Ấn Độ thiếu hụt ôxy y tế trong đại dịch Covid-19

Tường Vi
Tường Vi
29/09/2020 20:05 GMT+7

Nhiều bệnh viện ở Ấn Độ đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp ôxy y tế khi dịch Covid-19 tại nước này diễn biến phức tạp với tốc độ lây nhiễm nhanh nhất thế giới , theo Bloomberg ngày 29.9.

Hầu hết các nhà máy sản xuất ôxy y tế đều tập trung ở miền đông và miền tây Ấn Độ. Điều đó khiến cho các khu vực rộng lớn đông dân cư ở miền bắc và trung tâm của nước này không thể tiếp cận nhanh chóng với nguồn cung cấp ôxy y tế.

Trong khi đó, thủ đô New Delhi và các bang Bihar và Madhya Pradesh, với dân số khoảng 200 triệu người, lại không có cơ sở nào sản xuất ôxy.

Ông Saket Tiku, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất khí công nghiệp ở Ấn Độ cho biết: “Vào tháng 3, khi Ấn Độ có khoảng 1.300 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận, nước này tiêu thụ khoảng 750 tấn ôxy mỗi ngày. Trong tháng 9, lượng ôxy tiêu thụ lên tới 2.800 tấn mỗi ngày. Điều đó đã tạo ra nhiều áp lực lên chuỗi cung ứng ôxy”.

Ngoài áp lực sản xuất nhiều ôxy y tế hơn, các nhà sản xuất phải gặp phải vấn đề số lượng xe bồn chở khí ôxy bị hạn chế, ông Tiku nói thêm.

Với hơn 6 triệu ca nhiễm được ghi nhận cho đến nay, Ấn Độ hiện là một trong những điểm nóng về Covid-19 trên thế giới.

Cứ 4 người xét nghiệm lại có 1 người dương tính với Covid-19 ở nhiều tiểu bang Mỹ

Vào đầu tháng 9, chính phủ Ấn Độ đã buộc phải can thiệp, đồng thời Bộ Y tế yêu cầu các bang đảm bảo sẽ không có hạn chế nào trong việc di chuyển của các xe bồn chở ôxy y tế.

Trong khi đó, giá ôxy y tế đang tăng vọt gần gấp đôi mặc dù chính phủ đã quy định mức giá tối đa của các bình ôxy. Mỗi bình ô xy trước đây giá từ 350-400 rupee (110.000 - 125.000 đồng) nay lên 650-700 rupee/bình.
Ngoài ra, trong khi hầu hết các bệnh viện lớn thuộc diện công lập đều có hợp đồng hàng năm với các nhà sản xuất ôxy, thì việc tăng giá ôxy y tế đã ảnh hưởng đến các bệnh viện nhỏ hơn vì họ không có các hợp đồng như thế, theo Bloomberg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.