Ám ảnh những 'nút thắt cổ chai' trên QL1

24/02/2022 04:28 GMT+7

Là tuyến giao thông huyết mạch, gồng gánh phần lớn lưu lượng phương tiện đường bộ dọc trục Bắc - Nam hiện nay, song sau vài năm nâng cấp mở rộng, QL1 lại đang trở thành điểm yếu với nhiều “nút thắt cổ chai”, gây ùn tắc, mất an toàn.

“Hung thần” từ những vựa lương thực

Câu chuyện mất nhiều giờ mới qua được cầu Rạch Miễu do ùn ứ phương tiện đôi khi chẳng đáng gì so với tình trạng kẹt xe như “cơm bữa” tại một số khu vực cầu “thắt cổ chai” trên QL1 qua địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Giao thông tại “nút thắt cổ chai” cầu An Cư luôn trong tình trạng ùn ứ nghiêm trọng

BẮC BÌNH

Ngày 22.2, PV Thanh Niên có mặt tại khu vực cầu Bà Đắc trên QL1 (thuộc xã An Cư, H.Cái Bè, Tiền Giang) và trải qua khoảng thời gian “thực sự kinh hoàng” khi xảy ra ùn ứ phương tiện cả hai chiều đi Mỹ Thuận và Mỹ Tho. Đáng lo ngại là nguy cơ va quẹt, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì các xe tải nặng chở hàng hóa từ các vựa gạo dọc hai bên đường (đoạn đổ cầu Bà Đắc hướng đi Mỹ Thuận) liên tục xuất phát ngược hướng lên cầu Bà Đắc đi hướng Mỹ Tho đối đầu với các phương tiện khác đang đổ dốc cầu.

Các xe máy thường xuyên bị chiếm hết lối đi, rất nguy hiểm

Khu vực này còn là nút giao QL1 với Cụm công nghiệp An Thạnh nên các xe có trọng tải lớn thường xuyên ra vào, gây ách tắc giao thông liên tục. Tại khu vực đổ dốc cầu Bà Đắc không có vạch kẻ đường nên các tài xế tranh giành, chen lấn để qua đường… gây nên cảnh tượng giao thông hết sức rối ren, phức tạp và rủi ro.

Cầu Bà Đắc chỉ có 2 làn xe, cùng 4 cầu khác là Phú Nhuận, An Cư, Thông Lưu, Mỹ Đức Tây trên tuyến QL1 là những nút “thắt cổ chai” còn lại trên tuyến giao thông quan trọng của quốc gia ngang qua địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Giao thông tại “nút thắt cổ chai” cầu An Cư (H.Cái Bè, Tiền Giang) luôn trong tình trạng ùn ứ nghiêm trọng

BẮC BÌNH

Do ùn ứ nên tình trạng xe tải, ô tô, lẫn xe khách… lấn chiếm phần đường dành cho xe máy diễn ra phổ biến. Các xe máy thậm chí phải chạy vào vỉa hè, nắp cống để né các phương tiện lấn làn. Theo người dân địa phương, va quẹt xảy ra thường xuyên.

“Ở đây kẹt cứng 5 - 6 tiếng đồng hồ là bình thường. Có khi cả ngày xe cộ chỉ có thể nhích từng chút. Tình trạng hỗn loạn giao thông tại khu vực cầu Bà Đắc và các cầu “thắt cổ chai” khác trên tuyến QL1 đã xảy ra từ nhiều năm nay mà không thấy cơ quan chức năng có biện pháp nào để khắc phục, thật là khó hiểu”, ông Nguyễn Khắc Toán, chủ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gần khu vực cầu Bà Đắc, bức xúc.

Tài xế Nguyễn Văn Nam (ngụ Vĩnh Long) cho biết khi di chuyển từ TP.HCM về Vĩnh Long, hết cao tốc TP.HCM - Trung Lương là chỉ còn khoảng 70 km nữa là tới TP.Vĩnh Long. Tuy nhiên, để di chuyển trên QL1 qua đoạn đường này anh phải mất hơn 3 giờ. Riêng các ngày cuối tuần, lễ tết hoặc có tai nạn giao thông có khi phải mất 10 giờ mới di chuyển về đến TP.Vĩnh Long. Còn nếu di chuyển theo hướng QL60 về cầu Rạch Miễu đi Bến Tre rồi qua phà Đình Khao vào TP.Vĩnh Long còn nghiêm trọng hơn.

Kiến nghị liên tục, chưa được tháo gỡ

Giải pháp hiệu quả nhất được cho là mở rộng cầu Bà Đắc và các cầu “thắt cổ chai” còn lại trên QL1 lên ít nhất 4 làn xe, đồng thời xây dựng một vòng xuyến lớn trên QL1 tại nút giao với Cụm công nghiệp An Thạnh. Song song đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác để chia lưu lượng xe do nằm song song với tuyến QL1 (Mỹ Tho - cầu Mỹ Thuận) thì mới căn bản giải quyết được vấn nạn ùn ứ phương tiện, kéo giảm tai nạn giao thông trên đường về miền Tây.

Trả lời Thanh Niên, trung tá Nguyễn Trường Kỳ, Trưởng trạm CSGT Trung Lương (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang), thừa nhận tình trạng ùn ứ phương tiện, va quẹt, tai nạn giao thông tại các khu vực 5 cầu “thắt cổ chai” còn lại trên QL1 hầu như ngày nào cũng có. May mắn là tại các vị trí này xe thường phải di chuyển chậm nên các vụ va quẹt đa phần đều nhẹ.

“Một nguyên nhân khác là các vạch kẻ đường tại nhiều vị trí trên QL1 qua đây bị mờ… mà phía Chi cục Đường bộ VI.3 (thuộc Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) chậm xử lý khắc phục”, Trung tá Nguyễn Trường Kỳ nói và cho biết, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị nhiều lần với Ban an toàn giao thông tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT có hướng xử lý, khắc phục nhưng tình hình chưa có gì cải thiện.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT, Phó ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang, cũng khẳng định đã nhiều lần kiến nghị với Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp, mở rộng mặt đường, các cầu “thắt cổ chai” còn lại trên QL1 qua địa bàn TX.Cai Lậy và H.Cái Bè, nhưng Bộ chưa đồng ý đầu tư. Còn Bộ GTVT thì cho biết 4/5 cầu “thắt cổ chai” trên tuyến đường này nằm trong đoạn thuộc Dự án BOT Cai Lậy, trong khi Dự án BOT này đã không thu phí được do người dân phản ứng nên Bộ cần nghiên cứu và làm việc với các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp.

Cũng biết tình trạng nói trên, nhưng ông Thượng Quang Thuần, Chi cục trưởng Chi cục đường bộ VI.3, lại nói chưa nhận được bất cứ kiến nghị nào của phía tỉnh Tiền Giang về các vấn đề tai nạn giao thông, ùn ứ phương tiện khu vực các cầu “thắt cổ chai” trên QL1 qua địa bàn TX.Cai Lậy và H.Cái Bè. Chi cục đường bộ VI.3 sẽ có khảo sát để lên phương án khắc phục trong thời gian tới.

Chậm nâng cấp, mở rộng do khó vốn

Tuyến QL1 đã được nâng cấp, mở rộng nhiều đoạn tuyến lên quy mô 4 làn xe trong giai đoạn 2012 - 2015, nhưng nhiều đoạn chưa được mở rộng vẫn mới có quy mô 2 làn xe, mặt đường chật hẹp, thường xuyên tạo các nút thắt ùn tắc trên tuyến. Mặt khác, với đặc điểm đi qua nhiều khu vực đông dân cư (chiếm khoảng 48,7% tổng chiều dài), lưu thông hỗn hợp với các phương tiện thô sơ, chủ yếu là giao cắt cùng mức, nên tốc độ khai thác trên QL1 chỉ trung bình khoảng 40 - 60 km/giờ.

Đơn cử, tuyến QL1 từ Thanh Hóa tới Hà Tĩnh dài 315 km, dù là một trong những đoạn tuyến đầu tiên được nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác tháng 1.2015, song chỉ sau hơn 2 năm, tuyến đường qua 3 tỉnh Bắc Trung bộ này đã xuất hiện tình trạng quá tải. Tại phía Nam, tuyến QL1 qua Bình Thuận và Đồng Nai cũng nhiều lần xuất hiện ùn tắc cục bộ, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong đó, đoạn QL1 qua Bình Thuận hiện mới chỉ có quy mô 2 làn xe, thậm chí chưa đủ bề rộng trên 16 m để lắp đặt dải phân cách giữa nhằm đảm bảo lưu thông an toàn.

Không chỉ QL1, nhiều tuyến QL khác cũng đang bộc lộ những bất cập, hạn chế do chậm được nâng cấp, mở rộng. Trước đó, tỉnh Vĩnh Long đã kiến nghị Bộ GTVT sớm phân bổ kinh phí để nâng cấp, mở rộng sửa chữa QL54 qua tỉnh này do đang xuống cấp, nhiều đoạn bị ổ gà, ảnh hưởng đến việc đi lại, lưu thông vận chuyển hàng hóa.

Theo đại diện Bộ GTVT, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, QL54 đoạn qua Vĩnh Long dài 49 km, quy mô 2- 4 làn xe, song hiện nay mới đạt 2 làn xe. Dù được xác định là tuyến đường bộ quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên việc mở rộng đoạn tuyến này chưa được tính tới do khó khăn từ nguồn ngân sách.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, dù các địa phương đều có nhu cầu, song hiện QL1 vẫn còn hơn 500 km chưa được nâng cấp, mở rộng do hiện nay ngân sách nhà nước chưa có kế hoạch bố trí. Đặc biệt, nguồn lực đang được ưu tiên cho đầu tư nhanh tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó, để giải tỏa áp lực cho QL1 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, hiện tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi song song, cách QL1 khoảng 10 km đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

UBND tỉnh Tiền Giang đã trình T.Ư phương án đặt trạm thu phí, giá thu phí trên tuyến của Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hiện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang khẩn trương thi công hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đưa vào vận hành khai thác. Dự kiến, dịp lễ 30.4 tới đây, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ chính thức được đưa vào vận hành, khai thác để “chia lửa” với QL1 đoạn Mỹ Tho - Mỹ Thuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.