Đương nhiên là quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng sẽ được thúc đẩy. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở bên ngoài khu vực Nam Á mà ông Modi tới thăm sau khi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ. Đây là lần thứ hai ông Modi thăm Nhật Bản và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã tới thăm Ấn Độ.
Hai nhà lãnh đạo này dường như đã tạo thành cặp bài trùng mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Modi thúc đẩy mạnh mẽ chính sách “Hành động hướng Đông” bao nhiêu thì ông Abe cũng mở rộng quan hệ hợp tác của Nhật Bản với các nước ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á quyết liệt bấy nhiêu. Hai vị này đã có được sự đồng thuận sâu rộng về lợi ích chung để cùng theo đuổi cơ hội phát triển chung để cùng tận dụng và cả mối đe dọa an ninh chung để cùng đối phó. Ấn Độ và Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược của nhau như họ mong muốn.
Với hiệp định về hợp tác hạt nhân, Ấn Độ và Nhật Bản còn có được chất lượng quan hệ hợp tác tương tự cả trên lĩnh vực chính trị an ninh, quân sự, quốc phòng, chính trị khu vực và thế giới. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trong số những quốc gia không tham gia ký kết Hiệp ước của Liên Hiệp Quốc về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà Nhật Bản có thỏa thuận hợp tác về hạt nhân. Điều này thể hiện mức độ tin cậy lẫn nhau rất cao và sự gắn bó rất chặt chẽ giữa hai nước. Nó giúp cho Ấn Độ và Nhật Bản khi cần thì có thể nhanh chóng trở thành đồng minh chiến lược của nhau.
Bình luận (0)