Xoay quanh cuộc đời của vua Arthur, một trong những vị vua nổi tiếng của nước Anh có tên tuổi gắn liền với thanh gươm trong đá và huyền thoại về những hiệp sĩ bàn tròn, bộ phim King Arthur: Legend of the Sword ngay từ khi còn là dự án nằm trên giấy đã nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả khắp thế giới. Sự háo hức và kỳ vọng của người xem còn cao hơn nữa khi cái tên được xướng danh chỉ đạo dự án này là Guy Ritchie, một đạo diễn có kinh nghiệm lâu năm và từng gây được dấu ấn mạnh mẽ trong nhiều tác phẩm như The Man from U.N.C.L.E., loạt phim về Sherlock Holmes…
Câu chuyện về vua Arthur từng được hãng phim Walt Disney dựng thành bộ phim hoạt hình The Sword in the Stone khá nổi tiếng vào năm 1963. Tác phẩm này đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả 7X, 8X, chính vì vậy mà King Arthur: Legend of the Sword lại càng được chú ý hơn nữa. Người ta đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào tác phẩm để thấy được huyền thoại về một chàng trai trẻ thông minh, lém lỉnh và gan dạ trở thành vị vua hùng mạnh của nước Anh thế nào. Để kể lại được một câu chuyện đã quá quen thuộc nhưng vẫn tạo được sức hút, điều này đòi hỏi ê-kíp biên kịch phải cực kỳ sáng tạo nhưng vẫn cân bằng được tinh thần của tác phẩm cũ.
Và điều đáng tiếc là, King Arthur: Legend of the Sword chỉ mới làm được một phần trong mục tiêu ấy: là kể lại được câu chuyện theo một hướng đi mới. Ê-kíp biên kịch đã sáng tạo nên khá nhiều tình tiết mới, khá nhiều diễn biến so với những dị bản được lan truyền từ trước tới nay. Tuy nhiên, có lẽ vì quá tập trung vào việc đầu tư cho mặt hình ảnh, kỹ xảo và các yếu tố khác mà kịch bản của phim lại thiếu chiều sâu.
|
Ngoài nhân vật chính Arthur do Charlie Hunnam thủ vai và vai phản diện Vortigern do Jude Law thủ diễn, các nhân vật còn lại đều khá mờ nhạt, ít sức sống và đất diễn của họ chưa đủ tốt để tạo được sự ảnh hưởng nhất định lên câu chuyện. Xét ở yếu tố này, King Arthur: Legend of the Sword dường như đang phạm phải vết xe đổ mà bộ phim The Great Wall của đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng gặp phải. Xét ở nhiều khía cạnh, nó là một tác phẩm giải trí tốt, nhưng khi xét riêng về mặt kịch bản (yếu tố được xem là quan trọng nhất của một bộ phim) thì nó là hơi kém và thiếu sức sống. Kịch bản của King Arthur: Legend of the Sword chưa đến mức phải gọi là dở, nhưng nó để lại cho người xem một sự nuối tiếc bởi đáng lẽ ra với một câu chuyện như thế, tác phẩm phải xuất sắc hơn nhiều.
Ngay cả phần kết của bộ phim, so với nhiều tác phẩm Hollywood trong thời gian gần đây, King Arthur: Legend of the Sword cũng khá nhạt nhòa. Câu chuyện được giải quyết bằng những tình tiết đơn giản với kiểu mô tuýp rất kinh điển theo kiểu truyền thống một mặt khiến những người xem vốn kỳ vọng cao về tác phẩm rất thất vọng, mặt khác lại cho thấy xét về kịch bản, King Arthur: Legend of the Sword hoàn toàn không thể vượt mặt tác phẩm hoạt hình của Disney ra mắt cách đây hơn nửa thế kỷ.
Dù có một kịch bản khá bình thường, điều may mắn là King Arthur: Legend of the Sword lại có được một đạo diễn quá xuất sắc. Guy Ritchie vốn nổi tiếng là một trong những nhà làm phim có lối kể chuyện rất độc đáo với phong cách riêng khó có thể trộn lẫn: vừa gay cấn, hồi hộp, đen tối lại có chút gì đó trào phúng, chua cay mà cũng rất tươi sáng. Hai trong số thành công lớn nhất của Guy Ritchie khi thực hiện chỉ đạo bộ phim này, đó là dựng phim và âm nhạc.
|
Về mặt dựng phim, lối cắt-dựng nhanh với những khung hình liên tục đảo chiều, lướt nhanh và nối tiếp một cách dữ dội chính là thứ tạo nên sức sống cho cả bộ phim này. Một trong những phân đoạn đáng chú ý nhất chính là cảnh “tóm tắt” quá trình trưởng thành của vua Arthur. Guy Ritchie đã có một lối dựng kỳ lạ và ấn tượng đến mức người xem vừa bị cuốn hút, vừa tò mò, thú vị và đôi khi cũng… phát bực vì thỉnh thoảng lối cắt dựng quá nhanh khiến người xem không theo kịp.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất lại chính là nhạc phim. Trái ngược với một kịch bản rất “classic” theo mô hình truyền thống của Hollywood, thì nhạc phim lại đi ngược mọi chuẩn mực của các bộ phim sử thi thường có. Thay vì sử dụng chất liệu âm nhạc hùng hồn mang hơi hướng thần thoại theo “kiểu của Hans Zimmer”, thì Guy Ritchie lại phối hợp cùng nhà sản xuất âm nhạc Daniel Pemberton tạo ra một bộ nhạc phim “có một không hai” cho tác phẩm này. Daniel Pemberton chính là người từng hợp tác với Guy Ritchie trong The Man From U.N.C.L.E. và lần này, ông mang đến cho King Arthur: Legend of the Sword những giai điệu vừa bay bổng, ấn tượng theo phong cách rất chill, lại vừa rất dồn dập, cuồng nhiệt, dữ dội. Cũng chính trong phân đoạn nói về sự trưởng thành của vua Arthur đã nhắc ở trên, phong cách nhạc phim của tác phẩm này đã được thể hiện rõ nhất.
Nhìn chung, King Arthur: Legend of the Sword sẽ được khán giả nhớ đến rất lâu về sau, nhưng không phải tư cách là một bộ phim có kịch bản hay, mà là một trong những tác phẩm có lối kể chuyện độc đáo thông qua cách dựng phim và làm nhạc kỳ lạ nhất mà bạn từng gặp.
Bình luận (0)