Ấn Độ giữa áp lực trong 'bộ tứ an ninh'

22/03/2022 08:54 GMT+7

Chỉ trong 3 ngày, 2 hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Ấn Độ và Úc - Ấn Độ liên tục diễn ra trong nỗ lực của Tokyo và Canberra nhằm đổi hướng quan điểm của New Delhi đối với Nga, để hướng tới sự đồng thuận của “bộ tứ an ninh”.

Cụ thể, từ ngày 19 - 20.3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến công du Ấn Độ và tiến hành hội nghị thượng đỉnh cùng người đồng cấp chủ nhà Narendra Modi. Tại hội nghị, Thủ tướng Kishida công bố khoản đầu tư của Nhật trị giá 42 tỉ USD vào Ấn Độ trong 5 năm.

Đến hôm qua (21.3), Thủ tướng Úc Scott Morrison có cuộc hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Modi bằng hình thức trực tuyến. Cũng như trong cuộc gặp với Thủ tướng Kishida, Thủ tướng Modi cũng đồng thuận với người đồng cấp Morrison về việc trọng tâm của nhóm “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) chính là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Trong những năm qua, “bộ tứ” được xem là nòng cốt trong chiến lược Indo-Pacific để đối phó các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.

Thủ tướng Kishida (trái) và Thủ tướng Modi trong cuộc họp báo chung ngày 19.3

Reuters

Hâm nóng quan hệ

Trả lời Thanh Niên ngày 21.3, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Do dịch Covid-19 và các quy định của Nhật Bản, nên việc thủ tướng nước này Fumio Kishida thăm Ấn Độ ngày 19 và 20.3 là một nỗ lực của Tokyo. Nỗ lực này có thể đến từ một số lý do như sau:

Thứ nhất, theo TS Nagao, từ tháng 9.2017 đến vừa qua, các thủ tướng Nhật chưa đến thăm Ấn Độ, dù hai nước từng đồng ý luân phiên thăm viếng nhau. Các chuyến thăm luân phiên đã dừng lại kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Modi thăm Nhật vào tháng 10.2018. Sau đó, Tokyo đã hủy chuyến thăm New Delhi vào các năm 2019, 2020 và 2021. Năm nay, Nhật Bản dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh của “bộ tứ” trong vài tháng tới, nên Thủ tướng Modi sẽ đến Tokyo. Vì thế, nếu trước chuyến công du sắp tới của Thủ tướng Modi mà Thủ tướng Nhật vẫn chưa đến New Delhi thì đó sẽ là điều không hay về mặt ngoại giao.

Thứ hai, lý do quan trọng hơn là “bộ tứ” chưa thống nhất về quan điểm đối với Nga liên quan chiến sự Ukraine. Trong đó, Nhật thể hiện rõ sự ủng hộ cho Ukraine vì lo ngại hành động đơn phương sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng có thể tạo tiền lệ cho nhiều vấn đề ở khu vực châu Á, nếu Nga giành chiến thắng thì Mỹ sẽ tăng cường ưu tiên cho châu Âu dẫn đến ảnh hưởng cán cân ở Indo-Pacific, đồng thời Tokyo cũng có bất ổn với Moscow liên quan vấn đề biên giới. Mỹ và Úc cũng có cùng lợi ích với Nhật Bản về vấn đề với Nga”, TS Nagao phân tích và chỉ ra: “Thế nhưng, Nga lại có vai trò quan trọng đối với Ấn Độ, khi Moscow là nguồn cung cấp nhiều loại vũ khí quan trọng cho New Delhi”.

Vì thế, theo vị chuyên gia trên, Thủ tướng Kishida đã gặp Thủ tướng Modi để tìm lập trường chung đối với Nga. Dù New Delhi chưa thay đổi quan điểm, chưa lên án Nga nhưng trong tuyên bố chung sau hội nghị, có một câu quan trọng: “Nhấn mạnh cam kết làm việc song song hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, dựa trên một trật tự dựa trên luật lệ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các quốc gia tìm kiếm giải pháp hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế mà không dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng. Về vấn đề này, hai bên tái khẳng định tầm nhìn chung về một Indo-Pacific tự do và cởi mở, không bị ép buộc”.

“Các thủ tướng bày tỏ quan ngại nghiêm túc về cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine và đánh giá những tác động rộng hơn của nó, đặc biệt là đối với khu vực Indo-Pacific. Hai bên nhấn mạnh rằng trật tự toàn cầu đương đại đã được xây dựng dựa trên Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, TS Nagao dẫn thêm về thông cáo chung.

Cần thêm thời gian

Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Có thể hiểu được lập trường của New Delhi bắt nguồn từ việc muốn đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng giá phải chăng cũng như nguồn cung cấp khí tài quân sự cho Ấn Độ. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra câu hỏi về quan điểm của New Delhi với tư cách là thành viên của “bộ tứ” và là đối tác quan trọng của 3 thành viên còn lại trong nhóm”.

Theo ông Nagy, lãnh đạo Nhật lẫn Úc đều muốn tiếp tục thúc đẩy New Delhi hướng tới một mối quan hệ đối tác đáng tin cậy hơn trong khu vực. Các cam kết tài chính và kinh tế của Nhật và Úc nhằm tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ và thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn, vốn là nền tảng phát triển thành quan hệ ngoại giao và an ninh sâu sắc hơn. “Tuy nhiên, nỗ lực này có thành công hay không vẫn cần chờ thêm thời gian. Có lẽ, chúng ta phải chờ đến các sáng kiến cụ thể được nêu ra trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới của “bộ tứ”, PGS Nagy phân tích.

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Le Thu Huong (Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc) phân tích: “Ấn Độ là một trong những quốc gia mà Úc ưu tiên hợp tác, đặc biệt trong chiến lược Indo-Pacific. Canberra muốn nhấn mạnh chương trình nghị sự tích cực và hợp tác, vì lợi ích của “bộ tứ”. Vì vậy, Úc nhấn mạnh sự đoàn kết của các nền dân chủ, đồng thời nghiêng về xu thế giảm nhẹ các khác biệt giữa 2 bên, điển hình như vấn đề quan điểm về việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Trong bối cảnh như vậy, việc chọn tăng cường chương trình nghị sự kinh tế dường như an toàn và tự nhiên cho cả hai bên”.

Cảnh báo Trung Quốc quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông

AP dẫn phỏng vấn độc quyền với đô đốc John C. Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, ngày 20.3, cho rằng Trung Quốc đã hoàn toàn quân sự hóa đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập. Đây là các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Cụ thể, theo đô đốc Aquilino, Trung Quốc ngang nhiên trang bị các đảo trên với những hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm, thiết bị laser, gây nhiễm và các tiêm kích trong động thái hung hăng ngày càng gia tăng, đe dọa mọi quốc gia hoạt động gần đó. “Tôi nghĩ rằng trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến việc gia tăng về quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến 2 bởi Trung Quốc. Họ đã phát triển mọi năng lực và sự gia tăng vũ khí hóa đó đang gây bất ổn trong khu vực”, AP dẫn lời ông nhận định. Giới chức Trung Quốc chưa đưa ra bình luận liên quan.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.