Ấn Độ lên án việc Trung Quốc đặt tên mới cho địa danh tranh chấp

31/12/2021 19:09 GMT+7

Ấn Độ đã chỉ trích việc Trung Quốc đặt tên mới cho một số địa danh trong khu vực biên giới đang tranh chấp trên dãy Himalaya .

Một bảng chỉ dẫn tại Bumla, Arunachal Pradesh vào năm 2009

reuters

AFP ngày 31.12 đưa tin Ấn Độ đã chỉ trích việc Trung Quốc đặt tên cho các địa danh trong khu vực tranh chấp giữa biên giới hai nước.

"Arunachal Pradesh luôn và sẽ luôn là một phần không thể thiếu của Ấn Độ. Việc gán những cái tên mới cho các địa danh ở Arunachal Pradesh không làm thay đổi thực tế này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi tuyên bố ngày 30.12.

Phát biểu này được đưa ra sau khi Bộ Nội vụ Trung Quốc tuần này cho biết họ đã "chuẩn hóa" tên gọi của 15 địa danh gồm các khu dân cư, sông và núi ở Nam Tạng (tên Bắc Kinh dùng để gọi khu vực mà Ấn Độ gọi là Arunachal Pradesh) và chính thức đặt tên tiếng Trung cho các địa danh này.

Trước đó vào năm 2017, Trung Quốc đã đổi tên sáu địa điểm khác trong cùng khu vực.

Đáp lại phát biểu của Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 31.12 tuyên bố: "Nam Tây Tạng thuộc Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc và theo lịch sử là lãnh thổ của Trung Quốc". Ông Triệu nói thêm việc đổi tên này nằm trong "phạm vi chủ quyền của Trung Quốc".

Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đã xấu đi đáng kể từ khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc đụng độ vào tháng 6.2020 với lực lượng Trung Quốc ở khu vực giữa Ladakh và Tây Tạng. Kể từ đó, cả hai bên đã tăng cường thêm hàng ngàn binh sĩ và khí tài quân đến khu vực trong bối cảnh các vòng đàm phán không thể làm giảm căng thẳng.

Ấn Độ cũng coi Luật Biên giới đất liền mới của Trung Quốc - được thông qua vào tháng 10 và có hiệu lực vào ngày 1.1.2022 - là động thái Bắc Kinh dùng để thể hiện quan điểm cứng rắn của mình.

Theo đạo luật, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là "thiêng liêng và bất khả xâm phạm". Đạo luật cho phép Bắc Kinh "thực hiện các biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và biên giới đất liền, đồng thời đề phòng và chống lại bất kỳ hành động nào phá hoại chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.