Ăn bánh xèo buổi sáng, người Sài Gòn trố mắt vì phải xếp hàng tự phục vụ

Lê Nam
Lê Nam
16/11/2018 08:32 GMT+7

Dĩa bánh nóng hôi hổi, bốc hơi nghi ngút, dậy mùi thơm của bò, của tôm tươi... khiến bất kì chiếc bụng đói nào cũng không cưỡng lại được. Người Sài Gòn lại càng thấy "lạ" khi thưởng thức bánh xèo của bà Tám phố núi.

Bà Nguyễn Thị Tám, 59 tuổi, mở quán bánh xèo bò - tôm - trứng được 22 năm tại địa chỉ số 2 đường Trần Bình Trọng, phường Diên Hồng, TP.Pleiku, Gia Lai.

Dáng người nhỏ thó, một mình bà ngồi giữa 8 cái bếp lò nóng hầm hập, hai cánh tay gồng lên, liên tục mà nhịp nhàng đổ bánh xèo. Ngồi trên một chiếc ghế cao, bà nhìn chẳng khác nào một vị "thuyền trưởng" lão làng. Ngày nào cũng thế, quán bánh xèo bà Tám mở từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, khách đến đông đen, xếp hàng bu quanh bà Tám khoảng từ 8 giờ - 9 giờ, sau đó mới vãn bớt khách.

VIDEO: KHÁCH TỰ PHỤC VỤ VẪN KHÔNG KỊP LÀM Ở BÁNH XÈO BÀ TÁM - THỰC HIỆN: LÊ NAM

Tự phục vụ, tự tính tiền

Cả quán bánh xèo có một mình bà Tám đổ bánh và một người phụ nữ ít tuổi hơn phụ việc kiêm bán chè, bán nước kế bên. Bà Tám đổ ba loại bánh: bánh xèo bò, bánh xèo bò trứng và bò trứng tôm. Giá chỉ 5.000 đồng/cái, bánh thập cẩm là 10.000 đồng.

Tôi chưa từng nghe về việc ăn sáng với bánh xèo. Ở Sài Gòn hay các tỉnh miền Tây, bánh xèo chỉ là món vặt cho xế chiều hoặc bữa phụ. Còn người phố núi lại chọn bánh xèo cho bữa sáng nên khá lạ lẫm và thú vị với khách phương xa như tôi.

Bà Tám người nhỏ thó, ngồi đổ bánh xèo từ 6 giờ sáng Lê Nam
Một chiếc bánh nhân bò, trứng được nhiều thực khách yêu thích Lê Nam

Đến quán vào đúng “giờ cao điểm”, phải mất một lúc tôi mới "tìm" thấy được bà Tám ngồi đổ bánh vì khách cứ đứng chật kín quanh bà, chờ bà đổ chín chiếc nào là lấy liền chiếc đó. “Bà Tám ơi cho con thêm 2 bò trứng nha”, “bà Tám ơi của con xong chưa, ăn nốt để về nào…”, “con chờ lâu quá bà Tám ơi”… Không biết bao nhiêu âm thanh giục giã, hối hả bà Tám, mà có hối thêm, hối nữa thì với 8 cái chảo, bà Tám cũng chỉ đổ được bấy nhiêu bánh với tốc độ của một “thuyền trưởng" cao tuổi.

Bà mệt đừ kể lại: “Đông quá thì cô lật đật làm thôi chứ biết sao giờ con. Không chờ được thì người ta đi thôi… Khách đi thì cô tiếc chứ, cô vẫn kêu: thôi chờ cô một chút đi. Cô nói vậy á, đứa nào chờ được thì chờ, chờ không chờ được thì đi”, nói xong rồi cười xòa vậy thôi.

Khách hàng đa phần tự phục vụ vì quán quá đông Lê Nam

Khách đến ăn sáng thôi nhưng cứ xác định chống cằm, bưng dĩa chờ 15 phút là ít nhất. Ăn cái thứ nhất xong chờ đến cái thứ 2 cũng… hơi lâu. Nhưng có vẻ ai cũng bị “nghiện” bánh xèo bà Tám, vì thấy đều ráng chờ... ăn 2 - 3 cái, thanh niên phải ăn 5 - 6 cái, kể thật chứ không nói quá!

Mỗi dĩa bánh xèo có giá từ 5.000 đồng - 10.000 đồng, giá không đổi suốt nhiều năm qua Lê Nam

“Sáng nào mình cũng đến đây ăn, ăn từ nhỏ đến giờ. Lúc nào cũng đông, ngồi chờ hơi “bức xúc” vì nhiều khi mình đến trước mà chưa có nhưng mỗi lần được ăn là “sướng” lắm”, khách quen tên Nguyễn Công Dương, 25 tuổi chia sẻ.

“Nói chung cứ phải dự dành một tiếng để ăn sáng tại đây. Ăn thì cũng chỉ ăn được 2 - 3 cái đổ về bởi vì đợi cũng khá lâu. Kiên nhẫn thì có, mà hối thì khó lắm bởi có nhiều khách cũng chờ như mình mà”, Nguyễn Thị Hoài Thương, một vị khách nữ tỏ ra có kinh nghiệm ăn bánh xèo bà Tám nói. “Nhiều lúc cũng thèm. Đói mà không được ăn. Có lúc lên rồi cũng phải về lại. Nhiều lần lắm chứ không phải lần nào cũng được ăn đâu. Lần nào có thời gian hẵng lên.”

Thay vì cuốn với rau sống và chấm thì người dân phố núi chan trực tiếp nước chấm lên bánh, ăn kèm với rau sốngLê Nam

Bà Tám kể, có bữa khách oánh lộn vì chờ ăn bánh xèo, vác cả “đồ” lên dọa nhau, phải gọi công an lên giải quyết. Nghe xong khách phương như tôi liền thắc mắc: Bánh xèo bà Tám có gì khác biệt với bánh xèo Sài Gòn và hương vị hấp dẫn cỡ nào?

Ăn không giống người Sài Gòn

Bà Tám tự khuấy bột rồi đổ một lớp mỏng trên chảo, sau đó bỏ thêm giá đỗ, thịt bò tươi và làm chín bánh bằng cách đậy vung lại. Cách làm này không khác nhiều so với bánh xèo miền Trung, nhưng khi bưng ra và thưởng thức lại cho thực khách một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Phần vỏ bánh khá mềm mịn như bánh cuốn nhưng phía dưới áp sát chảo vẫn có độ giòn nhẹ. Giá chín vừa và thịt bò, tôm tươi dậy mùi thơm khó cưỡng theo làn khói bốc nghi ngút.

8 - 9 giờ sáng là lúc "cao điểm" của quán bánh xèo bà Tám Lê Nam

Trước khi ăn, thực khách chan trực tiếp một muỗng nước mắm chua ngọt mà bà Tám pha mỗi ngày (thành phần gồm có ớt, tỏi, đường và nước mắm) lên trên. Bánh còn nóng, ngay lập tức ăn kèm một lát dưa chuột, rau cải non, xà lách liền miệng, chứ không cuộn lại rồi chấm như cách ăn của người Sài Gòn. Đây là điểm khác biệt của bánh xèo bà Tám.

Hỏi bà Tám có bí quyết nấu nướng gì không, bà nói cách đổ bánh xèo này bà tự mày mò và tự làm theo hiểu biết có sẵn. “Cô làm bình thường, không có bí quyết gì cả”, bà Tám nói chân thành.

Phạm Thị Thùy, 20 tuổi, người Huế đang theo học tại Pleiku cho biết rất yêu thích món bánh xèo của bà Tám: "Muốn ăn ngon thì đợi lâu một xíu cũng không sao" Lê Nam

“Quy trình làm bột thì mình phải xay xong quậy vừa rồi đổ bánh. Tôm hay thịt thì sáng ngày người ta đem tới cho mình. Cô đổ trực tiếp luôn chứ không có để qua đêm, thành thử bánh mới ngọt, tôm thịt dậy mùi tươi ngon”, bà Tám nói.

Các bàn luôn chật kín đến khi hết bánh vào buổi trưa Lê Nam
Quán bánh xèo bà Tám gắn với tuổi thơ của nhiều người Lê Nam

Suốt hơn 20 năm nay, dĩa bánh xèo giản dị vẫn giữ nguyên hương vị và giá thành vẫn không đổi, bà Tám vẫn cứ khiến nhiều người "giận hờn" vì đôi cứ phải đợi bánh quá lâu, mà tuần nào cũng phải ăn, không ăn lại thèm lắm.

Đến phố núi ăn gì? Ngoài phở khô, cà phê, nếu được hỏi thì chắc hẳn nhiều người sẽ chỉ bạn đến quán bánh xèo bà Tám. Để ăn một lần rồi đi xa, nhớ mãi hương vị khó quên, khó tìm – như nụ cười thật ngọt ngào của bà Tám phố núi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.