Ẩn họa từ buông lỏng quản lý nuôi chó: Không thể viện lý do gì để không chấp hành

25/08/2018 08:28 GMT+7

Năm 2010, TP.HCM đẩy mạnh việc xử lý chó thả rông , nhưng một thời gian sau, nhiệm vụ này lắng xuống và trên thực tế, việc quản lý nuôi chó, thả rông nơi công cộng dường như bị thả nổi.

Ngày 17.7 vừa qua, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, ký văn bản gửi Phòng Y tế, Phòng Văn hóa - Thông tin và UBND 10 phường của Q.1 về việc xử lý chó thả rông nơi khu vực công cộng. Đây là địa phương đầu tiên trong số 24 quận, huyện của TP.HCM “tái khởi động” nhiệm vụ này, với lực lượng ra quân là “đội bắt chó”. Và từ ngày 15.8, Q.1 ra quân tuần tra xử phạt, cưỡng chế các trường hợp vi phạm.
Tính từ 15 - 24.8, Q.1 đã bắt được 9 con chó không rọ mõm chạy rông trên đường. Hiện đã lập biên bản xử phạt 7 trường hợp tổng cộng 7,6 triệu đồng; còn 2 con chó vắng chủ. Tuy nhiên, ngày 24.8, PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng chó không rọ mõm, thả rông vẫn còn diễn ra ở các tuyến đường Hoàng Sa, Nguyễn Đình Chiểu, Mai Thị Lựu (Q.1).
[VIDEO] Đội bắt chó ra quân, dùng thòng lọng bắt gọn nhiều chó thả rông
Trả lời Thanh Niên, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, khẳng định: “Chủ trương của Q.1 là xử lý nghiêm vi phạm. Lâu nay việc này không được thực hiện kiên quyết là bởi có phần ngại đụng chạm. Pháp luật không cấm nuôi, nhưng đã có quy định rõ về các điều kiện nuôi để đảm bảo an toàn, văn minh đô thị. Do vậy, không thể viện lý do gì mà không chấp hành. Trường hợp nào cố tình không chấp hành, buộc phải xử lý nghiêm theo đúng quy định”. Ông Hải cho biết hiện Q.1 chưa thể thống kê được cụ thể trên địa bàn quận có bao nhiêu hộ nuôi chó, số lượng bao nhiêu, nhưng qua ghi nhận thực tế, việc nuôi chó thả rông là khá phổ biến.
“Địa bàn quận có nhiều công viên, bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và nhiều khu vực thường xuyên tập trung đông người, du khách..., nhưng những nơi công cộng đó xuất hiện phân chó thải ra rất nhiều - là một thực tế bức xúc, không thể chấp nhận được. Cần phải có ý thức về nếp sống văn minh trong sinh hoạt”, ông Hải nói và cho biết: “Để tránh trường hợp bị người nuôi chó tấn công khi họ bị xử lý vi phạm, lực lượng trực tiếp xử lý sẽ có công an phối hợp hỗ trợ, bảo vệ. Các trường hợp nuôi chó thả rông, nuôi trái phép trong chung cư… đều bị xử lý nghiêm”.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội), cho biết trong ngày 23.8, Sở đã có công văn gửi UBND TP.Hà Nội đề xuất các biện pháp chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường quản lý đàn chó nuôi, cũng như các địa điểm giết mổ, kinh doanh thịt chó trên địa bàn. Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 3 người tử vong vì bệnh dại và trong 5 tháng đầu năm ghi nhận có 5.098 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng, trong đó số người bị chó cắn chiếm 87%. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thống kê đến tháng 5.2018, tổng đàn chó trên toàn TP.Hà Nội có khoảng 430.000 con. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.