An Giang chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững

27/04/2021 13:32 GMT+7

Xác định chuyển đổi số là một trong những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên 4.0, tỉnh An Giang đã và đang triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển chuyển đổi số tại địa phương.

Điều này góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh An Giang, cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chương trình chuyển đổi số là 1 trong 6 chương trình trọng điểm của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của chính quyền nhằm hiện thực hóa Chương trình Chuyển đổi số và Đề án “An Giang điện tử” được các đơn vị quan tâm triển khai mang lại nhiều kết quả”.
Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh An Giang đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tạo được cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều và đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước, dần xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh An Giang.
Kết quả đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông minh được áp dụng như: hệ thống một cửa điện tử dịch vụ công trực tuyến; quản lý lưu trú trực tuyến; du lịch thông minh; hệ sinh thái giáo dục thông minh 4.0; phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế… Tiếp tục những kết quả đạt được, giai đoạn 2020 - 2025, Tập đoàn VNPT sẽ triển khai mạng 5G tại 11 trung tâm huyện, thị xã và thành phố của tỉnh; triển khai thử nghiệm Trung tâm dữ liệu, điều hành thông minh; triển khai giải pháp lớp học thông minh và hệ thống du lịch thông minh trên toàn tỉnh nhằm cung cấp các tiện ích thông minh cho người dân, du khách… Tương tự, giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh An Giang cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel) để triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, trong việc thực hiện chuyển đổi số tại An Giang, nhiều nông dân, doanh nghiệp cũng đã quan tâm ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, giúp việc sản xuất hàng hóa và trao đổi, lưu thông ngày càng tốt và thuận lợi hơn. Thông qua các ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực then chốt, như: y tế, giáo dục, giao thông vận tải…, kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang ngày càng phát triển.
Nét nổi bật là thông qua việc triển khai thực hiện chính quyền số và Đề án “An Giang điện tử”, các cấp, các ngành tỉnh An Giang đã tạo ra các giá trị mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp chính quyền minh bạch và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, còn góp phần tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp cho cán bộ, công chức. Tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, qua việc triển khai Đề án “An Giang điện tử”, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng đã được kết nối thông suốt cấp tỉnh, cấp huyện và đến tất cả các đơn vị, các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chữ ký số được triển khai cho tất cả các đơn vị liên quan.
Trên lĩnh vực du lịch thông minh, Cổng thông tin du lịch TP.Châu Đốc đã sớm được ra mắt, có tích hợp phần mềm ứng dụng du lịch trên điện thoại (smartphone) được triển khai tạo thuận lợi cho du khách. Nhiều địa phương ở An Giang, cũng đang tiếp tục triển khai hoàn thiện dần hệ thống chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số.

Phấn đấu kinh tế số đến năm 2030 đạt trên 20% GRDP

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, UBND tỉnh An Giang đang nghiên cứu triển khai chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu tổng quát của chương trình là góp phần giúp hoạt động của các cơ quan nhà nước đạt chất lượng, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên nhiều phương tiện phù hợp. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhằm tạo động lực phát triển xã hội số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Cụ thể, theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh An Giang sẽ phấn đấu có 80% người dân, doanh nghiệp hài lòng với các dịch vụ số của tỉnh cung cấp. Hơn 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Trên 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu, chính quyền số tỉnh An Giang nằm trong nhóm 15 các tỉnh, thành đứng đầu cả nước và phấn đấu kinh tế số đạt 10% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 10%.
Mục tiêu định hướng đến năm 2030, tỉnh An Giang sẽ hoàn thiện cơ bản việc xây dựng chính quyền số; phấn đấu kinh tế số trên 20% GRDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 20%.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Để thực hiện chuyển đổi số thành công, cán bộ, công chức của tỉnh cần thay đổi nhận thức, quyết tâm khai thác và sử dụng ngay các ứng dụng CNTT để quản lý và thúc đẩy phát triển, ngành, lĩnh vực của đơn vị. Mặt khác, người dân cần được tuyên truyền, quảng bá để biết và khai thác hiệu quả các ứng dụng CNTT do cơ quan nhà nước cung cấp trên môi trường mạng, khai thác các ứng dụng CNTT vào kinh doanh và phát triển sản xuất một cách hiệu quả. Sở Thông tin - Truyền thông An Giang sẽ tập trung triển khai hoàn thiện “Trung tâm dữ liệu, điều hành thông minh” (IOC), “Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng” (SOC) tỉnh An Giang; đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh An Giang về các cơ chế, chính sách và các giải pháp liên quan đến chuyển đổi số của tỉnh nhằm triển khai chương trình đạt kết quả tốt nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.