Án dân sự chậm thi hành: Mua nhà 5 năm nhưng chưa nhận được nhà

Ngân Nga
Ngân Nga
31/05/2023 06:24 GMT+7

Ông Lê Văn Bích (72 tuổi, ngụ H.Cai Lậy, Tiền Giang) rớm nước mắt khi mua được nhà nhờ trúng vé số; nhưng đã 5 năm qua ông khổ sở chờ đợi cơ quan chức năng giúp ông nhận nhà.

BÁN NHÀ NHƯNG KHÔNG CHỊU GIAO NHÀ

Cuối năm 2015, ông Lê Văn Bích trúng vé số. Năm 2017, khi đi ăn bánh canh, ông Bích biết thông tin hàng xóm là ông Võ Thanh Tiền (49 tuổi) có ý định bán nhà rộng hơn 170 m2. Vợ chồng ông Bích quyết định dùng tiền trúng vé số và gom thêm tiền tích cóp nhiều năm mua căn nhà trên, với giá 2,3 tỉ đồng, để tặng cho con trai đi nghĩa vụ về cưới vợ. Tháng 5.2017, ông Bích được cấp sổ đỏ.

Theo ông Bích, sau khi nhận chuyển nhượng xong, ông Tiền không giao nhà đất cho ông mà yêu cầu được thuê lại trong thời hạn 1 năm (từ tháng 5.2017 - 5.2018) cho cha mẹ ở trong lúc chờ cất nhà. Giá thuê nhà là 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng sau khi hết hạn 1 năm, ông Tiền vẫn không giao nhà.

Căn nhà trên có nguồn gốc của cha mẹ ông Tiền là ông Võ Văn Tươi (95 tuổi) và bà Huỳnh Thị Tư (89 tuổi); năm 2015, ông bà này đã tặng cho ông Tiền.

Năm 2018, vợ chồng ông Tươi khởi kiện ông Tiền ra TAND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu tòa tuyên hủy hợp đồng tặng cho và hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Bích. Ông Tiền phải có nghĩa vụ trả lại tiền cho ông Bích…Bởi theo vợ chồng ông Tươi, để tạo điều kiện cho ông Tiền có vốn làm ăn, vợ chồng ông đã làm thủ tục tặng cho ông Tiền đứng tên căn nhà trên. Điều kiện là ông Tiền chỉ được cầm cố, thế chấp nhà đất nhưng không được sang nhượng cho người khác.

Án dân sự chậm thi hành: Mua nhà 5 năm nhưng chưa nhận được nhà - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Bích, 72 tuổi, vẫn phải chờ cơ quan thi hành án bàn giao nhà

NVCC

Đồng thời, phía ông Tiền cho rằng chỉ vay của ông Bích 2,3 tỉ đồng, thời hạn 1 năm. Để đảm bảo cho khoản vay, hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở. Số tiền lãi suất được che đậy bằng hợp đồng thuê nhà đất.

Ông Bích bị triệu tập tới tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. "Căn nhà này tôi đã bỏ tiền ra mua, không có chuyện cho ông Tiền vay tiền. Nguyên đơn cho rằng đây là quan hệ vay mượn để nhằm chiếm đoạt tài sản của tôi. Yêu cầu vợ chồng ông Tươi và những người sống trong căn nhà phải bàn giao nhà cho tôi", ông Bích trình bày với tòa.

KHÔNG CÓ CĂN CỨ ĐÒI NHÀ

Tháng 9.2020, khi xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang nhận định, phía ông Tươi cho rằng việc tặng nhà đất cho ông Tiền với điều kiện chỉ được cầm cố, thế chấp mà không được sang nhượng, tuy nhiên trong hợp đồng tặng cho nhà đất lại không thể hiện bất cứ điều kiện gì. Ông Tiền đã được cấp giấy chứng nhận và là chủ sở hữu hợp pháp có toàn quyền định đoạt nhà đất nói trên.

Ngoài ra, tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của ông Tươi cho rằng, sau khi được lấy lại nhà đất, vợ chồng ông Tươi và ông Tiền sẽ chuyển nhượng cho người khác để lấy tiền trả cho ông Bích vì hiện cả hai không có tiền trả lại cho ông Bích.

"Như vậy nếu ông Tiền không có tiền trả nợ, tài sản cầm cố, thế chấp cũng sẽ bị phát mãi để thu hồi nợ. Mà phát mãi thì sẽ được chuyển nhượng cho người khác. Do vậy lời khai của vợ chồng ông Tươi là không có căn cứ", bản án nhận định.

Từ đó, TAND tỉnh Tiền Giang không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Tươi. Tòa chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Bích, buộc vợ chồng ông Tươi, ông Tiền cùng các thành viên đang cư ngụ tại căn nhà phải có nghĩa vụ giao trả nhà và đất, khi án có hiệu lực.

Sau đó, vợ chồng ông Tươi đã kháng cáo bản án trên. Tháng 11.2021, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

CHƯA THỂ CƯỠNG CHẾ VÌ CHỜ HỌP LIÊN NGÀNH

Sau đó, ông Bích gửi đơn yêu cầu Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Tiền Giang tổ chức thi hành bản án. Đầu năm 2022, Cục này ra quyết định THA theo yêu cầu. Tuy nhiên, 1 năm rưỡi rồi ông Bích vẫn chưa nhận được nhà.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Bích chia sẻ gia cảnh ông cũng chẳng khấm khá gì. Sau khi con ông đi nghĩa vụ về thì ông cho đi học nghề, nhưng được một thời gian thì con ông qua đời vì bệnh ung thư.

"Tôi muốn dùng căn nhà ấy cho mấy đứa cháu của con gái có chỗ ở. Họ cứ nói khó khăn không có chỗ ở, nhưng tôi đã hỗ trợ 36 triệu đồng, để họ thuê nhà ở trong 1 năm rồi. Gia đình tôi đâu có nghĩa vụ phải lo cho họ. Kể từ thời điểm mua nhà, đến nay đã hơn 5 năm, chúng tôi phải chờ đến bao giờ?", ông Bích nghẹn lời.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Cục THADS tỉnh Tiền Giang cho biết, cách đây khoảng một tháng, cơ quan này đã có công văn gửi Ban chỉ đạo THA tỉnh xem xét tổ chức cuộc họp liên ngành.

Vị lãnh đạo này lý giải, việc chưa thể cưỡng chế bàn giao nhà cho ông Bích vì vợ chồng ông Tươi đã trên 80 tuổi và trong nhà còn có 2 người mắc bệnh mạn tính.

"Chúng tôi phải chờ mở cuộc họp để xem xét có đưa ông bà già (tức vợ chồng ông Tươi - PV) vào trại xã hội ở hay không, thì mới cưỡng chế được", lãnh đạo Cục nói.

Khi PV hỏi về việc ông Bích đã đồng ý hỗ trợ một năm tiền thuê nhà trọ, lãnh đạo Cục THADS tỉnh Tiền Giang thông tin: "Không thể đưa họ đến nhà trọ, vì chỉ đưa vào trại xã hội mới có người chăm sóc. Chúng tôi cũng đã làm việc với chính quyền địa phương từ cấp xã, huyện xem có bố trí đất, nhà ở xã hội cho những người này hay không, nhưng họ nói không có nguồn. Sở LĐ-TB-XH cũng cho hay hai ông bà không thuộc đối tượng đưa vào".

Cục THADS tỉnh cho biết đã làm việc với 2 người con gái của ông Tươi, nhưng họ đã đi lấy chồng nên không đồng ý nhận nuôi cha mẹ. Còn ông Tiền không có mặt ở địa phương nên không triệu tập được. (còn tiếp) 

Tiến sĩ (TS) luật Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Sau khi cơ quan THA ra quyết định THA thì thời hạn tự nguyện thi hành không quá 10 ngày. Nếu hết thời hạn này không thi hành sẽ bị cưỡng chế (theo điều 45 và 46 luật THADS). Do đó, ông Bích đã đóng tiền hỗ trợ cho vợ chồng ông Tươi thuê chỗ ở mới, Cục THADS tỉnh Tiền Giang sẽ tiến hành cưỡng chế bàn giao nhà.

"Như vậy, tính tới nay đã 1 năm rưỡi mà Cục THADS tỉnh vẫn chưa cưỡng chế bàn giao nhà cho người được THA là quá chậm. Còn các con của vợ chồng ông Tươi không chịu nhận nuôi cha mẹ thì ông bà này có quyền kiện con ra tòa để đòi tiền cấp dưỡng theo luật Hôn nhân gia đình", TS Tiến nói.

Cũng theo TS Tiến, nếu Ban chỉ đạo THA muốn hỗ trợ cho vợ chồng ông Tươi chỗ ở mới, phải huy động từ các nhà hảo tâm. Nhưng việc này không thể để kéo dài quá lâu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phía ông Bích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.