Ấn Độ đã mất liên lạc với tàu vũ trụ khi nó đang cố gắng thực hiện nhiệm vụ đáp xuống mặt trăng, một thất bại trong kế hoạch đầy tham vọng của nước này nhằm trở thành quốc gia đầu tiên khám phá vùng cực nam mặt trăng.
Tàu đổ bộ Vikram thuộc sứ mệnh khám phá mặt trăng Chandrayaan-2 của Ấn Độ theo kế hoạch ngày 7.9 sẽ đáp xuống khu vực gần cực nam của mặt trăng, nơi các nhà khoa học tin rằng có thể có băng ở đây.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thì họ đã mất liên lạc với tàu đổ bộ Vikram khi nó chuẩn bị hạ cánh lên bề mặt mặt trăng. "Dữ liệu đang được phân tích" - Chủ tịch ISRO K Sivan thông báo.
Theo Reuters, tàu vũ trụ do Ấn Độ thiết kế trong lúc đang bay quanh quỹ đạo mặt trăng thì bắt đầu hạ độ cao để thực hiện nhiệm vụ đáp xuống bề mặt mặt trăng vào lúc 3 giờ 7 phút sáng 7.9 (giờ Việt Nam), nhưng sau đó các nhà khoa học đã mất liên lạc với nó trong thời điểm gần cuối của quá trình hạ cánh.
Sau khi được thông báo về tình hình của tàu đổ bộ Vikram, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mặt tại trung tâm ISRO nói với các nhà khoa học đang rất căng thẳng rằng, "Có những thăng trầm trong cuộc sống... Những gì bạn đã đạt được là thành tựu không nhỏ rồi".
Hiện chỉ mới có Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc thực hiện thành công sứ mệnh đưa tàu đổ bộ lên bề mặt mặt trăng. Bắc Kinh hồi đầu năm nay đã đưa được tàu Chang’e-4 đáp xuống mặt không nhìn thấy được của mặt trăng (hay còn gọi là mặt tối của mặt trăng). Trong khi đó, Israel thất bại trong việc đưa tàu vũ trụ Beresheet đáp xuống mặt trăng hồi tháng 4 qua.
Được biết sứ mệnh khám phá mặt trăng lần đầu của Ấn Độ với tàu vũ trụ Chandrayaan-1 được thực hiện vào năm 2008. Tàu đổ bộ Vikram của Chandrayaan-2 mang theo xe tự hành 6 bánh nặng 27 kg Pragyan. Tàu Vikram, được đặt tên để vinh danh cha đẻ chương trình nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ Vikram Sarabhai, tách khỏi Chandrayaan-2 vào chiều 2.9 khi đang bay trên quỹ đạo mặt trăng.
Bình luận (0)