Ấn Độ chi 60 tỉ USD tăng cường hải quân

26/09/2011 22:25 GMT+7

Ấn Độ đang ra sức tăng cường sức mạnh quốc phòng, nhất là hải quân, do những lo ngại về an ninh trên biển lẫn trên đất liền.

Ngày 26.9, tờ The Times of India cho biết các chương trình tăng cường sức mạnh hải quân từ nay đến năm 2018 của Ấn Độ có tổng giá trị lên đến 60 tỉ USD nhằm bảo vệ lợi ích và những dự án hợp tác trên biển của nước này.

Từ tàu chiến đến tên lửa

Mới đây, ngày 24.9 Ấn Độ đã chính thức đưa vào sử dụng tàu chở dầu hải quân INS Shakti 27.500 tấn, được đặt hàng từ Ý, nâng tổng số tàu chiến của nước này lên 132 chiếc. INS Shakti là một trong số 46 tàu chiến New Delhi đặt hàng các nhà máy đóng tàu trong nước cũng như ở nước ngoài. Một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay tàu sân bay INS Vikramaditya và 3 tàu khu trục tàng hình lớp Talwar đang được đẩy nhanh quá trình hoàn thiện tại Nga. Xưởng đóng tàu Cochin tại Ấn Độ cũng đang gấp rút hoàn thành tàu sân bay hoàn toàn nội địa đầu tiên của nước này để có thể được biên chế chính thức vào năm 2014.

 
Tàu khu trục tàng hình lớp Talwar của hải quân Ấn Độ - Ảnh: Bharat-rakshak.com

Cũng theo The Times of India, 6 tàu ngầm lớp Scorpene có tổng trị giá hơn 3 tỉ USD của Ấn Độ cũng đang được chế tạo tại xưởng đóng tàu Mazagon ở Mumbai. Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant sẽ chính thức hoạt động vào năm sau. Bên cạnh đó, 7 tàu khu trục tàng hình loại nhỏ thuộc dự án 17-A đang được đóng và chiếc cuối cùng của dự án 3 hộ tống hạm lớp Shivalik cũng sắp được đưa vào sử dụng. Như vậy, New Delhi sẽ sớm có thêm lực lượng tàu chiến hùng hậu gồm 2 tàu sân bay, 6 tàu ngầm, 7 khu trục hạm, 4 hộ tống hạm, 9 tàu tuần tra tầm xa và 8 tàu đổ bộ. Ngoài ra, Ấn Độ còn tính đặt mua 6 tàu ngầm tàng hình thế hệ mới trang bị tên lửa tấn công mặt đất, có tổng trị giá hơn 10 tỉ USD.

Tăng cường máy bay chiến đấu cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Ấn Độ. Nước này đang chi khoảng 17 tỉ USD để trang bị máy bay chiến đấu dùng cho tàu sân bay, máy bay tuần tra biển, trực thăng chiến đấu đa nhiệm, máy bay do thám không người lái... Trong đó, Ấn Độ mua 45 máy bay chiến đấu Mig-29Ks của Nga trị giá 2 tỉ USD và chi hơn 3 tỉ USD mua 12 máy bay do thám tầm xa P-8I của Mỹ.

Chưa hết, ngày 26.9, Ấn Độ phóng thử tên lửa đạn đạo Prithvi-II tầm bắn tối đa 350 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở ngoài khơi bờ biển bang Odisha, theo AFP. Trước đó, vào ngày 24.9, New Delhi cũng thử thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất Shourya. AFP dẫn lời các chuyên gia bình luận những động thái trên của Ấn Độ nằm trong chiến lược ngăn chặn đối phó các nguy cơ từ Trung Quốc và Pakistan.

Không chỉ lo ngại về biển

Ngoài những tranh cãi gần đây liên quan đến vấn đề biển Đông và Ấn Độ Dương, Ấn Độ và Trung Quốc còn có tranh chấp biên giới trên đất liền và một số khúc mắc khác. Tờ The Asian Age ngày 26.9 dẫn báo cáo mới của Cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ tiết lộ nhóm tay súng ly khai Ulfa ở đông bắc nước này đã nhận một lô hàng vũ khí và đạn dược trị giá 2,5 triệu rupee từ Trung Quốc hồi tháng 5. Báo cáo viết: “1.600 vũ khí, bao gồm súng AK-47, súng phóng lựu và súng máy hạng nhẹ cùng 800.000 băng đạn” được gửi đến cho Ulfa từ 2 đơn vị của Xưởng Quân nhu quốc gia của Trung Quốc. Theo đó, lô hàng được đưa lên tàu tại tỉnh Quảng Tây, sau đó được chuyển đến Bangladesh trước khi được tuồn vào đông bắc Ấn cho Ulfa. Các bên liên quan chưa có phản ứng gì về thông tin này.

Ngày 26.9, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng xã luận lên giọng chỉ trích, cảnh cáo các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề biển Đông. Cả Tân Hoa xã, báo China Daily và Hoàn cầu thời báo ngang nhiên chỉ trích các dự án hợp tác trên biển giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng như việc Philippines tổ chức hội thảo về biển Đông hồi tuần rồi.

Các bài xã luận này được tung ra một ngày trước khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và dự kiến hai bên sẽ bàn về vấn đề biển Đông. Trong lúc lên án các nước khác thì Trung Quốc vẫn có động thái gây quan ngại trên các vùng biển có tranh chấp. Theo Kyodo News, Lực lượng tuần duyên Nhật ngày 25.9 phát hiện một tàu thăm dò của Trung Quốc hoạt động trong nhiều giờ ở vùng đặc quyền kinh tế của Tokyo gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước khi rút đi. Bắc Kinh chưa có phản ứng về vụ này.

Văn Khoa

Ngô Minh Trí -Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.