1. Tôi ra đời vào cuối năm 1981, đã đi qua năm tháng bao cấp khó khăn và cả thời kỳ bắt đầu rộn ràng đổi mới. Cái thời má kể muốn mua gì cũng phải cần tem phiếu. Ra xếp hàng, mấy cô mậu dịch cầm miếng thịt mỡ dày cả khúc thảy lên bàn cân, không thèm liếc nhìn khách một cái. Hầu như nhà nào cũng thiếu ăn thiếu mặc, cơm độn bo bo, thịt mỡ quý như vàng, đi xe đò chạy than nóng hầm hập, áo quần không mấy bộ, chắt chiu ra màu bạc phếch.
Nhưng dù nghèo thế nào đi chăng nữa, người dân quê Ninh Hòa vẫn luôn tự thưởng cho mình một cái tết ấm êm.
Mỗi năm, sau ngày hai mươi ba tháng mười âm lịch, chuồn chuồn tung cánh bay thiệt cao giữa tầng trời xanh thẳm, hoa bìm bìm nở trắng cả bến sông, cò, vạc, bói cá, bồ nông tìm về đậu đầy trên bụi tre cao vút, có nghĩa là trận lụt cuối cùng đã theo nguồn ra biển bạc, để lại hai bên bờ lớp bùn non nứt nẻ, khô sần như đồng ruộng vào mùa hạn cũng là lúc người lớn bắt đầu lo mấy chuyện đại sự, làm ăn buôn bán kiếm tiền, xuống giống trồng rau, dưa, bông trái... Riêng bọn con nít tụi tôi cũng có những tiểu sự để làm chào đón xuân sang.
2. So với dì Tư và dì Tám thì tài nấu ăn của má tôi chẳng bằng một góc. Dì Tư nổi tiếng khắp làng nhờ món chả cuốn với nồi nước tương thần sầu, chỉ nấu bằng nếp ngâm mềm rồi giã nhuyễn kèm màu tôm và gia vị cùng món cơm thịt nướng ướp tỏi chua chua, beo béo và tô mắm ớt tỏi không nơi nào có được. Dì Tám thì giỏi hơn, món mặn ngọt gì vô tay dì là thành đặc sản.
Dì là thợ chính nấu đám cưới vang danh với món bò quanh bếp hồng và thúng xôi bảy màu kỳ diệu. Má tôi quanh năm suốt tháng dầm mưa, dang nắng ngoài chợ bán thúng đường La Hai làm từ mật mía, kèm mớ đường tán nhỏ cúng ông địa nên hiếm khi nào vô bếp.
Nhưng có vài món một khi má trổ tài là tụi tôi cứ đi ra đi vô, đi lên đi xuống, chóc mỏ dòm, mong mau chín để bụng khỏi đánh lô tô, ăn một bữa cho thiệt đã. Cá ồ nấu mẳn là một trong số những món hiếm hoi đó. Má nấu ngon tới nỗi, con gái con trai nhà này cũng biết làm cá ồ nấu mẳn, mùi vị y chang nhau, cứ như món ngon ấy gắn liền với dòng họ bao đời, chẳng sợ thất truyền chút nào hết.
Và cuối năm, dù bận trăm công ngàn việc, má cũng phải ra tay, trổ tài làm mấy món quen thân để cả nhà ăn tết. Nồi vịt hầm măng kèm trứng luôn là món “tổ”, mỗi năm chỉ ăn đúng một lần. Ba bắt cặp vịt xiêm nuôi ngoài sân sau ra làm thịt.
Tôi sợ mấy “con quỷ” này vô cùng. Khác với loại vịt cỏ hiền khô, ăn rồi ngủ, nửa đêm đẻ cả nùi trứng, giấu trong bụi chuối, để sáng sáng tôi xách rổ ra lượm về thì hai con vịt xiêm có cái mào đỏ thẫm rung rinh, mặt lúc nào cũng đỏ kè, dữ như chằn tinh gấu ngựa. Thấy người ta nó không sợ bỏ chạy mà còn nhào tới như muốn ăn tươi nuốt sống. Hễ có chuyện phải ra sau hè, tôi đều cầm theo khúc cây để đuổi.
Măng khô có nhiều loại, măng sông, măng đồng, măng rừng, măng biển. Có loại dai như giẻ rách, thứ thì mềm èo hơn bún, loại mới ngâm một buổi đã thấy sướng mắt rồi. Ra chợ, dặn mấy bà hàng quen, để họ chọn cho mớ măng ngon nhất.
Ngâm chừng nửa ngày, xả nước, bóp cho sạch mớ phẩm màu còn sót lại, sau đó ngâm thêm nước nữa, rửa sạch là ngon. Chất măng bên dưới, thịt vịt xiêm chặt nhỏ bỏ bên trên. Từng lớp thịt chồng lên lớp măng, cứ thế chất đầy cái xoong to tổ bố.
Trứng vịt luộc chín, lột vỏ bỏ thêm vô. Nêm mắm, muối, tiêu, đường, tỏi, gừng, bột ngọt, gia vị đủ đầy, để lửa riu riu, hầm từ sáng tới tối. Thịt vịt ra mỡ, thấm hết vào trứng và măng. Ra bao nhiêu thấm hết bấy nhiêu. Càng hầm, măng càng thấm và mềm. Ngon kinh khủng.
Tết nhất nhà nào cũng có thẩu kiệu chua ngọt, kèm mớ dưa món giòn tan. Nhà tôi lạ hơn, có thêm thẩu cải chua giòn rụm. Má mua mớ cải bẹ to, xanh um, phơi heo héo. Đu đủ sống chẻ làm bốn, moi hết ruột, lấy dao hai lưỡi xắt thành những miếng thiệt mỏng.
Cà rốt xắt sợi, dài cỡ hai đốt ngón tay, trộn với đu đủ đem phơi cho héo. Má lấy ít nước sôi để nguội, trộn với giấm, thêm chút muối, nhúng cải với đu đủ, cà rốt vô cho ngập. Lèn kỹ, đem ra chỗ khô ráo, hong chừng hai bữa lấy ra, rửa sạch. Cắt cải thành từng khúc, dài cỡ đốt ngón tay, trộn chung cùng đu đủ, cà rốt, thêm ít hành lá xắt khúc, rải bên trên.
Tưởng thế là xong, ăn được rồi. Nhưng chưa đâu, còn một công đoạn nữa. Má nêm ít bột ngọt, thêm chút đường, sau đó trộn cho đều cho thấm. Cải chua của người ta chỉ có vị mặn của muối, kèm vị chua của cải, đu đủ và cà rốt lên men. Riêng của má, có thêm tí nồng nàn của hành, ngòn ngọt của đường, thanh tao của bột ngọt.
3. Từ trước tết, chị Hòa đã chuẩn bị cho cái quán nhỏ để bán trước nhà. Chẳng nhiều nhỏi gì ngoài cái bàn để rượu bia và đủ thứ các loại nước giải khát với xi rô đá bào. Thêm tủ đựng thuốc lá, bánh trái và thùng xốp đựng đá lạnh. Trong nhà có tủ lạnh để kim chi, nem chua, chả lụa, củ kiệu, dưa chua này nọ bán cho mấy ông nhậu. Và thích nhất là mâm nhôm chất đầy mực khô, chị mua trữ từ mấy tháng trước.
Rạng sáng mồng một, bà con đông đúc kéo đi lễ chùa, chị em tôi đã dậy, dọn hàng quán chuẩn bị bán. Mà lạ ghê, trước đó vài ngày, thiên hạ ra chợ kỳ kèo đồng một đồng hai. Từ mớ rau, ký măng, miếng thịt, tới bịch cát về chà chưng đèn cũng phải trả giá cho bằng được. Thì tự nhiên tới tết, người ta thởi lởi, dễ chịu hẳn ra. Hét giá bao nhiêu cũng chịu mua, nói bao nhiêu cũng móc tiền ra trả. Nhất là bán cho bọn con nít, ôi thôi, thích không thể nào tả nổi!
Trẻ con quê tôi, quanh năm suốt tháng toàn ăn cơm nguội với nước mắm, kèm chút cá kho đêm qua sót lại. Mỗi sáng đi học, đứa nào có tiền mới mua gói xôi hay ổ bánh mì, trường kỳ ăn năm này qua tháng nọ. Tới tết, được rủng rỉnh cả nắm tiền lì xì, cứ thế mà xài cho đã. Dù trong nhà có nước ngọt, bánh tét, thịt thà, nhưng tụi nó ham ra quán, quần là áo lượt, móc tiền ra xài cho sướng với người ta.
Chị em tôi khui nước ngọt mỏi tay, đập đá bỏ ly, bào đá xi rô, nướng mực không biết mệt. Những con cá, con mực khô rôm, trên vỉ than hồng, bốc khói thơm lừng mùi biển. Nhìn tụi nó xé nhỏ, chấm tương ớt ăn lấy ăn để, nghe vị mằn mặn, tanh tanh, thơm lừng, làm tôi muốn nướng cả mâm mà ăn. Nhưng đành tặc lưỡi cho qua. Thâm vốn chết!
Nửa đêm ngồi đếm tiền, chị em nhìn nhau tươi cười, ngày nào cũng được như vầy chắc nhà mình giàu to, Tài héng. Nhưng giấc mộng làm giàu đó không kéo dài được bao lâu. Sang mùng ba là quán xá thưa dần. Đám con nít cũng hết tiền, toàn bán cho mấy ông bợm nhậu ê a cả đêm không dứt. Tới mùng bốn là ế lần, ế lần, và chính thức mùng bảy dẹp hết quán hàng, trở về với thường nhật.
4. Mười bảy mùa xuân viễn xứ, tôi đã vác ba lô dọc ngang chiều dài nước Việt, đi khắp bốn biển, năm châu, ghé thăm bao đất nước giàu nghèo, to nhỏ. Tôi may mắn chứng kiến hàng trăm lễ hội tưng bừng, ăn không biết bao nhiêu món ngon vật lạ được chế biến từ muôn ngàn khẩu vị khác nhau nhưng có lẽ, không bữa ăn nào trên thế giới ngon bằng nồi măng hầm thịt vịt, với bánh tráng biển hay vài lát bánh tét đậu phộng thơm lừng, kèm đĩa dưa món lẫn cải chua giòn rụm.
Thương làm sao từng cái bặm môi của ba khi chặt thịt vịt, ánh mắt hân hoan của má lúc mua được mớ măng ngon, niềm háo hức của anh em chúng tôi khi ngửi được mùi thơm lừng của tết. Rồi đêm tất niên ấm áp, cả nhà trải chiếu, quây quần ăn bữa cơm cuối năm.
Từ tốn chia nhau lát bánh tét dẻo nhẹo, kèm thịt vịt chín mềm, cùng miếng măng thấm mỡ với gia vị nâu vàng, hòa chút mặn của mắm, cay của tiêu ớt, giòn chua của cải, hăng hăng của kiệu, beo béo của tai heo ngâm mắm. Tất cả quyện hòa làm môi miệng ngất ngư, từng kẽ chân răng nồng nàn hương vị tết.
Chắc do nơi ấy có ba má, anh chị tắt lửa tối đèn hôm sớm có nhau, lẫn vị ấm êm của đời sống gia đình, kèm thứ tình thương tôi đi hết một đời cũng không bao giờ tìm lại được.
Bình luận (0)