Những tuyên bố, hành động gần đây của Trung Quốc khiến dư luận thế giới ngày càng lo ngại về nguy cơ nước này quân sự hóa tranh chấp Biển Đông.
Đại công trình phi pháp của Trung Quốc ở đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa
- Ảnh: Mai Thanh Hải |
Trong bài viết độc quyền cho Thanh Niên, tiến sĩ người Mỹ Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, phân tích những nguy cơ từ chiến lược quân sự mới của Trung Quốc đối với khu vực.
Văn kiện Chiến lược quân sự của Trung Quốc (CMS) do Quốc vụ viện nước này vừa ban hành đã bộc lộ thái độ tự tin vào sức mạnh cùng một chính sách ngoại giao mang tính cơ bắp hơn, phản ánh khả năng quân sự đang được tăng cường nhanh chóng. CMS chứa đựng những ngôn từ thể hiện một Trung Quốc bạo dạn hơn, tìm kiếm vị thế siêu cường và phạm vi an ninh quốc gia vượt xa khỏi biên giới nước này.
|
Tham vọng của Trung Quốc còn được thể hiện qua ý định thay đổi dần sự tập trung chiến lược từ “phòng thủ vùng biển xa bờ” sang phối hợp giữa “phòng thủ vùng biển xa bờ” với “bảo vệ vùng biển mở”. Có vài ý kiến chỉ ra rằng Trung Quốc từng tuyên bố sẵn sàng tham gia hợp tác phòng thủ chung, bao gồm bảo đảm các tuyến đường biển thương mại quốc tế, nhưng tuyên bố đó không áp dụng cho Biển Đông, nơi nước này vẫn xem là lãnh hải của mình dù điều đó hoàn toàn vi phạm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS).
Điều thể hiện rất rõ trong CMS là sự tự tin của Trung Quốc về vị thế hiện nay ở Biển Đông. Quá trình bồi đắp trên 7 bãi đá ở Trường Sa và sự bành trướng ở Hoàng Sa khiến Trung Quốc cho rằng họ sẽ sớm đạt được khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Viễn cảnh này bao gồm tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) và áp dụng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) đối với các bên tranh chấp khác.
Tuy khó xảy ra một vụ tấn công kiểu như Gạc Ma hồi tháng 3.1988 vì cái giá quá lớn về ngoại giao, nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục ra sức bồi đắp trong vùng không có người ở. Dù các hòn đảo nhân tạo khó đứng vững trong cuộc chiến, chúng vẫn cần thiết cho chiến lược A2/AD, có thể được sử dụng để cản trở các bên khác trong việc tiếp tế cho đơn vị đồn trú hoặc duy trì hỗ trợ đi lại trên biển. Trung Quốc cũng sẽ đưa hải quân, không quân, hải cảnh và ngư dân hiện diện thường trực và dày đặc ở Biển Đông để thực hiện chiến lược A2/AD.
Một điều rất đáng lưu ý là CMS không đề cập việc lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở cho chiến lược phòng thủ của Trung Quốc. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc luôn diễn giải UNCLOS theo hướng có lợi cho mình. Theo UNCLOS, đường chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị pháp lý. Yêu sách này vi phạm trắng trợn đối với quyền về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển. UNCLOS cũng không cho phép tuyên bố chủ quyền lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ các đảo nhân tạo.
Từ đó, có thể thấy CMS ủng hộ chính sách bảo vệ lợi ích chủ quyền bằng cơ bắp và không dựa trên luật pháp quốc tế. Điều này gây ra mối đe dọa lớn đối với khu vực nói chung và VN nói riêng.
Quả địa cầu Trung Quốc sản xuất có đường lưỡi bò
Ngày 29.6, tờ The Philippine Star đưa tin mô hình địa cầu do Trung Quốc sản xuất có in bản đồ “đường lưỡi bò” đang được bày bán tại một số cửa hàng ở thủ đô Manila của Philippines. Mặt hàng do Trung Quốc sản xuất có giá 18 - 500 peso (8.600 - 214.000 đồng)/quả, tùy kích cỡ, rẻ hơn 400% - 900% so với hàng “sạch” nhập từ Đài Loan và Mỹ.
Bộ trưởng Giáo dục Philippines Armin Luistro cho hay đây là lần đầu tiên ông nghe thông tin trên và sẽ đề nghị các cửa hàng ngưng bán địa cầu có đường lưỡi bò.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, bà Phạm Thị Hóa, Trưởng phòng Khai thác sách nội địa Công ty CP phát hành sách Fahasa, cho biết: “Địa cầu chúng tôi bán tại hệ thống các nhà sách đều do VN sản xuất và tiêu thụ rất tốt. Trước kia, chúng tôi có nhập một số ít địa cầu từ các nước, nhưng khi phát hiện thấy có đường lưỡi bò thì lập tức không đưa ra thị trường và không nhập nữa. Thậm chí những quả mua từ châu Âu cũng có in đường lưỡi bò nên hiện nay chúng tôi chỉ bán sản phẩm của VN”.
Văn Khoa - Lucy Nguyễn
|
Bình luận (0)