Ẩn họa nạn ném đá xe khách

14/07/2015 10:57 GMT+7

Nạn ném đá xe khách gây nguy hiểm trên QL14 qua các tỉnh Tây nguyên rất cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Nạn ném đá xe khách gây nguy hiểm trên QL14 qua các tỉnh Tây nguyên rất cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ẩn họa nạn ném đá xe khách
 Một xe khách ở Đắk Lắk bị ném đá vỡ kính trong tháng 6 vừa qua - Ảnh: Nguyên Bình
Dồn dập ném đá
Đêm 1.7, trên địa bàn xã Tân Cảnh, H.Đắk Tô (Kon Tum), nhóm 3 thiếu niên: A Héo, A Hoài, Phạm Văn Bảo, chơi trên QL14 bỗng rủ nhau ném đá vào xe khách của nhà xe Minh Quốc Kon Tum đang lưu thông trên đường. Tấm kính xe vỡ toang làm mảnh văng vào mắt một cháu bé 5 tuổi trên xe, khiến cháu phải nhập viện điều trị. Đây là vụ ném đá xe khách mới nhất xảy ra trên QL14 qua các tỉnh Tây nguyên.
Trước đó vài ngày, đêm 28.6, Lăng Thanh Mẫn (19 tuổi, ngụ H.Cư Jút, Đắk Nông) sau khi uống rượu đã cùng Lê Văn Hải (18 tuổi) và Nguyễn Song Hùng (17 tuổi, cùng ngụ H.Đắk Mil, Đắk Nông) rủ nhau ra ném đá vào những xe khách. Hậu quả, xe khách giường nằm BKS 81B-002.78 của Công ty TNHH vận tải Thuận Tiến Gia Lai gặp “mưa đá” bay vào tới tấp. Tài xế phụ Phan Văn Đoàn (45 tuổi, ngụ TP.Plei Ku, Gia Lai) bị thương nặng vùng mắt trái, 4 hành khách bị thương nhẹ, 2 kính bên hông xe bị vỡ.
Đầu tháng 6, hai xe khách của nhà xe Tân Niên từ Gia Lai về Đồng Nai theo QL14, khi chạy qua khu vực P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thì bị 3 thanh niên ném đá làm móp thùng xe đi đầu. Xe đi sau dù được cảnh báo qua điện thoại chạy chậm lại, cảnh giác nhưng cũng bị đá ném làm vỡ một tấm kính...
Có thể thấy, nạn ném đá xe khách vẫn tiếp diễn mặc dù các tỉnh Tây nguyên có những nỗ lực ngăn chặn. Ở Kon Tum, trong 6 tháng đầu năm 2015 xảy ra 4 vụ ném đá, trong đó lực lượng chức năng xử lý 3 vụ. Cùng thời gian, ở Gia Lai cũng có 2 vụ ném đá, trong đó 1 vụ làm 2 người bị thương nhập viện.
Từ tháng 10.2014 đến nay, Công an tỉnh Đắk Nông bắt 6 vụ với 20 người vi phạm; trong đó đã khởi tố 3 vụ với 6 bị can về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.
Trong tháng 5, TAND H.Ea Hleo (Đắk Lắk) đã mở phiên tòa xét xử 4 thanh niên ném đá vào xe khách khiến một hành khách ngụ TP.HCM bị thương nặng vào mắt, tỷ lệ thương tích 61%. Bị cáo Bùi Văn Tuấn (trú xã Ea Hleo, H.Ea Hleo) đã bị tuyên phạt 4 năm tù giam.
Lỗ hổng giáo dục pháp luật
Xe khách bị ném đá vẫn đang là nỗi ám ảnh trên tuyến QL14 bởi tính chất nguy hiểm uy hiếp tính mạng hành khách và lái xe. Hầu hết các vụ ném đá đều diễn ra vào ban đêm, xe bị nạn đang chạy qua các đoạn đường vắng. Khác với nhiều hành vi gây mất ATGT khác, việc ném đá lại là hiểm họa khó lường, bất ngờ với các phương tiện đang tham gia giao thông, lại khó khăn khi phát hiện, xử lý thủ phạm.
Ông Phạm Văn Hiền, Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Niên (Đồng Nai), bức xúc: “Những năm qua, xe của công ty chúng tôi bị ném đá nhiều lần trên tuyến QL14 nhưng có những thời điểm đường vắng, không rõ địa bàn, không biết báo cho ai giải quyết vụ việc. Nên chăng các tỉnh dọc QL14 cần thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để khi gặp sự cố ném đá, chúng tôi liên hệ để được cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ bắt giữ nhanh thủ phạm”.
Qua xử lý các vụ ném đá của các địa phương cho thấy phần lớn thủ phạm là thanh thiếu niên thiếu ý thức về hành vi, thiếu suy nghĩ đến hậu quả khi xem đó là trò tiêu khiển, uống rượu bia rồi nổi hứng, hoặc chỉ đơn giản vì tức giận khi bị đèn pha ô tô chiếu vào mặt…
Trao đổi về hiện tượng này, luật gia Đặng Tiến, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Đắk Lắk, nhận xét công tác giáo dục pháp luật ở các địa bàn dân cư trong thời gian qua hầu như chưa chú ý khía cạnh vi phạm của hành vi ném đá xe khách, mặc dù có tuyên truyền pháp luật về giao thông. Ông Tiến cho biết các ngành chức năng cũng chưa phối hợp lồng ghép trong các chương trình tư vấn, tuyên truyền pháp luật miễn phí cho người dân để ngăn ngừa hành vi này.
“Thời gian qua, việc xử lý nạn ném đá xe khách mới chỉ phần ngọn, tức là khi đã xảy ra vụ việc. Theo tôi, cái gốc phải là tạo ra nhận thức thay đổi hành vi, giúp người dân hiểu rõ pháp luật, tích cực ngăn chặn hành vi vi phạm ngay từ nhà trường, gia đình, khu dân cư. Phải có chuyên đề tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng, cùng với việc đấu tranh, xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng đối với hành vi ném đá”, ông Tiến chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.