Ấn Độ và tham vọng hiện đại hóa quân đội

29/03/2015 15:50 GMT+7

(TNO) Ấn Độ đang hiện đại hóa lực lượng quân đội của nước này bằng hàng loạt các thỏa thuận quốc phòng trị giá nhiều tỉ USD.

(TNO) Ấn Độ đang đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng quân đội của nước này bằng hàng loạt các thỏa thuận quốc phòng trị giá nhiều tỉ USD. New Delhi đã không ngần ngại chi mạnh cho các dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân, chiến hạm và chiến đấu cơ thế hệ mới.

Tàu ngầm lớp Shishumar của Ấn Độ - Ảnh: Website Hải quân Ấn Độ
Trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội, Ấn Độ dường như rất chú trọng đến lực lượng hải quân. Điều này cũng có thể dễ hiểu khi hạm đội tàu ngầm của nước này đã hoạt động hơn 30 năm, lỗi thời và phát sinh hàng loạt sự cố trong năm 2013 khiến 18 thủy thủ thiệt mạng, theo Reuters. Hiện Ấn Độ chỉ còn vận hành 13 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện.

16 tỉ USD đóng tàu ngầm hạt nhân và chiến hạm

Chính phủ Ấn Độ đầu năm 2015 đã thông qua kết hoạch trị giá 16 tỉ USD, đóng 6 tàu ngầm hạt nhân và 7 tàu khu trục tàng hình do chính nước này chế tạo.
Chương trình đóng 7 tàu khu trục tàng hình còn được gọi là dự án-17A, kinh phí ước tính khoảng 8 tỉ USD. Chúng sẽ được chế tạo tại các nhà máy đóng tàu của chính phủ ở thành phố Mumbai và Kolkata, Ấn Độ, theo Reuters
Ngoài ra, New Delhi cũng đầu tư 8 tỉ USD để đóng 6 tàu ngầm hạt nhân. Theo quyết định ban đầu được đưa ra hồi năm 2014, Hội đồng mua sắm quốc phòng Ấn Độ (DAC) chỉ tính đóng 6 tàu ngầm chạy bằng diesel-điện thông thường.
Tháng 12.2014, Ấn Độ đã cho chạy thử chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này chế tạo. Tàu ngầm INS Arihant nặng khoảng 6.000 tấn, có thể mang theo 12 quả tên lửa đạn đạo K-15 với tầm bắn 700 km.
Thành công này đã đánh dấu cột mốc quan trọng của Ấn Độ, đưa nước này trở thành một trong các quốc gia có thể chế tạo và vận hành tàu ngầm hạt nhân, cùng với Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, theo Indian Express.

25 tỉ USD phát triển chiến đấu cơ hiện đại

Ấn Độ mới đây đã quyết định ký thỏa thuận trị giá 25 tỉ USD để phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ năm với Nga và sẽ đặt mua 127 chiếc.

Chiếu đấu cơ thế hệ thứ năm Sukhoi T-50 của Nga - Ảnh chụp màn hình RT

New Delhi ký thỏa thuận với Nga hồi đầu tháng 3.2015 sau khi thương vụ đặt mua 126 chiếc chiến đấu cơ đa nhiệm tầm trung Rafale của Pháp bị đỗ vỡ, theo Times Of India.
Nga đang thực hiện kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của riêng mình, có tên là PAK-FA. Máy bay Sukhoi T-50 là sản phẩm trực tiếp từ PAK-FA.
Sukhoi T-50 sẽ được dùng làm phiên bản gốc để phát triển loại máy bay tàng hình thế hệ thứ năm cho không quân Ấn Độ, hay còn gọi là dự án FGFA.
Chiếu đấu cơ Sukhoi T-50 có vận tốc hơn 2.100 km/giờ, có thể cất cánh trên đường băng tương đối ngắn chỉ khoảng 300 m, theo Business Insider. Hiện tại, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 hoàn chỉnh, đó là chiếc F-22 Raptor.

2,1 tỉ USD mua 'sát thủ săn ngầm' P-8 Poseidon

P-8 Poseidon là loại máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến nhất của Mỹ. Máy bay có thể mang và phóng tên lửa, bom chìm, ngư lôi trong các nhiệm vụ chống ngầm, chống hạm và trinh sát biển. P-8 Poseidon còn có thể phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, theo Reuters.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ - Ảnh: Reuters
Được mệnh danh là “sát thủ săn ngầm”, P-8 Poseidon có thể bay liên tục 7.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Mỹ từng điều P-8A Poseidon trong chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích MH370 vào đầu năm 2014. Tháng 2.2015, Mỹ cũng dùng loại máy bay này để tuần tra biển Đông.
Trong một thỏa thuận được ký hồi tháng 1.2009, Ấn Độ đã mua tổng cộng 8 chiếc P-8I Poseidon. Giá trị của thương vụ này lên đến 2,1 tỉ USD và là hợp đồng quân sự kỷ lục của Mỹ với Ấn Độ thời điểm đó, theo Reuters.
Ấn Độ là nước đầu tiên mà Mỹ bán 'sát thủ săn ngầm' P-8 Poseidon. Tuy nhiên, máy bay mà Mỹ bán cho Ấn Độ là phiên bản P-8I Poseidon dành cho hải quân nước này, còn phiên bản P-8A Poseidon dành riêng cho hải quân Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.