Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Yên, Lê Văn Phước và Trương Công Lộc (phụ trách kế toán), Ngô Thị Phương Thảo (kế toán viên) và Huỳnh Thị Nhã Nhàn (thủ quỹ TAND tỉnh Phú Yên) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách để chiếm đoạt hơn 2,8 tỉ đồng từ năm 2010 - 2017.
Trong đó, bị cáo Phước chịu trách nhiệm hình sự số tiền chiếm đoạt hơn 2,6 tỉ đồng; bị cáo Lộc phải chịu trách nhiệm hình sự số tiền chiếm đoạt hơn 2,8 tỉ đồng; bị cáo Nhàn chịu trách nhiệm 1,6 tỉ đồng; bị cáo Thảo chịu trách nhiệm hơn 860 triệu đồng.
Ăn chặn ngân sách
Theo cáo trạng, từ năm 2010 - 2016, bị cáo Lê Văn Phước thống nhất chủ trương, chỉ đạo bị cáo Lộc soạn văn bản xin UBND tỉnh Phú Yên kinh phí ngân sách địa phương để tập huấn hội thẩm, xét xử lưu động và một số hoạt động khác của tòa án. Trong khi đó, hằng năm, dự toán ngân sách của TAND tối cao cấp về cho hoạt động này cao hơn thực tế chi hoạt động của TAND tỉnh Phú Yên, nên Lê Văn Phước chỉ đạo cho Lộc hạch toán chứng từ chi tập huấn hội thẩm nhân dân, xét xử lưu động và các hoạt động khác của TAND tỉnh Phú Yên bằng kinh phí ngân sách T.Ư, và vì vậy kinh phí xin từ ngân sách tỉnh dư ra.
Tại tòa, bị cáo Lộc khai, để lấy được tiền này thì hằng năm Lộc phải lập báo cáo tài chính thể hiện chi hết các khoản tiền ngân sách địa phương để trình cho Phước ký báo cáo công khai tại hội nghị công nhân viên chức TAND tỉnh Phú Yên. Để đối phó với cơ quan quản lý vốn là Sở Tài chính, Lộc lại lập báo cáo tài chính thể hiện chi hết nguồn ngân sách địa phương rồi trình Phước ký quyết toán với Sở Tài chính.
Bị cáo Lộc còn khai để tránh TAND tối cao kiểm tra phát hiện, thì khi quyết toán với TAND tối cao, Lộc cùng Phước ký báo cáo tài chính khác không thể hiện nguồn kinh phí địa phương. Bằng các thủ đoạn như vậy, Phước, Lộc đã qua mặt Sở Tài chính Phú Yên và TAND tối cao để chiếm đoạt ngân sách địa phương hơn 702 triệu đồng, rồi chia cho Nhàn và Thảo.
Lập khống chứng từ chiếm đoạt lương
Ngoài ra, cũng theo cáo trạng, ông V.X.H, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên, nghỉ hưu từ ngày 1.6.2013, nhưng Lộc không thông báo cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Yên mà lập khống chứng từ để rút tiền lương hằng tháng của ông này. Từ tháng 6.2013 - 8.2017, Lộc đã liên tục lập khống chứng từ chi trả lương để chiếm đoạt hơn 1,1 tỉ đồng. Lộc khai đưa cho Phước mỗi tháng từ 6 - 10 triệu đồng. Do sợ Thảo phát hiện, nên Lộc đã chuyển cho Thảo mỗi tháng 2 triệu đồng.
Trong khi đó theo bị cáo Nhàn, thủ tục lập khống chứng từ thì Lộc làm, còn Nhàn chỉ biết chia tiền. Từ năm 2013, tiền tham ô ngân sách chia cho 3 bị cáo: Phước, Lộc và Nhàn; từ năm 2015, tiền tham ô này chia cho 4 bị cáo: Phước, Lộc, Nhàn và Thảo. Nhàn còn khai, chuyện lập khống chứng từ để tham ô tài sản xuất phát từ việc Phước ứng tiền mà không trừ ứng nên dẫn đến quỹ âm, rồi mới chia tiền theo kiểu đó. Phước được chia mỗi năm 100 triệu đồng, Lộc cũng 100 triệu đồng, nhưng riêng Nhàn chỉ có 50 triệu đồng nên đã thắc mắc thì sau đó năm 2015 mới được thêm 50 triệu đồng nữa. “Việc chia thêm này có bàn bạc với bị cáo Lộc”, Nhàn khai.
Cũng theo lời khai của Nhàn, riêng năm 2016, Phước nhận được 135 triệu đồng, Thảo 20 triệu đồng. Lộc là người trực tiếp đưa tiền cho Phước và Thảo.
Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên Lê Văn Phước và 3 thuộc cấp sẽ kết thúc vào ngày 27.12.
Bình luận (0)