Ai đến với bóng đá cũng đều xuất phát từ sự đam mê. Người chơi phong trào, người xem bóng đá đam mê nhiều không? Có chứ, phải nói là rất đam mê ấy chứ. Nhưng đam mê thì cũng dễ thay đổi thôi, hôm nay bạn đam mê bóng đá cũng có thể ngày mai bạn đam mê quần vợt, đánh golf...
Còn với chúng tôi ư? Bóng đá là tất cả! Nó là sự nghiệp của một người đàn ông; là niềm tự hào của gia đình, dòng họ; là nguồn sống cho vợ con. Với chúng tôi, bóng đá là tất cả chứ không chỉ gói gọn trong 2 chữ “đam mê”.
Chắc ai cũng đã biết, khi còn là những cậu bé, chúng tôi bỏ mặc tất cả những trò chơi khác để quần thảo quả bóng hàng ngày, hàng giờ... Chúng tôi ao ước trở thành 1 cầu thủ chuyên nghiệp, trước khi nghĩ tới danh vọng, tiền bạc. Chân phương như vậy thôi. Cứ nghĩ rằng, bạn bè xung quanh ai cũng yêu bóng đá mà nào có phải ai cũng được khoác áo ra sân, dưới sự cổ vũ của hàng chục ngàn người hâm mộ?
tin liên quan
Buổi tập nặng nề của cầu thủ Long An sau 'cơn bão' trên sân Thống NhấtBuổi tập sáng ngày 21.2 của CLB Long An diễn ra trong không khí nặng nề. 8 giờ 30, toàn đội họp chuyên môn để rút kinh nghiệm về những hành động không hay trong trận gặp CLB T.PHCM ở vòng 6 V-League 2017 hôm 19.2 vừa qua.
9 -10 tuổi chúng tôi xa gia đình để vào các lớp năng khiếu, ở cái tuổi phải được sự chăm bẵm của bố mẹ thì chỉ có anh em tôi đùm bọc nhau (các HLV còn có gia đình, họ cũng rời sân tập sau giờ làm việc thôi). Nắng gắt, mưa to cũng ra sân tập, chấn thương, máu đổ, gãy tay chân, đứt dây chằng... thử hỏi cầu thủ nào không một lần trải qua. Chỉ mong 1 ngày được ra sân như đàn anh, đàn chú.
Làm gì có chuyện tất cả cầu thủ bóng đá đều thành người nổi tiếng với chế độ đãi ngộ ngất ngưởng đi kèm... Chuyển nhượng, lót tay, lương cao, nhà lớn, xe đẹp... là phần nổi thôi. Trong 1 đội bóng, chỉ chừng 10% cầu thủ được đãi ngộ như vậy, cá biệt ở giải hạng nhất, hạng nhì thì cầu thủ nghèo lắm, thu nhập 10 triệu/tháng là mừng.
Tại V-League, lương 20 triệu/tháng, cao hơn các anh chị công nhân hoặc tiểu thương. Nhưng so ra với dân văn phòng, chúng tôi cũng chỉ ngang ngửa. Mà câu chuyện tuổi nghề ngắn thì ai cũng rõ, cầu thủ nào may mắn có sức khỏe, có phong độ tốt thì kéo dài hơn 10 năm nhưng không may thì chỉ 1, 2 năm thôi, có khi còn ngắn hơn thế.
Hết tuổi đá bóng, khoảng chừng 30 đến 33, chúng tôi làm gì? Sống ra sao khi học hành không đến nơi đến chốn, nghề nghiệp khác cũng không thành thạo? Chúng tôi khéo trong từng pha qua người, tiểu xảo trong từng khoảnh khắc tranh chấp bóng nhưng chỉ là trên sân cỏ, ngoài đời chúng tôi chỉ là những người ngây thơ trong xã hội nhiều đầy cạnh tranh và phức tạp.
Có bao nhiêu người có được cơ sở như Anh Đức, như Công Vinh? Chúng tôi chỉ biết ăn, tập và thi đấu rồi về phòng nghỉ ngơi phục hồi. Rất thiếu sự tiếp xúc với bên ngoài.
|
Vô hình trung, chúng tôi gói mình trong 1 xã hội thu nhỏ, ở đó anh em dễ dàng tâm sự, sẻ chia, cười đùa không đề phòng ai cả. Nhưng khi đứng trước người khác, cầu thủ bóng đá hầu như không biết phải nói gì.... Không khéo léo, không trau chuốt đâu. Cầu thủ chúng tôi là vậy!
Chính vì chúng tôi đơn giản nên cách phản ứng cũng bộc trực. Bị ép quá đáng thì bức xúc, nổi nóng... Rồi thấy các chú lãnh đạo, huấn luyện viên cũng quyết ăn thua đủ, còn mình không phản ứng gì, liệu thì có đúng không? Có trung thành với tập thể, với CLB không? Chỉ nghĩ đơn giản là phản đối quyết định của trọng tài tới cùng, bằng mọi cách, vì đội đã quá nhiều lần bị thổi ép rồi.
|
Nếu đã cho xấu thì xấu luôn... hành động tức thời, rất nhanh, rất vội, chúng tôi không nghĩ đến hậu quả. Mà lúc đó trên khán đài vẫn có nhiều khán giả ủng hộ chúng tôi bằng cách la ó trọng tài, cũng có nhiều lý do tác động lắm!
2 năm cho án kỷ luật, khi 1 người đã 31 tuổi, người còn lại thì 33. Phải giải nghệ khi chưa kịp chuẩn bị gì cho hành trang mưu sinh ngay phía trước. Phải làm gì? Sẽ sống ra sao? Gia đình, vợ con thế nào? Rồi sao chỉ có mỗi chúng tôi bị phạt?
Còn trọng tài với những lỗi dây chuyền nữa chứ? Trọng tài sai thì coi là lỗi nhận định, phạt vài trận hoặc cao nhất là nửa mùa. Mùa sau lại làm tiếp, mà tuổi nghề trọng tài tới 45 tuổi, bền bỉ lắm! Chúng tôi hiểu mình đã hành động không đúng, chúng tôi nhận trách nhiệm cá nhân, chúng tôi đã xin lỗi một cách cầu thị và hứa không tái phạm rồi cơ mà. Đừng khép lại cánh cửa cuộc đời của chúng tôi - những cầu thủ bóng đá Việt Nam.
Khi còn thi đấu, trung vệ Lưu Ngọc Hùng khoác áo các CLB mạnh của V-League: Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn, Ninh Bình, Bình Dương, Kiên Giang. Tại các CLB này anh đều mang băng đội trưởng. Hiện tại Lưu Ngọc Hùng đã chuyển sang công tác đào tạo trẻ. Bên cạnh đó, Lưu Ngọc Hùng còn là 1 bình luận viên bóng đá, 1 cây bút phân tích mang tính chuyên sâu.
|
tin liên quan
Từ vụ CLB Long An: Khi trọng tài sai luật thì... trận đấu vô nghĩaKhi trọng tài sai luật, giới chuyên môn gọi là 'lỗi kỹ thuật', thì trận đấu trở nên vô nghĩa, kết quả sẽ không được công nhận. Ấy là chiếu theo luật bóng đá.
Bình luận (0)