Tiệc tất niên của chủ trọ
Đã đăng ký với chủ trọ để có vé xe miễn phí về quê Nghệ An vào ngày 5.2 (26 tháng chạp), nhưng sau đó hai vợ chồng chị Lê Thị Hằng và anh Nguyễn Viết Ngọc (cùng 32 tuổi) lại xin rút tên. "Ban đầu, gia đình tôi xin vé về tết ngày 26 tháng chạp. Nhưng sau đó, tôi có lịch ngày 29 Tết mới được nghỉ. Nhưng nếu nói lý do chính là đắn đo tiền bạc thôi. Mình về quê tay không thì cũng ngại. Về nên phải có quà, lì xì cho ba mẹ… Trong khi năm 2023, công ty khó khăn, không có tăng ca, nên lương hai vợ chồng cộng lại mỗi tháng chưa tới 15 triệu đồng", anh Ngọc nói.
Hai vợ chồng anh Ngọc làm chung công ty ở Q.Bình Thạnh đã được 10 năm, anh là nhân viên giao hàng, còn vợ là nhân viên đóng gói sản phẩm. Cả gia đình thuê trọ ở P.Thạnh Lộc, Q.12 để tiết kiệm chi phí.
"Mỗi ngày cả nhà chở nhau lên Q.Bình Thạnh, con trai tôi học lớp 2 trường tiểu học ở quận này luôn để tiện đưa đón. Lương mỗi tháng ngoài các khoản chi tiêu như tiền ăn, tiền trọ, xăng xe… thì còn khoản tiền 5 triệu đồng/tháng cho con học bán trú và học thêm", anh Ngọc kể.
Theo lời anh Ngọc, ba mẹ của hai vợ chồng đều rất mong ngóng các con về. Khi vợ chồng anh điện thoại thông báo không về được thì ba mẹ đều thông cảm.
"Nhưng nghe giọng của ba mẹ, tôi biết ba mẹ buồn lắm. Tết đoàn viên mà, mỗi năm mình về có được mấy khi. Day dứt lắm nhưng hoàn cảnh vậy rồi phải chịu thôi", anh Ngọc chia sẻ và nói thêm: "Con trai cứ đòi về quê, tôi bảo khi nào cha mẹ có tiền thì cho con về thăm ông bà. Cứ tự nhủ, động viên vợ con năm nay không về được thì năm sau cố gắng làm, hẹn tết sau lại đoàn viên".
Phòng trọ hai vợ chồng anh Ngọc thuê là khu lưu trú văn hóa thanh niên công nhân trên đường Thạnh Lộc 16, P.Thạnh Lộc (Q.12) của ông chủ trọ Nguyễn Thành Tâm (quê Bình Định). Ngày 27.1 vừa qua, ông Tâm tổ chức tiệc tất niên cho các hộ gia đình thuê phòng. Đây cũng là năm thứ 18 ông tổ chức tất niên cho công nhân lao động thuê trọ.
Ông Tâm nuôi sẵn gà thả vườn, đặt thêm nem, chả, bánh hỏi... rồi cùng các hộ thuê nhà nấu ăn, bắt đầu nhập tiệc lúc 18 giờ. Ông chủ trọ hào sảng cũng tặng mỗi hộ một phần quà (400.000 đồng/phần). Tổng chi phí tổ chức buổi chiêu đãi tất niên năm nay chừng khoảng 150 triệu đồng, tức bằng tổng thu tiền trọ tháng cuối. Nhưng ông Tâm nói chưa bao giờ thấy tiếc, bởi năm nay người lao động khó khăn nhiều.
Ở nơi đất khách quê người, ai lại không muốn tìm cho mình cảm giác thân quen: một món ăn, sự quan tâm, hỏi han tình nghĩa xóm giềng… Ông Tâm hiểu được cảm giác của người xa xứ đó, vì ngày trước khi lập thân ở phố thị, ông từng trải qua rất nhiều ngành nghề để mưu sinh, từng sống trong những căn phòng trọ tồi tàn… Thế nên giờ đây, ngoài các hoạt động hỗ trợ thường xuyên trong năm, qua buổi tất niên, ông Tâm mong san sẻ phần nào gánh nặng của người lao động, nhất là để người không có điều kiện về quê đón tết được ấm lòng hơn.
Có lẽ vì mến tấm lòng của chủ trọ nên hầu hết người thuê ở đây đều không muốn dọn đi nơi khác. "Ông chủ trọ chăm lo khách thuê như gia đình của mình vậy. Phòng trọ lại an ninh, xanh sạch đẹp. Ở đây là muốn ở luôn, không muốn đi đâu nữa", anh Ngọc nói.
San sẻ nỗi mong nhớ quê nhà
10 năm rồi gia đình bà Nguyễn Thị Bích Trân (49 tuổi, quê Quảng Ngãi, đang thuê trọ ở xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn) chưa được về quê thăm nhà, đón tết. Những ngày tết với bà Trân trôi qua như thường nhật. Nhưng bà sẽ cùng các con lau dọn sạch sẽ căn phòng, làm vài món ăn, mứt bánh, trái cây.
Năm 18 tuổi, bà Trân theo mẹ vào TP.HCM buôn bán kiếm kế sinh nhai. Nhưng đến năm 2014 thì mẹ của bà qua đời. Kể từ đó đến nay, bà chưa lần nào về quê. "Vì không có tiền về", bà Trân nói lý do. Hiện tại, bà Trân mưu sinh bằng nghề bán hàng ở chợ, còn chồng là công nhân cơ khí. Gia đình bà có hai đứa con sinh đôi và đang học lớp 7.
"Con cái đang tuổi ăn tuổi lớn, nhà cũng gói ghém cáng đáng sinh hoạt dữ lắm nhưng cũng thiếu trước hụt sau, năm 2023 lại khó khăn nữa", bà Trân nói và cho biết thêm năm nào gần tết, bà đều điện thoại dò hỏi coi giá vé xe. Nhưng hỏi xong thì bà lắc đầu.
"Tết năm nay, vé xe ghế ngồi đã gần 1 triệu đồng rồi. Chưa kể, về quê còn tốn tiền ăn uống, quà cáp, lì xì cho người thân. Bây giờ ở dãy trọ, thấy ai cũng lật đật dọn đồ về quê. Rồi con giục hỏi, đòi về… Mình cũng thấy chạnh lòng. Nhớ quê nhưng không có điều kiện về. Lúc đó cứ nghĩ thôi thì mình đã quen với chuyện ăn tết xa quê", bà Trân bộc bạch.
Nói "quen" là cách tự an ủi mình, nhưng bà vẫn mong một ngày được về quê, giải tỏa nỗi canh cánh khôn nguôi... "Tôi mong sau này con lớn, có công ăn việc làm, gia đình sẽ về quê, tôi dắt con về để con biết quê nhà", bà Trân gửi gắm.
Ông Hồ Văn Trở, chủ trọ nơi gia đình bà Trân thuê ở, cho biết khu trọ này có người về, cũng có người ở lại.
"Thấy họ không có điều kiện về quê để sum họp bên gia đình thì tôi thấy thương. Trong sức lực của mình, tôi cũng cố gắng chia sẻ, giúp đỡ tới đâu hay tới đó", ông Trở nói.
Thông thường mỗi năm, dịp Tết Nguyên đán, ông Trở sẽ tổ chức tất niên và tặng quà tết cho công nhân lao động. Nhưng hai năm qua kinh tế khó khăn, nên năm nay ông đành xin khất lại. Hiện tại, khu trọ của ông có giá thuê bình ổn, ông không tăng giá phòng đã mấy năm liền. Chưa kể, ông có dành "căn phòng mơ ước", miễn phí tiền thuê nhà 1 năm cho gia đình công nhân khó khăn.
"Dù không tổ chức tiệc tất niên nhưng tôi cũng duy trì tặng quà tết (300.000 đồng/phần quà) để người lao động ấm lòng. Ngoài ra, phía công đoàn thành phố cũng có gửi tặng các phần quà cho con em khó khăn ở khu trọ", ông Trở chia sẻ thêm.
Gặp gỡ cuối năm: Đôi vợ chồng 20 năm xa quê, bán hủ tiếu gõ hết lòng vì con
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đến nay toàn hệ thống chính trị thành phố đã xây dựng kế hoạch dự kiến tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán năm 2024 với tổng kinh phí hơn 1.100 tỉ đồng (trong đó nguồn ngân sách 915 tỉ đồng) để chăm lo 625.442 trường hợp các diện chính sách có công, cán bộ hưu trí, diện người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội.
Bên cạnh nguồn ngân sách, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM dự kiến chăm lo hơn 33,5 tỉ đồng cho 33.341 người từ các nguồn quỹ vận động từ xã hội. Tính cả hệ thống MTTQ các cấp thì số tiền dự kiến chi khoảng 150 tỉ đồng. Trong đó nổi bật là các chương trình như "Siêu thị mini 0 đồng" cho người lao động nghèo, "Xuân yêu thương" cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các khu lưu trú thanh niên công nhân trên địa bàn…
Phía công đoàn các cấp TP.HCM cùng nhiều đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động chăm lo tết cho người lao động như trao tặng vé xe, vé tàu, vé máy bay; chương trình "Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên"; "Mua sắm phúc lợi - Tết yêu thương"; "Phiên chợ xuân"; điểm bán hàng bình ổn giá; thăm và tặng quà cho người lao động tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn… với tổng kinh phí hơn 135 tỉ đồng.
Báo Thanh Niên cũng phối hợp Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM và Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức chương trình chuyến xe mùa xuân "Tết sum vầy - Xuân trọn vẹn"; phối hợp Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM và nhãn hàng OMO tổ chức chương trình "Chuyến xe mùa xuân - Hy vọng 2024 - Đưa công nhân về quê đón Tết Giáp Thìn", tặng vé và đưa gần 3.000 sinh viên, công nhân về quê ăn tết. Qua đó, góp phần san sẻ những khó khăn, động viên người lao động đón tết đầm ấm và phấn đấu cho năm mới...
Bình luận (0)