TNO

Ăn gì để tim không 'loạn nhịp' trong ngày Tết

04/02/2016 10:42 GMT+7

( iHay ) Muốn đón một cái tết nhẹ nhàng, ấm áp, hãy để trái tim đập rộn ràng chứ đừng loạn nhịp...

(iHay) Tết đến, dù ít nhiều tâm trạng mỗi người đều có sự hân hoan, phấn khởi. Tuy nhiên, muốn đón một cái tết nhẹ nhàng, ấm áp, hãy để trái tim đập rộn ràng chứ đừng loạn nhịp theo đúng nghĩa đen của từ này.

Ăn gì để tim không 'loạn nhịp' trong ngày Tết - ảnh 1
Giữ tim khỏe trong ngày tết
Theo ThS. BS Ngô Bảo Khoa - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch vào những ngày tết, trong đó nổi cộm nhất là việc uống rượu bia thả ga. Uống nhiều rượu bia có thể khởi phát các tình trạng rối loạn nhịp tim, trong đó thường gặp nhất là rung nhĩ, một tình trạng làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy tim.
Ngoài ra, các món ăn ngày tết thường chứa nhiều năng lượng cũng như hàm lượng chất đạm, chất béo, chất muối, đường khá cao và vô số các chất phụ gia khác. Yếu tố này cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng rủi ro cho sức khỏe tim mạch. Không chỉ vậy, trong niềm “hân hoan chào đón chúa xuân”, nhiều người thường lơ là việc kiểm soát chế độ ăn uống như: ăn không theo bữa, không kiêng khem, ăn nhiều hơn nhưng vận động ít hơn do không tập thể dục (vì nhịp sống bị xáo trộn), ngồi nhiều (đánh bài, xem tivi, tiếp khách…) nên rất dễ tăng cân. Tất cả các yếu tố trên đều không thuận lợi cho sức khỏe của người thừa cân, béo phì, người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gout, rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Đặc biệt, việc ăn thức ăn có nhiều mắm muối trong dịp tết còn làm tăng giữ nước trong cơ thể, từ đó có thể làm nặng thêm triệu chứng của người suy tim, làm tăng trị số huyết áp ở người cao huyết áp, tăng nguy cơ xảy ra các tai biến tim mạch.
Tết lẽ ra là dịp để nghỉ ngơi, thư giãn nhưng do có quá nhiều việc để làm như sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón tết, mua sắm thức ăn dự trữ, đi thăm bạn bè, người thân, tiếp khách, họp mặt gia đình, cơ quan, đi lễ chùa…, nếp sinh hoạt của người bệnh tim mạch lúc ấy sẽ bị xáo trộn. Họ không có thời gian nghỉ ngơi dẫn tới mệt mỏi, stress, thiếu ngủ… Đây cũng chính là yếu tố tạo thêm gánh nặng cho tim và làm tăng khả năng khởi phát các biến cố tim mạch.
Vì vậy, trong dịp tết, theo bác sĩ Bảo Khoa, để giữ trái tim trong trạng thái thăng bằng, ổn định nhằm tránh để xảy ra các tình huống và biến cố tim mạch nguy hiểm, mọi người, đặc biệt là những người mắc bệnh tim mạch, cần lưu ý:
- Đừng thay đổi quá nhiều nếp sinh hoạt. Vui xuân, đón tết nhưng vẫn cần nhớ dành thời gian cho việc ngủ nghỉ, tập thể dục.
- Người lớn tuổi, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường không nên ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều muối, chất béo, bột, đường. Ăn thêm rau xanh, trái cây. Cần uống nhiều nước, hạn chế sử dụng đồ uống có ga, rượu bia…
- Cố gắng duy trì 3 bữa ăn chính đầy đủ và đúng giờ, nhất là người mắc bệnh đái tháo đường.
Vũ khí giúp tim khỏe
Bác sĩ Khoa cho biết thêm: việc chăm sóc sức khỏe tim mạch không chỉ tập trung vào dịp tết mà cần phải thực hiện liên tục và thường xuyên trong cả những khoảng thời gian còn lại của năm. Không phải các loại thuốc bổ, thuốc “tăng lực” hay thuốc đặc trị… mới phát huy công dụng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch mà vũ khí quan trọng nhất để bảo vệ một trái tim khỏe chính là lối sống lành mạnh.
- Chế độ ăn lành mạnh. Theo bác sĩ Bảo Khoa, những nghiên cứu gần đây cho thấy trên 90% dân số có chế độ ăn không hợp lý. Nhìn chung, trong chế độ ăn hằng ngày, những người bị bệnh tim mạch cần hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol (nên dưới 300 mg/ngày); tránh thức ăn nhiều chất béo bão hòa, nhiều chất béo trans; ăn ít muối (ít hơn 1,5 mg/ngày); ăn ít đường; ăn nhiều các loại rau, quả (vì chứa nhiều vitamin và muối khoáng, ít năng lượng, nhiều chất xơ).
- Thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn. Ít vận động khiến năng lượng không được sử dụng, từ đó làm tăng nguy cơ gặp các tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mỗi người cần vận động với cường độ trung bình (chẳng hạn như đi bộ nhanh) ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong một tuần nhằm tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ, đái tháo đường, giúp tinh thần sảng khoái, giảm stress.
- Tránh hút thuốc hay ngửi khói thuốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy khói thuốc có liên quan hoặc là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh lý như: tim mạch, ung thư, bệnh phổi. Ngoài ra, thuốc lá còn tác động xấu đến sức khỏe phụ nữ, phụ nữ mang thai và thai nhi. Hầu hết các bệnh tim mạch như bệnh tim do thấp, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, tâm phế mạn, bệnh mạch máu não, xơ vữa động mạch, phình động mạch chủ, bệnh mạch máu ngoại biên… đều có nguy cơ gia tăng ở những người hút thuốc. Bỏ hút thuốc sẽ giảm đáng kể nguy cơ tim mạch.
- Kiểm soát cân nặng. Thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường. Giảm cân khi bị thừa cân hay béo phì sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Cẩm Nhi
Ảnh: Hoàng Thụy

>> Làn da 'cần' bạn hỗ trợ những thực phẩm gì?
>> Chế độ ăn uống tốt cho phổi
>> Nhớ dùng mật ong trong mùa... ho
>> Ăn cá hồi giúp tăng trí nhớ và tốt cho mắt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.