ báo cáo Thủ tướng giao tỉnh Đắk Lắk ứng trước vốn ngân sách để thực hiện, nhưng Bộ GTVT phải có văn bản cam kết hoàn ứng cho tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tháng 9.2021, Bộ GTVT lại có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, Bộ cho biết kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua không có danh mục dự án cầu 110. Do đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, triển khai thủ tục dừng dự án để thực hiện quyết toán. Hạng mục cầu 110 sẽ được Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện vào thời điểm phù hợp.

“Đá bóng” trách nhiệm ?

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, do dự án liên quan tới 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, nhưng 2 tỉnh áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ không đồng bộ (chính sách hỗ trợ của Đắk Lắk thấp hơn Gia Lai) nên các hộ dân so bì, chống đối, không hợp tác.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và UBND H.Ea H'leo chưa phối hợp tốt trong quá trình thực hiện dự án. Trong đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh không thông báo kịp thời để UBND H.Ea H'leo đưa dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2017 trình UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, thực hiện thu hồi đất ngay từ năm 2017 mà phải chuyển sang thu hồi đất năm 2018, khiến tiến độ chậm.

Tháng 5.2018, UBND H.Ea H’leo đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Thời điểm đó, các hộ dân đều đồng thuận (vì phía tỉnh Gia Lai chưa triển khai giải phóng mặt bằng - PV). Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị thi công không thực hiện ngay, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. “Nếu thời điểm đó đơn vị thi công cho thi công ngay thì đã hoàn thành dự án. Do đó, trách nhiệm chính tại thời điểm này thuộc về chủ đầu tư và đơn vị thi công”, văn bản UBND tỉnh Đắk Lắk nêu.

Ông Võ Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT bố trí vốn để hoàn thiện dự án cầu 110.

Theo ông Cảnh, đây là dự án thuộc Bộ GTVT đầu tư nên Đắk Lắk không thể trích ngân sách tỉnh ra để thực hiện được. Ông Cảnh cũng thừa nhận, cách tính hệ số đất và áp giá đền bù tại dự án của tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai khác nhau, phía Gia Lai áp giá đền bù cao hơn Đắk Lắk.

Do đó, người dân tại tỉnh Đắk Lắk so sánh, khiếu nại dẫn tới công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Công văn trả lời tỉnh Đắk Lắk của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký thì khẳng định kế hoạch ban đầu cầu 110 sẽ hoàn thành năm 2017. Trong quá trình thực hiện triển khai dự án, Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã có rất nhiều văn bản, công điện (14 văn bản) và nhiều buổi làm việc đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, địa phương không thể giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai nên phải gia hạn đến tháng 12.2018. Đến nay, cầu 110 mới hoàn thành 88% giá trị xây lắp.

“Việc nguồn vốn của dự án bị thu hồi và dự án chưa hoàn thành theo tiến độ là do chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng chậm trễ trong việc triển khai giải phóng mặt bằng để giao cho đơn vị thi công”, văn bản của Bộ GT-VT nêu.

Một lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thừa nhận, dự án cầu 110 dở dang thời gian qua rất phản cảm, nhức nhối. Lý do không phải vì Ban và đơn vị thi công không làm, mà vì công tác giải phóng mặt bằng chậm, công tác bảo vệ thi công không quyết liệt. “Huyện bàn giao mặt bằng vài bữa thì trời mưa, không thể thi công đổ nhựa được. Sau đó, người dân ngăn cản thi công nhưng việc bảo vệ thi công của chính quyền địa phương thiếu quyết liệt. Giờ đổ qua đổ lại cũng không hay. Chúng tôi đang cố gắng phối hợp tìm cách để có vốn, hoàn thiện dự án, tránh lãng phí”, lãnh đạo Ban này trao đổi. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.