Thực tế, thông tin cá nhân bị lộ, lọt khiến nhiều người dân ngày đêm bị khủng bố bởi các loại hàng hóa, dịch vụ trên trời dưới đất. Sáng mới mở mắt ra bị bắt mua bảo hiểm, trưa chào mời căn hộ, chiều vay vốn ngân hàng… Có người còn than vãn, đang đi đám ma điện thoại đổ chuông liên hồi, chẳng đặng đừng mở máy thì phía đầu dây bên kia “ông ổng” mời tham gia chương trình tri ân chăm sóc sức khoẻ “5 sao” tại phòng thể hình (gym). Nhưng nguy hiểm hơn, từ những thông tin cá nhân đó không ít người bị khủng bố tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa, tống tiền...
Thông tin bị lộ, lọt từ nhiều kênh, có chủ quan do chủ thể tự khai báo danh tính, nhân thân, sở thích... trên các diễn đàn, mạng xã hội. Nhưng số này xét ra không nhiều. Mà nguyên nhân chính là thông tin cá nhân của khách hàng đã bị ăn cắp rồi chia sẻ, mua bán bừa bãi. Ngay cả không ít nhà mạng, ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm... dù luôn đưa ra thông điệp “bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng” nhưng thực tế chỉ là lời hứa suông. Đã có tình trạng ngân hàng “bắt tay” đại lý xe, đại lý xe bắt tay bảo hiểm, bảo hiểm liên kết cùng nhà mạng... để chia sẻ lý lịch, thu nhập, điện thoại, tình trạng hôn nhân của khách hàng, khiến các “thượng đế” không có nhu cầu cũng phải cắn răng chịu đựng không ít phiền toái.
Hiện nay chỉ cần một cú click chuột, gõ cụm từ tìm kiếm “dữ liệu khách hàng”, “kho thông tin cá nhân”, “khách VIP tiềm năng”... thấy nhan nhản các đường link chào mời với đủ các gói, đủ các mức giá cho mọi lĩnh vực. Điều đó cho thấy vi phạm này diễn ra lộ liễu, công khai đến mức đáng báo động.
Một nguyên tắc tối thượng của luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực 1.7.2016 đưa ra là không ai được thu thập, tiết lộ thông tin cá nhân nếu không được chủ thể đó đồng ý. Thực tế, nguyên tắc này đang bị xâm phạm một cách thô bạo. Luật cũng quy định cá nhân có quyền khởi kiện các hành vi này, nhưng trước nay do chế tài thiếu nghiêm khắc, cứng rắn cùng quy trình bảo vệ quyền lợi cá nhân quá phức tạp nên hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý.
Các quốc gia phát triển không chỉ có luật về an toàn thông tin mạng, danh tính, thân nhân... mà mỗi người dân còn được bảo vệ bởi đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong khi chờ đợi một đạo luật như vậy và để hạn chế thông tin người dân bị rò rỉ, rao bán trên mạng như hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần khởi tố điều tra và xử lý nghiêm hành vi ăn cắp, mua bán thông tin cá nhân. Bởi đó là hành vi trục lợi, kinh doanh trái phép.
Bình luận (0)