Ám ảnh thi công quốc lộ 19

15/08/2023 07:25 GMT+7

Dự án nâng cấp, mở rộng QL19 thi công chậm trễ tiến độ đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như đời sống của người dân.

CUNG ĐƯỜNG ÁM ẢNH

Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, trên QL19 (đoạn từ TP.Pleiku đến H.Mang Yang, Gia Lai) hay đoạn qua đèo An Khê (giáp Gia Lai và Bình Định) vẫn đang là công trường bề bộn. Nhiều đoạn chỉ thấy đất đá ngổn ngang, không thấy hoạt động của máy móc, thiết bị thi công. Cung đường huyết mạch này thật sự là nỗi ám ảnh đối với những người tham gia giao thông.

"Đường thi công mãi vẫn chưa xong. Dân ở đây khổ đủ đường. Nắng thì bụi bẩn theo gió lùa vào từng ngóc ngách của nhà, rất khó chịu. Nhà cửa, đồ đạc bám đất đỏ nhìn rất bực bội. Hễ mưa là nước tràn vào trong nhà. Ai cũng bức xúc vì thấy thi công chậm, ít máy móc làm lắm", chị Nguyễn Thị Thương (ở xã Tân Bình, H.Đăk Đoa, Gia Lai) ngao ngán.

Ám ảnh thi công quốc lộ 19 - Ảnh 1.

QL19 (đoạn qua H.Đăk Đoa, Gia Lai) thi công ì ạch, nham nhở

TRẦN HIẾU

Dự án thi công kéo dài cũng gây những phiền toái không nhỏ đối với nhiều hộ dân sinh sống lâu năm dọc QL19. Hết bùn đất chảy vào nhà và vườn cây, lại thêm tình trạng nhà ở lọt thỏm xuống dưới nền đường. Mỗi khi mưa xuống, nhiều gia đình cứ thấp thỏm lo âu.

Khốn khổ hơn, 20 hộ dân ở thôn Thanh Bình (xã Bình Giáo, H.Chư Prông, Gia Lai) sống dọc QL19 bị bít lối vào nhà gần 2 năm qua. Đường cũ được nâng cao đã lấp hết lối vào nhà. Hiện, nhiều căn nhà lọt thỏm, cách mặt đường từ 4 - 5 m. Nắng thì bụi, mưa thì nước mang theo bùn đất đổ xuống. Việc sinh sống, đi lại gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Văn Thanh (ngụ xã Bình Giáo) bức xúc: "Nước chảy xuống tràn hết vào nhà, tràn hết vườn cà phê của nhà tôi. 30 năm nay, chưa lần nào nước tràn qua đây mà bây giờ khổ như thế này. Nhiều lúc đi làm về muốn chở lúa vào nhà cũng không thể chở xuống được".

Ám ảnh thi công quốc lộ 19 - Ảnh 2.

Dự án nâng cấp QL19 đang dang dở và gây bức xúc cho người dân

THANH QUÂN

Trước bức xúc của người dân, ông Trương Minh Hiệp, Phó chủ tịch UBND xã Bình Giáo, chia sẻ: "Đơn vị thi công làm chưa cụ thể, chưa đảm bảo khi mưa gió gây ứ đọng nước, làm ảnh hưởng đến các hộ dân. Chúng tôi đã liên hệ đơn vị thi công và mời các hộ dân đến để làm việc, thỏa thuận và khắc phục hậu quả cho các hộ bị ảnh hưởng".

Các hộ dân ở xã Tân Bình (H.Đăk Đoa) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đoạn quốc lộ này thi công chậm trễ, không đúng tiến độ. Nhiều nhà dân nằm lọt thỏm khi nền đường được nâng cao đã gây khó khăn cho việc vận chuyển nông sản, đi lại.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL19 được khởi công từ năm 2020, dự kiến hoàn thành năm 2023, với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng. Dự án có chiều dài 143 km, đi qua địa bàn Gia Lai 126 km và Bình Định 17 km. Tính đến cuối tháng 6.2023, khối lượng thi công dự án mới chỉ đạt 59% giá trị hợp đồng, chậm 38% so với tiến độ hợp đồng được chấp thuận lần đầu và chậm 11% so với tiến độ điều chỉnh. Mới đây, Bộ GTVT ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đến cuối năm 2024 hoàn tất.

Người dân chờ đến bao giờ?

Trước đó, đầu năm 2023, Báo Thanh Niên đã phản ánh những vấn đề liên quan tiến độ thi công, an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng lưu thông trên QL19. Tuy nhiên, đến nay nhiều vấn đề vẫn chưa được khắc phục.

Tình trạng chậm trễ trong quá trình thi công đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt quá trình lưu thông. Ngoài ra, năng lực của một số đơn vị trúng thầu dự án này cũng là dấu hỏi lớn khi không chỉ thi công không đúng tiến độ mà còn có nhiều vi phạm trong quá trình thi công. Tại một số cầu đang thi công trên đoạn tuyến không có người hướng dẫn, điều tiết giao thông. Khi mưa xuống, đường lầy lội khó đi dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông kéo dài...

Ám ảnh thi công quốc lộ 19 - Ảnh 4.

Nhiều nhà dân nằm lọt thỏm bên QL19 - đoạn qua Gia Lai

TRẦN HIẾU

Việc thi công QL19 ì ạch, chậm tiến độ, gây khổ sở cho người dân và ảnh hưởng việc giao thông trên cung đường huyết mạch nối Bình Định với Gia Lai, trách nhiệm chính thuộc về Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án). Theo Ban Quản lý dự án 2, nguyên nhân chậm tiến độ của dự án là do vướng mặt bằng ở 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai; khó khăn về tài chính của các đơn vị thi công; thiếu vật liệu...

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, thừa nhận do quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc dẫn đến bị chậm tiến độ so với hiệp định đã ký với các đối tác nước ngoài. Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, ông Tân nói: "Ban Quản lý dự án đã có nhiều biện pháp như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị thi công; yêu cầu các đơn vị thi công tăng cường máy móc, phương tiện và con người; xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công".

Liên quan dự án này, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, cùng đoàn công tác cũng đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường để có những giải pháp, quyết định liên quan việc thi công trong thời gian tới.

Hiện đang là mùa mưa ở Tây nguyên, người dân tham gia giao thông hay sinh sống dọc QL19 đang thi công dang dở, chậm trễ càng thêm khổ và phải chịu nhiều thiệt hại. Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp chủ đầu tư để tháo gỡ một số vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể về đích. Chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần rà soát lại toàn bộ để quá trình thi công được đẩy nhanh trên tuyến giao thông huyết mạch này".

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng chục hộ dân (ngụ H.Tây Sơn, Bình Định) cũng bức xúc vì QL19 khi được nâng cấp lại cao hơn nền nhà của họ rất nhiều, gây khó khăn cho sinh hoạt. Trời mưa là nước, bùn lầy lại trút vào nhà dân.

Hằng ngày, người dân phải xịt nước đoạn đường đang thi công cho bớt bụi. Ông Đỗ Đức Tám (ở thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang, H.Tây Sơn) bức xúc: "Gần 9 tháng nay, quán tôi không buôn bán được gì. Trời nắng thì bụi mịt mù, bàn ghế vừa bỏ ra bụi phủ trắng xóa, khách nào dám ghé uống nước. Còn mưa đến thì bao nhiêu bùn đất trút hết vào nhà. Mặc dù đã đào đường thoát nước trong sân nhưng vẫn không ăn thua".

Không riêng ông Tám, hầu hết người dân H.Tây Sơn đều khổ sở với dự án này. Những lần tiếp xúc cử tri, các bất cập về việc thi công QL19 luôn được người dân đưa ra chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh, huyện.

Hiện dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ở xã Tây Giang (H.Tây Sơn). Trong đó, vướng mắc nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đoạn qua cầu Ba La (xã Tây Giang) chưa được bồi thường, di dời do chính quyền địa phương chưa hoàn thành phương án đền bù. Ngoài ra, tại xã Tây Thuận (H.Tây Sơn), quá trình thi công dự án đã làm nứt, hư hỏng khoảng 300 nhà dân.

Thanh Quân


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.