Trước đó, UBND H.Bình Chánh cũng giao trưởng công an huyện chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với đội, trạm CSGT trên địa bàn huyện, công an xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm tra, mật phục, phát hiện và xử lý các đối tượng rải đinh cũng như các tiệm sửa xe lợi dụng người tham gia giao thông bị hư hỏng xe để sửa xe, vá xe với giá cao.
Các mảnh sắt hình thoi rải trên QL1 (TP.HCM) bẫy người đi đường |
TRẦN KHA |
Cả 2 động thái trên chính quyền địa phương đều đưa ra sau khi báo chí phản ánh. Với người dân nhiều lần gặp họa vì “đinh tặc” thì hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở hay tăng cường tuần tra chỉ giống như động thái trấn an dư luận chứ chưa phải là biện pháp căn cơ. Bởi lẽ, vấn nạn rải đinh, vật sắc nhọn đã manh nha từ năm 2010 rồi hoạt động rầm rộ vào năm 2011, mà tôi trong dặm đường tác nghiệp, từng trở thành nạn nhân. “Đinh tặc” từ manh mún đến hoạt động có tổ chức, kiếm sống bất chính trên lưng đồng loại, khiến bao người tiền mất tật mang, tức tưởi vừa đi vừa khóc trên xa lộ nắng rát.
Thợ sửa xe gần cầu vượt Tỉnh lộ 10 gọi nạn “đinh tặc” là tội ác |
Khi công an vào cuộc quyết liệt, mật phục điều tra, truy tố thì “đinh tặc” lắng xuống, người dân đã từng có một niềm tin rằng vấn nạn nhức nhối này sẽ vắng bóng vĩnh viễn trên quốc lộ. Nhưng rồi, cái ác vẫn cứ nhởn nhơ, thách thức cơ quan công quyền, như trêu ngươi những nỗ lực của tình nguyện viên chuyên hút đinh, vật nhọn trên đường; và hơn hết là đánh cắp niềm tin về cuộc sống bình yên của xã hội. Hầu hết “đinh tặc” chỉ bị xử lý hành chính vì lý do này hay lý do khác trong khi cả xã hội đều phẫn nộ và cho rằng đây là tội ác, cần phải xử lý hình sự bằng những bản án thích đáng.
Quy định pháp luật cần được điều chỉnh trước đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống. Trong lúc chờ đợi đó, chỉ có sự nhiệt huyết, thường xuyên tuần tra trấn áp những ổ nhóm “đinh tặc” của lực lượng công an mới giúp được hành trình của người dân không bị đứt quãng.
Bình luận (0)