Hồi đầu tuần, truyền thông quốc gia của Trung Quốc đưa tin nước này có thể xây dựng thủy điện với công suất lên đến 60 gigawatt (GW) ở đoạn hạ lưu của sông Yarlung Tsangbo, thượng nguồn của con sông được người Ấn Độ gọi là Brahmaputra.
Lập tức Ấn Độ và Bangladesh lên tiếng bày tỏ quan ngại, với giới hữu trách lo lắng rằng các dự án của Trung Quốc có thể gây ra những đợt lũ quét hoặc khan hiếm nước nghiêm trọng trong tương lai.
Ji Rong, viên chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi, hôm 2.12 trấn an rằng dự án phát triển tại vùng hạ lưu con sông chỉ mới dừng lại ở giai đoạn lên kế hoạch ban đầu, theo Reuters.
“Bất kỳ dự án nào sẽ trải qua giai đoạn lên kế hoạch và chứng minh, và sẽ cân nhắc đầy đủ về tác động đến các khu vực hạ nguồn, cũng như lợi ích của cả các quốc gia thượng nguồn lẫn hạ nguồn”, theo bà Ji.
Brahmaputra là một trong những con sông lớn nhất và quan trọng nhất của Ấn Độ, chảy qua vùng đông bắc nước này trước khi đổ vào Bangladesh.
Vào năm 2016, Ấn Độ tố cáo Trung Quốc đã chặn luồng chảy một nhánh của sông Brahmaputra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp nước của quốc gia này.
Để đề phòng tác động từ các dự án thủy điện tiềm năng của Trung Quốc, Ấn Độ đang cân nhắc xây thủy điện công suất 10 GW ở bang miền đông Arunachal Pradesh, giáp Trung Quốc.
Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia láng giềng Ấn-Trung đang trong tình trạng căng thẳng sau các vụ đụng độ trên biên giới ở Himalaya vào hè năm nay. Hiện hàng ngàn quân vẫn đang trú đóng tại đây trong điều kiện lạnh giá.
Bình luận (0)