Giờ cơm… 4 múi !
“Lâu lắm rồi mình không ăn tối với ba, mẹ và anh Hai. Ba đi nhậu hay đi đâu đó. Mẹ tập thể dục thẩm mỹ. Anh Hai tập nhảy hiphop. Mình bưng tô cơm ăn và… nói chuyện với “bạn phây” thế này đây. Nhà mình ăn cơm đến 4 múi giờ!”. Đó là một đoạn tôi “dịch” mãi mới ra từ Facebook của con một người bạn. Cháu viết ngôn ngữ thuộc hàng “siêu xì tin”. Khó đoán vô cùng. Đọc và giật mình với cảnh cô bé 11 tuổi ở nhà một mình vừa ăn cơm, vừa chát chít và học bài như thế.
|
Đem chuyện kể với đứa bạn tưởng nó lo thon thót và sắp xếp lại thời gian để gần con nhiều hơn nào ngờ cô phẩy tay: “Chuyện nhỏ mà! Nhà nào không thế! Mỗi người một việc mày ơi. Với lại con bé lớn rồi chứ nhỏ dại gì”…
Theo lời bạn tôi, nhà nó ai cũng bận rộn với lịch làm việc, học hành dày đặc nên “phát tiền là chính, nấu nướng là phụ”. Đứa con trai đầu học lớp 10 ngoài giờ học ở trường còn đá banh, học võ, nhảy nhót nên cứ phát tiền tiện đâu ăn đó. Chồng đi làm ở công ty, trưa ăn cơm căn tin, tối đi cùng khách khứa bạn bè... “Tao nghe đồn lão chồng có bồ nên càng phải chăm sóc bản thân mình hơn chứ! Chồng tao ghét… phụ nữ mập! Không luyện tập, giữ dáng và đi spa làm đẹp có khi mất chồng. Khi đó cũng hết đường… nấu nướng! Với lại, con bé học ca 19 giờ nên tao tranh thủ tan sở tập thể dục luôn, về kịp đưa con đi học chứ bỏ bê gì đâu!”. Bạn nói thêm như thanh minh cho việc ăn cơm khác “múi giờ” của gia đình nó.
Khi khách như chủ
Một người bạn khác làm cho công ty Hàn Quốc kiêm chủ cửa hàng thời trang, chồng kinh doanh nên khấm khá dần lên. Ngày làm nhà, hai vợ chồng bàn tính xây thêm phòng cho khách với đầy đủ tiện nghi bởi bên nào cũng quá chừng bà con, bạn bè từ ngoài quê thỉnh thoảng vào ở nhờ xin việc làm. Những căn phòng này cũng để dành cho ông bà nội, ngoại vào chơi với cháu vài tháng.
Rộng lòng với khách như vậy nhưng vợ chồng, con cái của cô đi suốt ngày. Căn nhà tiện nghi trở thành vườn không nhà trống và khách cũng tự túc chuyện ăn uống. “Kịch bản ăn uống” của nhà bạn là bà chủ sẽ đi siêu thị mua đồ ăn bỏ đầy tủ lạnh, ai muốn ăn gì cứ tự lấy ra nấu nướng, chế biến tùy thích. Ăn xong tự rửa chén, dọn bếp. Phòng ốc ai ở tự dọn. Cây cảnh ở tầng nào, “cư dân” tầng đó phải tưới. Tự do quá nên đôi khi khách cũng… ngại! Mấy đứa cháu ở quê vào khi có việc làm là nói lời tạm biệt ngay để ra riêng tìm phòng trọ.
Khi bạn tôi đón mẹ vào chơi, nó nói: “Mẹ cứ sống thoải mái như ở… khách sạn nhé! Tụi con vì công việc phải đi suốt chứ không ở nhà hoài cùng mẹ được”. Ừ, không sao, chiều về cùng ăn uống, chuyện trò. Đó là bà ngoại tưởng thế chứ buổi tối vẫn một mình bà lủi thủi. Mấy lần bà tự đi chợ, nấu bữa cơm hương vị quê nhà nóng sốt để “kéo” con trở về bàn ăn! Nhưng đứa cháu gái đọc truyện tranh hoặc dán mắt vào iPad. Con gái bà cũng ôm một cái iPad, tay lướt lướt miệng cười cười. Con rể lùa vội lưng cơm rồi cầm tờ báo vừa đọc vừa ăn trái cây mà không thèm nhìn… trái gì!
Nhìn cảnh “ăn uống trong lạnh lùng” như thế, bà bực quá và thấy mình như là chủ cái nhà này còn đó là những vị khách… thờ ơ. Hôm sau bà cho chim ăn bỗng dưng nghĩ: “Mình ở đây như con chim nhỉ? Có điều mình bị… nhốt trong cái lồng lớn hơn, cái lồng rộng vài trăm mét vuông. Thôi, đi về…”.
Hương Cần
>> Những người... không ăn cơm
>> Về nhà ăn cơm
>> “Ăn cơm tổ” ba đời - Kỳ 3: Gia đình bầu Thơ: sân khấu là chiếc nôi
>> Xếp hàng… ăn cơm độn khoai
>> Đừng ép trẻ ăn cơm sớm
>> Gỏi ba khía ăn cơm nếp
Bình luận (0)