TP.HCM bao giờ hết ngập?:

Ám ảnh mùa mưa ở TP.HCM: Lãnh đạo phường mãi trăn trở chống ngập cho bà con bớt khổ

29/06/2023 13:35 GMT+7

Nhiều người bất ngờ, đặt câu hỏi rằng vì sao chỉ một trận mưa đầu mùa ở TP.HCM lại khiến nhiều con đường ngập khủng khiếp đến vậy?

Cơn mưa đầu mùa hôm 21.5 tháng trước khiến nhiều tuyến đường vốn là “rốn ngập" ở TP.HCM, tiêu biểu như Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối… (Q.Gò Vấp) nước ngập ngang yên xe, người dân chật vật.

Một con đường Hồ Học Lãm nhưng 2 số phận!

Theo ghi nhận của Thanh Niên trong trận mưa 21.5, khác với năm 2021 trở về trước khi cả một đoạn đường Hồ Học Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân) ngập nặng mỗi khi mưa lớn, năm nay chỉ đoạn đầu đường Hồ Học Lãm nối đường Võ Văn Kiệt và đường Phú Định ngập sâu, có đoạn quá bánh xe.

Người dân chật vật di chuyển qua đoạn ngập đầu đường Hồ Học Lãm nối đường Võ Văn Kiệt và đường Phú Định (P.An Lạc, Q.Bình Tân) trong cơn mưa trưa 21.5 mới đây.

CAO AN BIÊN

Lý giải cho điều này, ông Tô Hồng Giang, Chủ tịch UBND P.An Lạc (Q.Bình Tân) cho biết địa bàn P.An Lạc có nền đất tự nhiên thấp. Khi có trời mưa lớn, đặc biệt là mưa trên diện rộng cộng với triều cường khiến các kênh rạch bị ngập cục bộ, một số điểm thoát nước không được dẫn đến ngập. Theo ông Giang, không chỉ Hồ Học Lãm mà ở nhiều con hẻm cũng như các khu dân cư trên địa bàn phường ngập vào mùa mưa đã trở thành một vấn đề trăn trở cho chính quyền địa phương và người dân.

Trong khi đó, đường Hồ Học Lãm nối đường Kinh Dương Vương và đại lộ Võ Văn Kiệt đã được nâng cấp, nghiệm thu, đưa vào hoạt động vào ngày 31.3.2022 sau khi nhận phản ánh và kiến nghị của người dân. Từ đây, đường đã thông thoáng và khang trang hơn, có vỉa hè rõ ràng, tình trạng ngập cũng không còn nặng như trước.

Đường Hồ Học Lãm nối đường Kinh Dương Vương và đại lộ Võ Văn Kiệt đã được nâng cấp và đưa vào hoạt động vào ngày 31.3.2022 đã phát huy hiệu quả chống ngập. Ảnh chụp vào 10.2017 (trái) và 5.2023.

Đường Hồ Học Lãm bớt ngập, tuy nhiên nước lại tràn vào chợ khu phố 2. Ảnh chụp vào mùa mưa 2022.

XUÂN KHÁNH

“Điền hình trong cơn mưa đầu mùa mới đây, phản ảnh ngập của người dân trên đoạn đường Hồ Học Lãm đoạn đã nâng cấp, cải tạo không còn nữa do đường ngập nhẹ. Điều đó chứng tỏ việc cải tạo đã có hiệu quả", ông Giang nói.

“Vậy, tại sao đoạn đầu đường Hồ Học Lãm nối đường Võ Văn Kiệt và đường Phú Định vẫn còn ngập sâu?”, trước câu hỏi của PV, Chủ tịch UBND P.An Lạc cho biết đoạn đường này vẫn chưa được cải tạo, nâng cấp. 

Theo ông Giang, không chỉ đoạn đường này mà rất nhiều ở những khu dân cư, những tuyến hẻm trên địa bàn phường cần nâng cấp cấp bách hiện nay, tuy nhiên kinh phí cho hoạt động nâng cấp không có.

“Hiện giờ ngân sách phụ thuộc vào thành phố. Thời điểm này tình hình kinh tế khó khăn nên việc vận động kinh phí từ người dân chống ngập cho các khu dân cư và tuyến hẻm cũng gặp nhiều trở ngại. Nếu đường Hồ Học Lãm được thành phố nâng cấp, mở rộng lên thì sẽ chống ngập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế địa phương nhất là vào mùa mưa”, ông Giang nói thêm.

Tình trạng ngập ở P.An Lạc, phường, quận cũng đã thấy từ lâu và phía chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để cải thiện. Hiện các dự án chống ngập, thoát nước ở phường đang được thi công kể trên hiện nay chưa thể phát huy hiệu quả ngay mà cần thêm thời gian, có thể tới hết năm nay hoặc giữa năm sau. Dự kiến khi được hoàn thành có thể giảm ngập các khu dân cư, tuyến hẻm vốn ngập nặng như hiện nay trên địa bàn phường.

Ông Tô Hồng Giang, Chủ tịch UBND P.An Lạc (Q.Bình Tân)

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện trên địa bàn P.An Lạc đang triển khai 6 dự án thoát nước. Trong đó có 2 dự án đang trình Sở Giao thông vận tải TP.HCM điều chỉnh dự án gồm: Dự án nâng cấp cải tạo đường kênh Hãng Giấy; Dự án nâng cấp cải tạo kênh Mười Xà.

4 dự án hiện đang được triển khai thi công trên địa bàn phường gồm: Dự án nâng cấp mở rộng đường Lý Chiêu Hoàng nối dài (rạch Lê Công Phép); Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án cải tạo rạch Bà Tiếng; Dự án nâng cấp mở rộng đường Kênh Liên Khu 3 - 4; Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp mở rộng đường Kênh Năm Sao.

Làm sao để những ‘rốn ngập’ ở TP.HCM không mênh mông nước năm này qua năm khác? - Ảnh 5.

Không riêng đường Hồ Học Lãm, khu dân cư trên đường số 7 (giao với đường Hồ Học Lãm, P.An Lạc, Q.Bình Tân) cũng mênh mông biển nước sau cơn mưa.

CAO AN BIÊN

Làm sao để những ‘rốn ngập’ ở TP.HCM không mênh mông nước năm này qua năm khác? - Ảnh 6.

Với 4 dự án hiện đang được triển khai thi công trên địa bàn phường, ông Tô Hồng Giang hy vọng sẽ cải thiện rõ tình trạng ngập trên các khu dân cư, tuyển hẻm trong thời gian tới.

CAO AN BIÊN

"Tình trạng ngập ở P.An Lạc, phường, quận cũng đã thấy từ lâu và phía chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để cải thiện. Hiện các dự án chống ngập, thoát nước ở phường đang được thi công kể trên hiện nay chưa thể phát huy hiệu quả ngay mà cần thêm thời gian, có thể tới hết năm nay hoặc giữa năm sau. Dự kiến khi được hoàn thành có thể giảm ngập các khu dân cư, tuyến hẻm vốn ngập nặng như hiện nay trên địa bàn phường", ông Tô Hồng Giang nói thêm.

Ngập nặng nhất phía trước… UBND phường

Được phân công về công tác tại UBND phường từ năm 2019, ông Lê Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND P.13 (Q.Gò Vấp) cho biết ông và chính quyền địa phương luôn trăn trở và nỗ lực trong công tác chống ngập cho người dân trên địa bàn. 

Ông Quang cho biết tính đến hiện tại, mỗi lần mưa lớn thì khu vực đường Lê Đức Thọ (đoạn phía trước UBND phường) là nơi ngập nặng nhất. Ngoài ra còn có trục đường Phạm Văn Chiêu (tiếp giáp với P.16).

Làm sao để những ‘rốn ngập’ ở TP.HCM không mênh mông nước năm này qua năm khác? - Ảnh 7.

Đường Phạm Văn Chiêu mênh mông biển nước trong trận mưa hôn 21.5.

NHẬT THỊNH

Làm sao để những ‘rốn ngập’ ở TP.HCM không mênh mông nước năm này qua năm khác? - Ảnh 8.

Nhiều người bất ngờ khi đường ngập chỉ sau 1 cơn mưa đầu mùa.

NHẬT THỊNH

“2 năm liền, cơn mưa lớn nước ngập tới trụ sở UBND phường. Chúng tôi cũng báo cáo với UBND quận xin hỗ trợ để xử lý những tài sản bị ảnh hưởng nước ngập. Thường một năm sẽ có một trận ngập lớn như vậy chứ không phải lúc nào mưa cũng bị”, Phó Chủ tịch phường cho hay.

2 năm liền, cơn mưa lớn nước ngập tới trụ sở UBND phường. Chúng tôi cũng báo cáo với UBND quận xin hỗ trợ để xử lý những tài sản bị ảnh hưởng nước ngập. Thường một năm sẽ có một trận ngập lớn như vậy chứ không phải lúc nào mưa cũng bị!

Ông Lê Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND P.13 (Q.Gò Vấp)

Theo ông Quang, trước khi ông về đây nhận công tác, dự án nâng cấp, cải tạo đường Lê Đức Thọ (đoạn từ cầu Cụt tới cầu Trường Đai) đã được hoàn thành và phát huy hiệu quả chống ngập. Tuy nhiên đoạn đường Lê Đức Thọ phía trước UBND phường, đã có dự án nhưng hiện chưa thực hiện. 

Lãnh đạo phường cho biết hiện nay khu vực này không có hệ thống cống thoát nước lớn và theo độ dốc khi mưa, nước từ đường Quang Trung, Nguyễn Văn Khối sẽ đổ về dẫn đến tình trạng ngập nặng.

Làm sao để những ‘rốn ngập’ ở TP.HCM không mênh mông nước năm này qua năm khác? - Ảnh 10.

Khu vực đường Lê Đức Thọ (đoạn phía trước UBND P.13) là nơi ngập nặng nhất.

NHẬT THỊNH

“Thông tin mới nhất phường nắm được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đang thực hiện dự án cải tạo cống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (địa bàn P.13, P.14). Cách đây ít tuần đã thực hiện việc lấy mẫu thử, đã triển khai và hy vọng có thể cải thiện tình trạng ngập vào mùa mưa trên các tuyến đường này.

Sắp tới dự án mở rộng nâng cấp đường Lê Đức Thọ đoạn từ cầu Cụt tới đường Nguyễn Oanh cũng đã có kế hoạch triển khai. Hy vọng thời gian tới những điểm ngập trên địa bàn phường sẽ không còn nữa", ông Quang cho hay.

Trong khi đó tại các cuộc họp dân phố, theo Phó Chủ tịch P.13, người dân vẫn kiến nghị vấn đề ngập vào mùa mưa. Lãnh đạo phường theo dõi thường xuyên vấn đề này và báo cáo, xin ý kiến của quận. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, phường đã triển khai nhiều dự án cải tạo, làm mới ống cống, nâng cấp mặt đường để đảm bảo việc thoát nước, hạn chế ngập úng. Cụ thể:

2019 - 2020: Phường hỗ trợ chống ngập cho 15 tuyến hẻm chủ yếu dọc đường Lê Đức Thọ, trước đây ngập rất nhiều.

2021: Phường xin chủ trương của quận và vận động 100% người dân đóng góp kinh phí cũng như vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm để tự duy tu, cải tạo lại mặt đường trong hẻm 1264 để chống ngập và đảm bảo an toàn giao thông.

2022: Phường sử dụng ngân sách kết dư để thực hiện nạo vét, duy tu và nâng cấp hệ thống hẻm 1414 đường Lê Đức Thọ.

2023: Phường dự kiến cải tạo thêm 2 tuyến hẻm 1472 đường Lê Đức Thọ, 679 đường Phạm Văn Chiêu hiện có tình trạng ngập vào mùa mưa.

Vui, buồn và nỗi hoài mong...

Sống gần 8 năm trong một dãy trọ nằm trên đường Lê Đức Thọ (đoạn gần UBND P.13, Q.Gò Vấp), bà Hoa (bán bánh chiên) cho biết cứ hễ mưa ngập là đoạn đường này mênh mông nước, có khi ngập tới yên xe. Sống trong khu trọ ẩm thấp, bà kể chủ trọ phải dùng mọi cách để nước không tràn vào, nhưng có khi không hiệu quả.

Trong khi đó, chị Ly làm nghề bán tạp hóa trong con hẻm 1472 trên đường Lê Đức Thọ cũng cho biết hễ tới mùa mưa, cộng thêm triều cường là chỗ này lênh láng nước. Rác cộng với mùi hôi thối bốc lên khiến chị và mọi người cảm thấy khó chịu, bất tiện trong buôn bán, sinh hoạt. Để thích nghi, nhiều người dân cũng nâng nền lên, tuy nhiên vẫn còn có điểm vẫn ngập sâu.

“Đến hẹn lại lên thôi! Sống riết rồi cảnh này, nhưng vừa ngập sơ sơ là dọn đồ lên cao hết. Sống ở đây chỉ mong mùa mưa không ngập là yên tâm lắm rồi", cô gái bày tỏ.

Làm sao để những ‘rốn ngập’ ở TP.HCM không mênh mông nước năm này qua năm khác? - Ảnh 12.

Chị Ly nói về khu vực ngập nặng nhất trong hẻm 1472 đường Lê Đức Thọ.

CAO AN BIÊN

Một người dân sống trên đường Hồ Học Lãm (nối đường Kinh Dương Vương và đại lộ Võ Văn Kiệt) phấn khởi cho biết từ năm ngoái, khi đoạn đường được chính quyền địa phương nâng cấp, cải tạo, tình trạng ngập mà ông chứng kiến suốt nhiều năm không còn.

"Dân tụi tui hay nói vui là bơi qua Hồ Học Lãm, nhưng giờ đỡ nhiều lắm rồi. Bữa trước có đám mưa lớn đầu mùa, cũng ngập, nhưng không kinh khủng như hồi xưa. Tuy nhiên đường cao thì khu vực chợ khu phố 2 hay nhiều hẻm lại bị ngập nặng hơn. Đoạn Hồ Học Lãm bên kia cũng chưa được cải tạo nên vẫn ngập, nước đen xì lì. Chỉ mong cho người dân sớm thoát khỏi cảnh này để yên tâm làm ăn", người đàn ông cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.