Ông Thân Văn Thanh |
Cụ thể những bất cập trong quản lý vận tải hiện nay là gì, thưa ông?
Hiện nay mọi thua thiệt khi xảy ra tai nạn đều tập trung lên vai người lái xe. Chủ xe nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn còn được lợi vì bảo hiểm đền xe mới, còn mọi điều trên đường đều do lái xe chịu. Đây là một lỗ hổng của luật. Hệ thống luật của chúng ta cũng chưa đồng bộ. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng đến sinh mạng con người, nhưng khi cơ quan nhà nước đặt ra điều kiện kinh doanh lại vướng Luật Doanh nghiệp, cho là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Kết quả là thành lập doanh nghiệp (DN) vận tải quá dễ dàng, tôi biết có những hộ kinh doanh hàng bách hóa nhưng có một ô tô vẫn đứng ra kinh doanh vận tải khách. Chúng ta còn phải sửa luật nhiều, nhưng cũng cần một quá trình với quyết tâm và đồng thuận.
Hiện các quy định trong quản lý xe khách cũng không được nghiên cứu, ban hành kịp thời, dẫn đến tình trạng chủ xe khách, lái xe lách luật. Ví dụ, luật quy định các lái xe không được lái xe liên tục quá 4 giờ nhưng thực tế để quản lý và theo dõi điều này là gần như không thể làm được. Nghiên cứu nguyên nhân các vụ tai nạn xảy ra ở Hà Tĩnh, Phú Yên gần đây đã cho thấy hầu hết các lái xe đến đây đều lái qua đêm, quá thời gian quy định.
Có ý kiến cho rằng cần đình chỉ các phương tiện, các DN vận tải khách sai phạm nhiều lần, hoặc siết lại số đầu phương tiện. Ý kiến của ông?
Tôi ủng hộ ý kiến này. Chắc chắn sẽ có DN phản ứng, nhưng các DN lớn làm ăn đàng hoàng, đúng pháp luật sẽ không phản ứng. Cách đây vài năm, chúng tôi cũng tính tới việc tổ chức lại các phương tiện vận tải hành khách theo phân công, DN nhỏ vận chuyển từ xã lên huyện, DN trung bình từ huyện về tỉnh và chỉ những DN có đủ điều kiện tổ chức quản lý và đội ngũ lái xe mới chạy đường dài. Chứ không phải như hiện nay một DN chỉ có 2, 3 đầu xe vẫn chạy thẳng từ Hà Giang tới Cà Mau.
Luật Giao thông đường bộ cũng có hướng siết chặt dần, tổ chức lại theo quy mô, giảm dần tình trạng manh mún trong vận tải hành khách. Nhưng tới nay vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa thể siết lại được. Chẳng hạn luật quy định xe vận tải hành khách đường dài phải gắn thiết bị giám sát hành trình, nhưng đáng tiếc có nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng điều này sẽ gây khó khăn cho DN nhỏ. Nhưng thực tế, đây chính là biện pháp tích tụ lại; 2, 3 anh DN nhỏ sẽ cụm lại thành DN lớn, vừa tiện quản lý vừa hoạt động bài bản hơn.
Hiện nay mọi thua thiệt khi xảy ra tai nạn đều tập trung lên vai người lái xe. Chủ xe nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn còn được lợi vì bảo hiểm đền xe mới, còn mọi điều trên đường đều do lái xe chịu.
Theo quy định, muốn tham gia hoạt động vận tải đều phải đăng ký DN, nhưng việc đăng ký quá dễ khiến các DN, hợp tác xã (HTX) đang tồn tại rất hình thức?
Đấy là HTX trá hình, giả danh, ông chủ tịch HTX chả có gì ngoài con dấu trong túi, các chủ xe là xã viên, mỗi tháng đóng góp một khoản lệ phí nhỏ. Khi nào cần xin gì thì nhờ ông chủ nhiệm đi xin hộ. Vận tải hành khách đang có rất nhiều trường hợp như thế.
Theo ông, vấn đề tuần tra kiểm soát chưa minh bạch, hiệu quả có phải là nguyên nhân khiến tai nạn xe khách gia tăng?
Nguyên nhân chính là sức ép về thời gian và doanh thu, từ khâu quản lý, tổ chức kinh doanh của DN. Lực lượng kiểm soát, chẳng hạn kiểm soát tốc độ, nhưng lái xe chỉ đi chậm ở khu vực đó, sau đó lại chạy nhanh để bù lại. Lái xe đường dài có hệ thống tín hiệu với nhau, biết ở đâu có cảnh sát, ở đâu bắn tốc độ để tránh.
Hiện chúng ta có tới 117.000 ô tô khách các loại từ 10 chỗ trở lên, nhưng nhu cầu đi lại mỗi ngày chỉ cần 60% lượng xe này. Ngày tết, lễ thì thiếu, ngày thường thừa 40% thì đương nhiên các xe phải tranh giành nhau.
Cần có giải pháp gì để hạn chế dần tai nạn, thưa ông?
Để giải quyết cần thời gian, nhưng từng bước cần siết chặt quản lý vận tải đang lỏng lẻo. Trước hết chúng ta phải tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách, siết chặt lại điều luật quy định trong lĩnh vực này, dần tiến tới mô hình vận tải theo kiểu phân cấp lại các DN. Mỗi tỉnh chỉ cần một vài DN chạy liên tỉnh chứ không thể để chạy tràn lan như hiện nay.
Chưa lãnh đạo địa phương nào bị xử lý! Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn để xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị cách chức, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời các địa phương phải tổ chức thống kê, phân loại và xử lý các đường đấu nối trái phép vào hệ thống quốc lộ, thực hiện các giải pháp khắc phục triệt để tình trạng đấu nối trái phép trước năm 2011... Nhưng thực tế, tình trạng đường đấu nối không phép, các công trình dân sinh như chợ, trường học, khu kinh tế... vẫn được các địa phương cho mở một cách ồ ạt ngay trên hành lang các tuyến quốc lộ, đặc biệt QL 1A. Mặt khác, tai nạn xe khách nghiêm trọng vẫn thường xuyên xảy ra trên cung đường này, nhưng tới thời điểm hiện tại, chưa một lãnh đạo địa phương nào dù cấp phường, xã bị xử lý kỷ luật. |
Một tai nạn nghiêm trọng trên QL 1A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Trương Hoa |
Mai Hà (thực hiện)
Bình luận (0)