An Giang đột phá để phát triển nông nghiệp

13/12/2022 08:00 GMT+7

Lãnh đạo tỉnh An Giang đã có nhiều chủ trương sáng tạo, đột phá để phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cư dân nông thôn.

Từ ăn không no… đến vựa lúa trù phú

Tại hội thảo khoa học An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022), ông Lê Chí Thành, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, chia sẻ An Giang vốn là địa phương sản xuất lúa nổi tiếng trong cả nước từ bao đời. Tuy nhiên, do chiến tranh biên giới Tây Nam nên trong 4 năm (1976 - 1979) sản lượng lương thực của tỉnh “giậm chân” ở con số 500.000 tấn. Tính chung, 10 năm sau giải phóng, mặc dù Đảng bộ tỉnh tập trung cho sản xuất lương thực nhưng chỉ tăng được 400.000 tấn, bình quân tăng 40.000 tấn/năm… “Một khi cái ăn không no thì tất nhiên là mặc không lành, thiếu thuốc trị bệnh, trường học, cầu đường nên điện và nước sạch là ước mơ, là một thứ gần như xa xỉ”, ông Thành bày tỏ.

Một góc đô thị TP.Long Xuyên, An Giang

TRẦN NGỌC

Đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại, lãnh đạo tỉnh An Giang đã có nhiều chủ trương đột phá, sáng tạo để phát triển cây lúa. Từng bước giải quyết đồng bộ, có hiệu quả các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân. Tỉnh chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào thủy lợi để chuyển đổi từ lúa mùa 1 vụ sang lúa thần nông 2 vụ/năm. Đến năm 1979 - 1980, An Giang dũng cảm “xé rào” đi đầu, có chủ trương đột phá “đi trước” chủ trương của T.Ư nhằm phát triển nông nghiệp.

Cụ thể, An Giang cho thực hiện hợp đồng kinh tế 2 chiều trong nông nghiệp, ứng trước cho dân sản xuất, bao gồm thực hiện giá trong nghĩa vụ 1 kg phân urê = 4 kg lúa hoặc 1 lít xăng = 8 kg lúa và giá khuyến khích. Tỉnh thực hiện thí điểm cơ chế “2 giá” gồm giá quốc doanh và giá thỏa thuận. Qua thực tế thị trường, tỉnh điều chỉnh chủ trương “mua cao, bán cao” thành “mua đúng, bán đúng”, xóa bỏ các trạm “ngăn sông cấm chợ”. Nông dân có quyền bán nông sản dư thừa theo giá thỏa thuận với Nhà nước, sau khi hoàn thành nộp thuế và thực hiện chỉ tiêu sản xuất. Thực chất của chủ trương này là sự áp dụng bước đầu cơ chế thị trường trong sản xuất nông nghiệp.

Do được bán sản phẩm thỏa thuận gần sát với giá thị trường nên tạo niềm phấn khởi cho nông dân, giúp An Giang có những bước tiến trong thực hiện chỉ tiêu thu mua nói riêng và sản xuất nông nghiệp. Nếu năm 1979, mức thu mua lúa của tỉnh chỉ đạt 39.708 tấn thì năm 1980 mức thu mua đạt 146.092 tấn, tăng 368%.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Nhà máy gạo ở H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang của Tập đoàn Lộc Trời

TRẦN NGỌC

Tiếp đến, An Giang có chủ trương đưa đất về hộ nông dân, biến “hộ nông dân thành hộ sản xuất cơ bản”. Đến năm 1988, tỉnh thực hiện chương trình khai thác vùng tứ giác Long Xuyên. Năm 1989, triển khai chương trình khuyến nông. Năm 1992, triển khai chương trình phát triển nông thôn. Năm 1996, chương trình khuyến công và nhiều chính sách khác được triển khai thực hiện như: khai thác lợi ích của các công trình thoát lũ ra biển; xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ; trồng và bảo vệ rừng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình cánh đồng mẫu lớn…

Những chủ trương, chính sách phù hợp nêu trên đã tạo bước ngoặt quan trọng cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang phát triển. Từ vùng đất còn nhiều hoang hóa, An Giang nhanh chóng phục hồi, phát triển; nông dân bội thu trong sản xuất, đời sống nâng lên rõ rệt. Đến năm 1988, sản lượng lúa của tỉnh vượt mức 1 triệu tấn; năm 1994 vượt mức 2 triệu tấn và hiện nay đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực. Trung bình mỗi năm, tỉnh xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa

LÂM MINH NHẬT

Đột phá trong nuôi, xuất khẩu cá tra, ba sa

Con cá tra xuất khẩu mang tỉ đô về cho Việt Nam và An Giang được xem là “cái nôi” của con cá tra vùng ĐBSCL. Từ việc nuôi cá tra, cá ba sa trên bè tại Châu Đốc, Tân Châu… người dân An Giang đã phát triển nuôi cá thương phẩm trong ao lớn để xuất khẩu, giải quyết việc làm cho cả trăm ngàn lao động, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh.

Theo Sở NN-PTNT An Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200 ha nuôi cá tra, sản lượng khoảng 450.000 tấn, tăng hơn 200.000 tấn so với năm 2015. Tính riêng đến năm 2020, diện tích các vùng nuôi cá tra do doanh nghiệp đầu tư và có liên kết với tiêu thụ chiếm khoảng 89%. Về con giống, An Giang đã triển khai hiệu quả Đề án liên kết sản xuất cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm tiến tới An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của cả vùng ĐBSCL. Đến nay, tỉnh đã mời gọi được 4 doanh nghiệp đầu tư vào các vùng ươm nuôi cá tra giống với tổng diện tích gần 500 ha. Định hướng trong thời gian tới, diện tích nuôi cá tra của An Giang khoảng 1.500 -1.600 ha.

Sản xuất cá tra giống chất lượng cao của Tập đoàn Việt Úc tại TX.Tân Châu, An Giang

TRẦN NGỌC

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL. Kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước và chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao…”.

Tại lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (22.11.1832 - 22.11.2022), ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, nhận xét: “An Giang nổi lên như là một điển hình của việc vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương. Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang cũng đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, được T.Ư ương ghi nhận và đánh giá cao. Từ một tỉnh thiếu lương thực, An Giang đã có nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo, rau màu và thủy sản, từng bước vươn lên dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng là một trong những dấu ấn nổi bật, thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của tỉnh”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.