Reuters ngày 22.7 đưa tin Ấn Độ sẽ nộp đơn xin giấy phép thăm dò khoáng sản biển sâu ở Thái Bình Dương trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng cho công nghệ chuyển đổi năng lượng.
Trước đó, Cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA) đã cấp 31 giấy phép thăm dò đáy biển cho các công ty trên toàn thế giới, nhưng chưa công ty nào được cấp phép khai thác. Hiện Trung Quốc, Nga và một số quốc đảo Thái Bình Dương đã có được giấy phép thăm dò ở Thái Bình Dương. Theo trang web của ISA, giấy phép có thời hạn 15 năm.
Ông M. Ravichandran, nhà khoa học hàng đầu tại Bộ Khoa học trái đất Ấn Độ, cho biết họ sẽ hợp tác chặt chẽ với ngành khai khoáng của Ấn Độ trong bối cảnh nước này sắp nộp đơn xin giấy phép thăm dò khoáng sản dưới đáy biển Thái Bình Dương.
Theo Reuters, các kế hoạch khai thác khoáng sản quan trọng của Ấn Độ ở Thái Bình Dương chưa từng được báo cáo trước đây.
Ấn Độ có kế hoạch tập trung vào khu vực Clarion-Clipperton, một đồng bằng rộng lớn nằm giữa Hawaii và Mexico, được biết đến là nơi có khối lượng lớn các nốt đa kim chứa các khoáng chất được sử dụng trong xe điện và tấm pin mặt trời như mangan, niken, đồng và coban.
Ông Ravichandran hy vọng Ấn Độ sẽ nhận được thêm 2 giấy phép thăm dò từ ISA trong năm nay cho khu vực Ấn Độ Dương. Theo ông Ravichandran, việc tìm kiếm khoáng sản dưới đáy biển "giống như cuộc đua xe".
Các chuyên gia cho biết, không giống như Trung Quốc, Ấn Độ thiếu chuyên môn về khai thác đáy biển và sẽ mất ít nhất 3 - 4 năm nữa mới có thể khai thác khoáng sản từ độ sâu của đại dương. "Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều công việc về công nghệ khai thác biển sâu, nhưng chưa hoàn thiện hết. Về mặt đó, chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng", cựu Giám đốc Bộ Khoa học trái đất Ấn Độ M. Rajeevan cho biết.
Tuy nhiên, khoảng 27 quốc gia đã kêu gọi tạm dừng hoặc đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến khai thác đại dương vì lo ngại tác động của nó đến hệ sinh thái biển.
Bình luận (0)