Dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi:

Án bị hủy, thẩm phán chỉ chịu trách nhiệm nếu có lỗi chủ quan

20/09/2023 11:06 GMT+7

TAND tối cao đề xuất nếu bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa thì thẩm phán chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan.

TAND tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo lần 4 luật Tổ chức TAND sửa đổi. Cơ quan soạn thảo đưa ra nhiều quy định mới, liên quan đến việc bảo vệ thẩm phán.

Trong số này, TAND tối cao đề xuất "thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan".

Án bị hủy, thẩm phán chỉ chịu trách nhiệm nếu có lỗi chủ quan - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan

TUYẾN PHAN

Án hủy nhiều chứng tỏ năng lực không đáp ứng

Thẩm tra đối với dự thảo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đề nghị TAND tối cao không nên đưa nội dung trên vào dự thảo.

Lý do, việc sửa, hủy án liên quan đến quy định về quản lý, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hằng năm và xem xét khi bổ nhiệm lại thẩm phán.

Thẩm phán có nhiều án bị hủy, sửa chứng tỏ năng lực, trình độ không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ.

Trường hợp thẩm phán có vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của ngành tòa án.

Tương tự, thẩm phán nếu vi phạm pháp luật trong xét xử dẫn tới kết án oan người vô tội cũng sẽ bị xử lý.

Ngược lại, một số ý kiến tán thành với đề xuất của TAND tối cao, vì quy định như vậy là phù hợp với công tác xét xử nói riêng và công tác tư pháp nói chung.

Nhiều trường hợp, sau khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, các bên giao nộp chứng cứ mới dẫn tới bản án, quyết định của tòa án cấp dưới bị hủy, sửa. Lúc này thẩm phán không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm đối với bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Án bị hủy, thẩm phán chỉ chịu trách nhiệm nếu có lỗi chủ quan - Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi về nội dung của dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi

QUỐC HỘI

Cho phép sai do lỗi chủ quan ở mức 1,5%

Giải trình về đề xuất của cơ quan soạn thảo, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết quy định này được học tập từ các nước trên thế giới.

Ông Bình viện dẫn pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước, rằng "anh làm sai chỉ phải bồi thường khi anh có lỗi cố ý", còn án sơ thẩm sai thì quy định đã cho phép cấp phúc thẩm sửa.

Theo Chánh án TAND tối cao, nguyên nhân dẫn tới bản án có sai sót có thể do hạn chế về mặt chứng cứ, do pháp luật có ý hiểu khác nhau, "chỉ khi nào anh cố tình làm sai, anh làm sai lệch hồ sơ vụ án, anh rút tài liệu ra, anh thêm tài liệu giả vào, lỗi cố ý như thế thì phải chịu".

Người đứng đầu ngành tòa án còn cho biết, nghị quyết của Quốc hội cho phép sai do lỗi chủ quan là 1,5%. "Báo cáo các đồng chí, 1,5% của 600.000 vụ án, tức là khoảng 9.000 vụ án được phép sai do lỗi chủ quan. Bây giờ 9.000 ông xử việc này bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc", ông Bình nói.

Trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia pháp luật nhận định đề xuất của TAND tối cao sẽ giúp tăng tính độc lập xét xử của tòa án nói chung và thẩm phán nói riêng, từ đó tăng chất lượng của mỗi phán quyết.

Bởi lẽ, khi xét xử mà phải đối diện áp lực bị kiện cáo, bị xử lý nếu có hành vi vi phạm khi ra bản án, thẩm phán sẽ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Cần phân biệt rằng, thẩm phán ra bản án sai nhưng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, không có yếu tố tư lợi thì không phải chịu trách nhiệm; nhà nước sẽ khắc phục và bồi thường (nếu có thiệt hại). Còn trường hợp sai do cố ý làm trái hoặc động cơ tiêu cực, thẩm phán đương nhiên sẽ bị xử lý.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng đề xuất của TAND tối cao có thể dẫn tới tâm lý chủ quan, giảm tính thận trọng của thẩm phán khi ra bản án hoặc quyết định; do vậy cần cân nhắc kỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.