Ám ảnh những ‘thị trấn ma’ ở Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
16/10/2021 20:12 GMT+7

Giới phân tích cho rằng "bom nợ" Evergrande chỉ là phần nổi của "quả bom nổ chậm" trong thị trường bất động sản ở Trung Quốc.

Một khu dân cư ở Bắc Kinh trong bức ảnh chụp ngày 17.9. Nhu cầu nhà ở tại Trung Quốc được cho là đang sụt giảm dần

Ảnh chụp màn hình CNN

Theo CNN, khủng hoảng liên quan Tập đoàn Evergrande (Hằng Đại) tại Trung Quốc chỉ là phần nổi của thực trạng thị trường bất động sản Trung Quốc. Nền kinh tế dựa nhiều vào bất động sản đang đối diện rủi ro do tình trạng bất động sản đóng băng.

Nhiều dự án bất động sản ở Trung Quốc không có người ở do chưa bán được, đã bán nhưng người mua chưa ở, hay đã nhận tiền nhưng chưa hoàn thiện để giao khách hàng do những khó khăn chung.

Evergrande chỉ là phần nổi

Evergrande là một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc hiện đang trên bờ vực sụp đổ vì gánh khoản nợ quá hạn hơn 300 tỉ USD.

Sự lung lay của Evergrande đang thu hút sự chú ý trên toàn cầu, nhưng những vấn đề tập đoàn này gặp phải chỉ là phần nổi, với vấn đề lớn hơn nhiều mà Trung Quốc đang phải đối phó.

Một công trình chung cư tại tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình cnn

Trong bối cảnh khủng hoảng dần hiện rõ, giới phân tích đang tập trung vào vấn đề ẩn đằng sau vấn đề của Evergrande, đó là thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng sau nhiều năm cung vượt cầu.

Giới chức Trung Quốc hôm 15.10 đã đưa ra nhận định về khủng hoảng của Evergrande. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng tập đoàn này đã không quản lý tốt việc kinh doanh, nhưng nguy cơ đối với hệ thống tài chính là “có thể kiểm soát”.

Không được Evergrande thanh toán, giám đốc phải bán nhà, xe để trang trải cuộc sống

“Trong vài năm qua, tập đoàn này không quản lý tốt việc kinh doanh và vận hành theo những thay đổi của thị trường. Thay vào đó, tập đoàn đã mù quáng đa dạng hóa và mở rộng, dẫn đến việc xuống cấp nghiêm trọng trong vận hành và các chỉ số tài chính, dần dẫn đến các rủi ro”, theo Giám đốc bộ phận thị trường tài chính của Ngân hàng trung ương Trung Quốc Trâu Lan.

Bom hẹn giờ

Theo giới phân tích, các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện vài lần. Trước khi Evergrande đối diện khủng hoảng, hàng chục triệu căn hộ chung cư đã bỏ trống trên cả nước và vấn đề này ngày càng tồi tệ trong vài năm gần đây.

Bất động sản rao bán tại Thượng Hải, Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình cnn

Theo ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại công ty Capital Economics (Anh), ước tính Trung Quốc vẫn còn khoảng 30 triệu bất động sản chưa bán được, có thể phục vụ đến 80 triệu người.

Ngoài ra, khoảng 100 triệu bất động sản dường như đã có người mua nhưng vẫn chưa ở, với khả năng cung cấp chỗ ở cho 260 triệu người. Những dự án như thế thậm chí bị nhiều người gọi là “thị trấn ma”.

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan là một phần quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, chiếm đến 30% GDP. Theo ông Williams, xây dựng và các hoạt động liên quan chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác, giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng nhanh trong nhiều thập niên.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, giới phân tích đặt câu hỏi rằng liệu động lực tăng trưởng đó có tạo ra quả bom hẹn giờ đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này hay không. Điều này một phần vì số nợ khổng lồ của nhiều nhà đầu tư các dự án.

Một góc thành phố Thiên Tân, Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình cnn

Là nhà đầu tư nợ nhiều nhất Trung Quốc, Evergrande đã trở thành biểu hiện của tăng trưởng thiếu bền vững, với khoản nợ hơn 300 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Christina Zhu tại công ty Moody’s Analytics, Evergrande không phải là tập đoàn duy nhất đang chật vật. Trong vài ngày qua, nhiều nhà đầu tư khác đã hé lộ các vấn đề trong dòng tiền, đề nghị bên cho vay cho thêm thời gian để trả nợ hoặc cảnh báo về khả năng nợ xấu.

Trong báo cáo mới đây, bà Zhu cho biết 12 công ty bất động sản Trung Quốc nợ xấu trái phiếu với tổng số tiền khoảng 19,2 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay.

“Số tiền đó chiếm gần 20% tổng nợ xấu trái phiếu của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, cao nhất so với mọi lĩnh vực ở Trung Quốc”, theo bà Zhu.

Đại dịch khiến nhiều hoạt động tạm dừng. Xây dựng sau đó hoạt động lại khi Trung Quốc mở cửa và thị trường bất động sản tăng lại chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thị trường sau đó lại không có nhiều triển vọng và chưa có dấu hiệu sớm hồi phục.

Một dự án chung cư của Evergrande ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình cnn

Theo ông Williams, nhu cầu bất động sản nhà ở tại Trung Quốc đang vào thời kỳ sụt giảm liên tục. Chuyên gia này cho rằng đó chính là nguồn gốc của khủng hoảng Evergrande và những nhà đầu tư khác.

Bên cạnh đó còn có vấn đề những dự án chưa hoàn thiện dù có nhu cầu. Theo Ngân hàng Bank of America, Evergrande đã bán 200.000 căn nhà nhưng chưa bàn giao cho khách. Điều này đang khiến nhiều người lo ngại sẽ trắng tay sau khi đã chi trả cho tập đoàn này.

Ngồi trên "bom nợ", đại gia Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản

Trong vài tuần qua, chính phủ Trung Quốc bắt đầu tập trung vào việc giới hạn những tác động từ khủng hoảng và bảo vệ người dân. Trong thông cáo không đề cập đến Evergrande, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cam kết “duy trì phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua nhà. Giám đốc bộ phận thị trường tài chính của ngân hàng trung ương Trung Quốc Trâu Lan khẳng định Evergrande chỉ là hiện tượng cá biệt. “Thị trường bất động sản trong nước vẫn duy trì giá đất, giá nhà và các dự báo mang tính ổn định. Hầu hết các công ty bất động sản hoạt động vững chắc và có các dấu hiệu tài chính tốt”, theo ông Trâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.