Ám ảnh tetrodotoxin

25/04/2011 09:38 GMT+7

Nhờ được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh cấp cứu kịp thời vào ngày 23-4, anh Đỗ Văn Chính (ngụ huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) thoát chết do ăn nhầm con so biển mà tưởng là con sam. Tin này đăng trên nhiều tờ báo khiến không ít người nghĩ rằng nếu anh Chính ăn đúng con sam thì không ngộ độc.

Nghe mà giật cả mình, vì thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết sam, so cùng với mực đốm xanh, cá nóc... đều nằm trong danh mục các hải sản có chứa độc tố tetrodotoxin. Sam có hai loại, đều mang độc tính ở mức độ khác nhau. Trong đó, loại sam đi đơn lẻ, kích thước nhỏ, đuôi hình tròn, không có gai là thứ chứa độc tố rất nguy hiểm.

Cách đây không lâu, anh Ngô Văn Linh (ngụ tỉnh Đồng Nai) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn do ngộ độc quá sâu sau 4 giờ ăn một nửa con sam. Thống kê của ngành y tế các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng đều ghi nhận có những năm, mỗi tỉnh có đến vài chục ca nhập viện vì ăn con sam. Như vậy, không chỉ con so mà cả con sam đều là những loài hải sản rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Phân tích của các chuyên gia ở Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy độc tố tetrodotoxin có trong con sam, so, cá nóc hay mực đốm xanh... là một chất độc rất mạnh đối với thần kinh. Ở con so, độc tố này tập trung ở gan, nội tạng, da, tuyến sinh dục và đặc biệt là buồng trứng, vì vậy mà độc tính ở con cái cao hơn nhiều so với con đực.

Ông Đàm Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, cũng cho hay là  tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Vì vậy, dù đã nấu chín thịt những loài hải sản này thì người ăn vẫn có thể bị ngộ độc.

Khi độc tố tetrodotoxin ngấm vào cơ thể từ khoảng 1 - 4 giờ,  sẽ xuất hiện triệu chứng ngộ độc cấp tính với dấu hiệu như đau bụng, nôn ói, tay chân rã rời, môi, lưỡi, đầu ngón tay ngứa ngáy và tê cứng, có nguy cơ bị liệt cơ hô hấp, gây ngừng thở dẫn đến suy hô hấp, trụy tim mạch, nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.

Hiện chưa có thuốc giải độc tetrodotoxin nên lời khuyên của các thầy thuốc là nâng cao phòng ngừa trong cộng đồng bằng việc tuyên truyền để người dân không ăn các hải sản này.

Trong những năm qua, ngày càng xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn phải hải sản chứa độc tố tetrodotoxin. Không ít trường hợp cả gia đình nhiều người cùng ngộ độc. Các cơ quan chức năng của Bộ Y tế cũng đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông và nghiên cứu sâu để đưa ra quy trình cấp cứu, xử lý đối với các trường hợp ngộ độc tetrodotoxin.

Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu lại phụ thuộc vào tuyến y tế cơ sở. Việc nhiều người dân vùng biển vẫn còn chưa cảnh giác trước độc tố tetrodotoxin chính là bằng chứng cho thấy việc tuyên truyền vẫn chưa đạt kết quả cao. Và đấy chính là một mục tiêu khẩn thiết phải đặt ra đối với hoạt động dự phòng ở y tế cơ sở.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.