Ấm ức đóng thuế

16/01/2017 06:08 GMT+7

Cuối năm, hàng triệu người lao động trên cả nước trông chờ vào tiền lương, thưởng để có cái tết trọn vẹn. Nhưng vừa lãnh thưởng xong, họ phải nộp thuế thu nhập cá nhân ngay dù rất nhiều người thu nhập bình quân cả năm có thể chưa tới mức phải đóng thuế. Cũng rất nhiều người, trừ thuế xong thì số tiền thực lãnh không đủ chi tiêu tết. Những bất cập của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện diện hằng ngày, hằng giờ trong đời sống người dân.
Cuối năm, đi đâu cũng râm ran nỗi ấm ức vì bị trừ thuế TNCN. Người được thưởng cao thì than phiền rằng “mang tiếng cao” chứ trừ thuế xong cũng chẳng hơn ngày thường là mấy. Người thưởng ít thì giận dữ, thuế cứ “tạm ứng” trước tiền của dân trong khi tết thì tăng thêm hàng trăm khoản chi. Chi tiêu không đủ mà nhà thuế thì cứ “trừ nghiến” như vậy, ấm ức cũng là điều dễ hiểu.
Tương tự với mức chiết trừ gia cảnh. Theo quy định hiện nay, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Mức này là quá thấp so với mức sống thực tế ở các TP lớn trên cả nước. Chẳng phải phân tích gần xa gì, bất kỳ ai cũng có ngay câu trả lời cho câu hỏi: “Số tiền 3,6 triệu đồng có đủ để nuôi một đứa con ăn - học hay không?”. Đó là chưa kể đến quy định, người có thu nhập không quá 1 triệu đồng/tháng trở lên không được tính là người phụ thuộc. Thế nên mới có chuyện, con trai của bạn tôi là sinh viên năm thứ 2 đại học đi làm thêm với mức lương chưa tới 2 triệu đồng/tháng (làm bán thời gian). Chỗ làm mở cho cậu bé mã số thuế cá nhân, thế là cậu bé nghiễm nhiên bị loại ra khỏi danh sách người phụ thuộc mà mẹ cậu đã kê khai để giảm trừ gia cảnh trước đó. Nghĩa là cậu phải tự nuôi mình với số lương hơn 2 triệu đồng nói trên. “Điên tiết” vì bị trừ thuế nhiều hơn, mẹ cậu buộc cậu thôi việc vì thực tế, bà vẫn phải trả học phí, mua giáo trình, sắm quần áo, nấu cơm cho cậu ăn mỗi ngày.
Cũng vì quy định này, rất nhiều gia đình nuôi ông - bà, bố - mẹ với mức thu nhập rất thấp, chỉ hơn 1 - 2 triệu đồng nhưng không thể tính vào người phụ thuộc. Thậm chí ngay cả nuôi người không có thu nhập nhưng cũng không được tính giảm trừ gia cảnh vì phải chứng minh và được xác nhận rằng ông bà mình, họ hàng mình là người “không nơi nương tựa”. Mà văn hóa của người Việt ta, “không nơi nương tựa” thường chỉ áp dụng cho những trường hợp người thân đã chết hay mất tích hết rồi chứ mấy ai con cháu bầy đàn mà lại nỡ ra phường xin chứng điều này cho người thân chỉ để được chiết trừ gia cảnh? Rồi hàng loạt bất cập như bị bệnh hiểm nghèo, phải vay tiền chữa bệnh nhưng vẫn phải đóng thuế TNCN; lỗ vẫn phải nộp thuế khi sang nhượng bất động sản; chứng khoán...
Đặc biệt, bất cập lớn nhất là cá nhân đang phải đóng thuế cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với mức đóng thuế của doanh nghiệp. Trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp ngày càng giảm, từ 32% xuống hiện nay là 20%; với nhiều doanh nghiệp ngoại được ưu đãi chỉ còn 10%. Thế nhưng cá nhân thì cao nhất tới 35% và chưa có lộ trình giảm dần mức điều tiết thuế với đối tượng này. Bất bình đẳng này khiến rất nhiều cá nhân có thu nhập cao lập công ty, chuyển thu nhập sang rồi "phù phép" bằng chi phí để khỏi đóng thuế. Chỉ tội mấy người làm công ăn lương, "có tóc" nên "trốn trời không khỏi nắng", cứ làm được đồng nào là bị tính đồng đó, không thiếu một xu và luôn trong tình trạng chi tiêu không đủ nhưng vẫn phải đóng thuế.
Đã đến lúc phải cải cách lại toàn bộ các quy định không phù hợp để người lao động nộp thuế với tinh thần tự nguyện, thoải mái chứ không phải "ấm ức" khi thực hiện nghĩa vụ của mình như thế này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.