Những suất ăn nghĩa tình
Bà M.T.Tứ (H. Thăng Bình, Quảng Nam) đang chăm cháu nội 16 tháng tuổi bị viêm phổi tại Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng. Cứ đến bữa ăn, bà lại ẵm cháu ra khuôn viên công cộng của bệnh viện để nhận cơm cho bà và cháo cho cháu. “Nhà khó khăn, lại neo người, mà ba mẹ cháu làm công nhân cách đây gần 20 cây số nên không thể cơm nước cho hai bà cháu. May ở đây mỗi bữa đều có cơm cháo từ thiện với thức ăn ngon và ấm nóng”, bà cụ Tứ nói và trong đôi mắt của người bà nghèo gợn những tia vui.
|
Hằng ngày, chưa đến 6h sáng đã có mấy chị mặc đồng phục của các đoàn thiện nguyện ghé ngang qua từng phòng với lời nhắn đã có cháo từ thiện ở các điểm A, B... các bà, các mẹ tranh thủ dậy sớm lấy cháo nóng cho bé. Dù các chị đi qua đã lâu mà lời nhắn vẫn được nhân đôi, nhân ba theo bước chân gấp gáp của mấy cô y tá, mấy chị điều dưỡng nhiệt tình.
“Càng ngày càng có nhiều đoàn, nhóm thiện nguyện mang suất ăn tình thương đến bệnh viện. Dường như cả xã hội đang cùng chung tay chia sẻ khó khăn với những người bệnh nghèo và người nhà của họ. Những nhân viên y tế như tôi cũng thấy thật sự vui và cảm kích. Mong việc làm có ý nghĩa ngày tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa đến với nhiều bệnh nhân nghèo ở khắp các bệnh viện trên địa bàn thành phố”, chị Lan, một điều dưỡng viên của bệnh viện chia sẻ.
Trong lúc khó khăn, chính cái tình đã kéo những người nghèo khổ gần lại gần nhau hơn. Đến giờ ăn, các mẹ, các chị thay phiên nhau đi nhận thức ăn và tự nguyện nhận cho cả những người bệnh neo đơn. Khi nghe hỏi cơm từ thiện ăn hoài có ngán không thì bà cụ Tứ cười hồn hậu và mách, nếu muốn đổi món thì chỉ cần dời địa điểm thôi. Rồi bà chỉ tay điểm này người ta hay phát cơm, phát cháo, điểm kia thường là chỗ các bạn trẻ phát bánh mì hay bánh gói, chỗ nọ có xôi, mì… Nhìn nụ cười của bà thì cũng cảm thấy được, hình như người nghèo đã bớt khổ, hay ít ra họ cũng không phải lâm vào cảnh đói lòng khi ốm đau, tật bệnh.
Dịch vụ giá bình dân
Một trong những nỗi khổ nữa của người nuôi bệnh là vấn đề sức khỏe và vệ sinh cá nhân, bởi những khu vực vệ sinh thường hạn chế, ưu tiên được cho người bệnh đã khó, mong gì đến lượt mình. Nhưng đó cũng sẽ là chuyện cũ… ít ra cũng sẽ cũ hơn chuyện chúng tôi nghi nhận ở Bệnh viện Phụ sản -Nhi Đà Nẵng.
|
Chị Huệ, quê Phước Sơn (Quảng Nam) đang chăm con ốm hơn 5 ngày nay. Tất tả với đủ thứ việc nên cũng chẳng còn thời gian nghĩ đến bản thân. Đến chừng thư thả, chị nghe mách trong bệnh viện có dịch vụ gội đầu, tắm nước nóng dành riêng cho phụ nữ, chị cũng muốn đến nhưng lại e ngại, sợ tốn kém. Rồi trong lúc mua đồ ăn cho con ở căng tin, thấy bảng giá dịch vụ tắm, gội, massage mặt... mỗi dịch vụ giá chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng chị mới dám thử. “Ở quê, tôi còn chưa khi nào dám xài sang, gội đầu tiệm. Vậy mà không ngờ ra phố lại được đi gội đầu với giả cả bình dân như vậy”, mắt chị Huệ lấp lánh vui.
Không chỉ các mẹ, các chị thăm nuôi bệnh dễ dàng giải quyết nhu cầu cá nhân mà chính người bệnh cũng có điều kiện được chăm sóc tốt hơn. Dù nằm viện đã được gần 1 tháng, nhưng cứ cách nhật, con gái bà T. Hoa (Q. Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) lại đẩy bà đến đây tắm nước nóng, được các nhân viên chăm sóc da mặt, gội đầu…
Khu vực dịch vụ dành cho các mẹ, các chị nhưng các bệnh nhi thì được ưu tiên. “Cháu bị tay, chân, miệng cần được vệ sinh sạch sẽ, mà phòng vệ sinh chung thì lúc nào cũng có người sử dụng nên tôi bế cháu đến đây. Chỉ với 5.000 đồng, nhưng có phòng tắm riêng và được tắm nước nóng. Rất rẻ và rất tiện”, anh T.P.Tuấn, bố của một em bé nói.
Giải trí trong khu vui chơi và siêu thị
Mỗi ngày chỉ có vài tiếng đồng hồ các bác sỹ đi thăm khám nên phần lớn thời gian vẫn là... rảnh rỗi. Trong khi các mẹ, các chị la cà siêu thị thì các bé chơi ở khu vui chơi chất lượng quốc tế ngay trong bệnh viện.
Mua vé 10.000 cho con trai út vào khu vui chơi, chị T.Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam) và con gái lớn tranh thủ lòng vòng trong khu siêu thị bên cạnh. “Lần đầu tiên 2 mẹ con được đi siêu thị, dù là cái siêu thị nho nhỏ trong bệnh viện nhưng rất vui. Vui nhất là mua đồ siêu thị nhưng giá cả cũng bằng ở chợ. Đi loanh quanh tìm mua những thứ này ở bên ngoài vừa không rành đường mà có khi mắc hơn vài chục ngàn chứ chẳng chơi”, chị T.Hồng nói.
Trong khi đó, bên khu vui chơi, những đứa trẻ say sưa với các trò chơi đến nỗi quên cả đau bệnh. Một ông bố trẻ vừa nhìn con trai chơi trong nhà banh vừa nói với vẻ hài lòng: “Vui và phấn chấn là hai trạng thái tinh thần quan trọng giúp người bệnh sớm bình phục. Cứ sau giờ khám mỗi ngày của các bác sỹ là cháu lại đòi tôi dắt vào đây. Khu vui chơi có phục nước uống giá cả bình dân nên tôi vừa ngồi uống nước vừa trông cháu. Chỉ cần các yêu cầu về vệ sinh được đảm bảo để các cháu không bị lây thêm bệnh là được.”
Bệnh viện là nơi bất khả kháng người ta mới phải vào vì ở đó thường trực nỗi lo sợ, đau đớn, mất mát... Và trong khi câu chuyện về các bệnh viện ở Đà Nẵng nói riêng và ngành y tế nói chung vẫn còn nhiều thứ phải bàn thì những “chuyện nhỏ” nói trên khiến người dân có phần an tâm khi đến với các dịch vụ y tế. Và hơn cả, chính lòng tin, sự an tâm chính là nguồn động viên để họ có thể cùng những người thân yêu vượt qua tật bệnh.
An Dy
>> Sẽ thành lập 13 bệnh viện vệ tinh
>> Bình chọn Bệnh viện thân thiện vì sức khỏe cộng đồng
>> Mang âm nhạc đến bệnh viện đổi lấy nụ cười
>> Bệnh viện giảm... hành bệnh nhân
Bình luận (0)