Cuộc binh biến thành Phan Yên (1833 - 1835) của Lê Văn Khôi

'Âm mưu' ồn ào của nhóm nổi dậy

02/01/2025 06:30 GMT+7

Vụ án gỗ ván bị phát lộ vào nửa cuối năm 1832. Đến tháng 3 âm lịch năm sau (1833), Lê Duy Lương nổi dậy ở ngoài Bắc. Trong âm mưu của mình, Lê Văn Khôi (Nguyễn Hựu Khôi) tuyên bố nhận được mật thư của Lê Duy Lương, khuyên làm nội ứng. "Âm mưu" của nhóm nổi dậy diễn ra khá ồn ào.

SỰ TẮC TRÁCH ĐÁNG KINH NGẠC

Tháng 3 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Nguyễn Văn Quế tâu rằng thuộc hạ của Lê Văn Duyệt gồm Vệ úy vệ Tả Bảo nhất là Hồ Văn Triệu, Phó vệ úy vệ Nguyễn Văn Bột cùng với Phó vệ úy vệ Minh Ngãi là Nguyễn Hựu Khôi "dựa thế của Duyệt, đem biền binh lên rừng chặt gỗ, nhân đó tự tiện lấy ván gỗ; có kẻ bán cho người nhà Thanh, có kẻ đem đóng thuyền riêng" (Đại Nam thực lục tập 3, tr.491). Vua Minh Mạng sai cách chức cả ba, hạ lệnh cho Quế hội đồng với Án sát ty điều tra.

'Âm mưu' ồn ào của nhóm nổi dậy - Ảnh 1.

Quan văn Gia Định Thành thời Lê Văn Duyệt

Án sát Nguyễn Chương Đạt đối với vụ án này lại có thái độ thờ ơ đến mức đáng ngạc nhiên. Sau này, các viên đội từng làm việc ở Phan Yên là Trần Văn Thạch, Đỗ Văn Thúy, Phan Văn Trọng có khai rằng: "Lại như bọn tên giặc Khôi, giặc Bột can án về gỗ ván thuyền, đã vâng chỉ nghiêm ngặt tra xét, mà nguyên Án sát sứ là Nguyễn Chương Đạt không từng bắt khóa giam cấm, ban đêm thường tha cho bọn can phạm ấy về nhà" (Khâm định tiễu bình Nam Kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên, tr.184). Tổng đốc Nguyễn Văn Quế cũng tỏ ra lười biếng đến kỳ lạ. Vụ việc rốt cuộc lại về tay Bố chính Bạch Xuân Nguyên - một người vốn không có chức trách điều tra, xử án. Bọn Trần Văn Thạch khai rằng: "Tỉnh Phan Yên từ sau khi phân hạt, Tổng đốc là Nguyễn Văn Quế (đã chết) mỗi tháng ra ngồi coi việc 2 lần, hoặc 10 ngày 1 lần, hết thảy các công việc trong tỉnh do Bạch Xuân Nguyên chuyên làm cả, đại khái mọi việc đều hà khắc xét nét, tức như là: Từ Lãnh binh cho đến Suất đội, hơi có việc gì không được như ý, là mắng tàn nhẫn; gỗ ván của cơ binh thành ấy thì lấy hết thảy để vào một chỗ; nhà ở của quân dân ở trong thành thì sức bắt dỡ đi…; quân binh đều oán ghét" (Khâm định tiễu bình Nam Kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên, tr.184).

Sự tắc trách đến kỳ lạ này là cơ hội để Nguyễn Hựu Khôi đi lại bàn bạc, chiêu mộ đồng đảng.

TIẾN TRÌNH Ủ MƯU

Tháng 4 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), con nuôi của Nguyễn Hựu Khôi là Bùi Văn Cúc (người thôn An Mỹ, huyện Mộ Hoa, tỉnh Quảng Ngãi, theo vệ Minh Ngãi tới Phan Yên) trông thấy một hôm Khôi từ chỗ giam trở về nhà. Dương Văn Nhã tới gặp Khôi, bảo rằng: "Nghe thấy Thái Công Triều nói là nay chia đặt tỉnh hạt, phàm những súng, khí giới, các thuyền, thuốc đạn các thứ, lập tức chia đi các tỉnh. Nếu không cử sự ngay còn đợi lúc nào?". Khôi đáp: "Vâng".

'Âm mưu' ồn ào của nhóm nổi dậy - Ảnh 2.

Quan võ Gia Định Thành thời Lê Văn Duyệt 

ẢNH: T.L TÁC GIẢ

Đến tháng 5 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), một đêm nọ, Bùi Văn Cúc lại trông thấy hai người là Nho và Nhỡ (có lẽ là Nhã) đến nhờ Nguyễn Hựu Khôi xem bói. Lúc Khôi từ chỗ giam quay về thì Nho nói rằng thấy Khôi bị giam "nên cùng với tên giặc Nhỡ nghi hoặc, có việc xem bói". Lát sau, Thái Công Triều tới tìm Khôi. Lúc đã ngồi xuống, Khôi thuật chuyện Nho và Nhỡ xem bói, rồi mời Triều tới chỗ hai người đó để cùng xem quẻ bói. Lát sau, bốn người cùng đi ra, ngồi ở chỗ Khôi uống nước chè, xong rồi giải tán ra về. Gần sáng, Khôi lại trở về chỗ giam giữ.

Vợ của Tả quân Lê Văn Duyệt là bà Đỗ Thị Phẫn, trước đây là cung nhân, được vua Gia Long gả cho Tả quân. Đỗ Thị Phẫn biết được mưu mô của Nguyễn Hựu Khôi, nên gọi Khôi đến để khuyên can. Bà nói: "Tướng quân của ngươi lòng son vì nước như thế, nếu có điều gì đáng khiển trách, thời đã có triều đình xử trí; nếu anh làm như vậy, thì chỉ nặng tội ngài thôi, chớ đâu có thù gì mà phải báo!". Khôi im lặng đi ra.

Trước ngày khởi sự mấy hôm, Cai đội Đỗ Văn Thanh biết được mưu của nhóm Nguyễn Hựu Khôi, liền đi báo cho Tổng đốc Nguyễn Văn Quế. Quế nói lại với Bạch Xuân Nguyên. Xuân Nguyên bảo: "Chỉ là bọn chuột nói khoác thôi chứ sao dám làm". Nguyễn Văn Quế, Bạch Xuân Nguyên không hề tổ chức phòng bị. Xuân Nguyên còn đi nói với người khác: "Đỗ Văn Thanh bảo Khôi muốn giết ta. Nay cứ tha hắn xem làm gì được ta".

Sau này, một giáo dân Nam kỳ đã gửi thư cho giám mục Taberd (viết ở Battambang, đề ngày 6-3-1834). Trong thư, người này cho biết: "Các thuộc cấp của Tâ-Quân [Tả quân] sẽ bị xử tử vào ngày 6 tháng 7 [nhằm ngày 19 tháng năm âm lịch]: người đứng đầu tòa hình sự [quan Án sát?] đã nhận được bản án do nhà vua gửi đến. Có lẽ biết rằng một cuộc nổi dậy đang được chuẩn bị, ông ta bảo với một trong số những người bị kết án rằng ngày mai anh ta sẽ bị chém đầu; nếu anh ta có việc gì cần làm thì phải làm nhanh lên. Người thuộc cấp này tên là Khòi [Khôi]" (Annales de la Propagation de la Foi, tập XL, tr.613). (còn tiếp

(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký - toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi,
NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.