Khi dân Hà Nội sành ăn hoài niệm
Trong năm, có một cửa hàng ăn uống xưng danh là mậu dịch mọc lên ở Nam Tràng- phố nhỏ tĩnh mịch xinh xắn ven hồ Trúc Bạch. Vài ông Tây thuê nhà quanh đó, đi qua tò mò ngó nghiêng “đây là cửa hàng bao cấp phải không?”
Mặt tiền, ngoài dòng chữ nghiêm nghị “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37”, có trang trí chiếc xe đạp Thống Nhất lủng lẳng phía trên.
Chưa bước qua ngưỡng cửa, đập vào mắt là tấm bảng đen ghi các món ăn và bảng giá: “Tóp mỡ xào dưa, mề gà xào mướp giá…”.
|
Thực đơn viết bằng phấn trắng thì đúng rồi nhưng nó phải bắt đầu bằng câu Hôm nay có..., chứ không phải chữ thực đơn mậu dịch như thế này.
Tôi bước vào thấy mấy bàn đang ồn ào uống ăn, đa phần là…văn nghệ sĩ. Phía trên đầu các ông này, trên tường bày một dãy “cổ vật” gồm xe đạp Vĩnh Cửu, dép cao su, dép nhựa, mũ lá, mũ cối, guốc mộc. Thiếu dép nhựa Tiền Phong và dép đúc- “đỉnh” sành điệu một thời.
|
Cửa hàng không được rộng rãi cho lắm nhưng cũng cố rải ra bất cứ gì có thể gợi nhớ cái thời bao cấp xa xăm.
Từ mâm đồng, ấm tích, đài Orionton, ảnh tàu điện cho đến “Quầy thanh niên làm theo lời Bác” rồi khẩu hiệu “Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”, “Không chen ngang”, “Ở đây tai vách mạch rừng/Những điều bí mật xin đừng nói to”, “Ưu tiên thẻ thương binh”.
Món dưa xào tóp mỡ được dọn lên. Họa sĩ Quách Đông Phương góp ý: Món này phải xào mỡ, không xào dầu. Đúng vậy, dưa dù nấu canh hay xào đều phải mỡ lợn mới ngon, cũng như món rau bí hoặc măng- xào mỡ nó mới quấn; còn xào dầu cứ chuội đi. Ngày xưa, ai chả có kinh nghiệm với món tóp mỡ, lo lòng tích trữ cặp lồng mỡ trong chạn!
Một cô gái to béo, mặc một bộ ý chừng là đồng phục, đặt lên bàn chúng tôi ít bát sắt có đục lỗ ở trôn.
Ông chủ tên Minh khoe, nhân viên của ông bán được một bộ 4 chiếc bát sắt này những 800.000 đồng, cho một khách hàng hoài cổ nào đấy.
Bộ này ông mới đặt làm chứ có phải chứng tích thời nào đâu mà cũng được giá thế. Rồi ông giới thiệu cô gái to béo tên Linh là cửa hàng trưởng.
Khách cười nói với Linh: Mặt em phải đâm lê tí nữa mới ra dáng cửa hàng trưởng bao cấp em ạ. Cũng như lúc lảo đảo đi vào khu vực có dòng chữ nguệch ngoạc nhà vệ sinh, có người oang oang Cái nhà này có đủ tiêu chuẩn…bẩn không đấy?! Ông chủ Minh đỡ lời: Không dám đâu. Gì chứ tiết mục đấy phải càng không bao cấp càng tốt.
Tóm lại, cứ một dấu hiệu “phục cổ” của gia chủ, dễ lại vấp phải lời phẩm bình, biên tập của thực khách. Đúng là cửa hàng độc nhất vô nhị!
Ông Minh khoe kho tàng của ông do công sức của bao người thân, sơ hợp thành. Nào “Vinh Tân đảo” tay chơi đồ cổ nổi tiếng, cung cấp chiếc xe đạp Thống Nhất, xe Vĩnh Cửu, máy chữ cổ, quạt tai voi.
Ca đựng bút vẽ của họa sĩ Lê Thiết Cương; bi đông bộ đội của cố nhà văn Hải Hồ; hòn đá xếp hàng của nhà nghiên cứu Mai Xuân Hải- dịch giả Tây du ký- thuộc sưu tập của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến…
Là người chuyên doanh nhà hàng, ông Minh giải thích: “Tất nhiên tôi muốn hướng đến sự độc đáo nhưng không chỉ để kinh doanh. Có hai luồng suy nghĩ về thời bao cấp: Đáng nhớ và đáng quên. Đáng quên bởi bao cấp nghĩa là đói khổ, là dịch vụ kém, bức tranh màu xám một thời. Nhưng tôi làm cửa hàng này trong tâm trạng bâng khuâng, muốn dành một nơi gặp gỡ cho những người vừa ăn vừa hồi tưởng cái thời chắc chắn không bao giờ lặp lại. Cho đến lúc này chưa ai làm kiểu này nên tôi phải đăng ký bản quyền. Và tiếp tục sưu tầm “cổ vật”, bằng tiền hoặc đổi món ăn”.
Bàn bên vừa sôi nổi uống ăn vừa cãi nhau ỏm tỏi. Nhà văn Cơ hội của Chúa Nguyễn Việt Hà giải thích rằng đang tranh luận chuyện bao cấp, đương nhiên, bởi “vào đây phải cãi nhau nó mới ra bao cấp!”.
Tuy vậy trên cái bàn ăn lắp bằng chân máy khâu giả cổ Singer đầy chủ ý này, la liệt “lẩu ba ba”, “ếch, mực chiên bơ tỏi”... Nghĩa là hoài cổ gì thì hoài cổ vẫn phải cập nhật món ngon - thứ mà thời đó gọi là đặc sản, còn bây giờ là sự thường.
“Người miền Bắc không gọi chiên nhé, mà rán. Cũng như khoản vừa ăn vừa uống là miền Nam đấy chứ”. Thế là lại bắt đầu cuộc hoài cổ khác nữa...
Trước hôm khai trương, có phóng viên lò dò đến viết bài. Một thực khách khó tính quan sát gương mặt trẻ trung, nghe cô hỏi han các thứ rồi nói như quát làm cô chết khiếp: Biết đếch gì về thời bao cấp mà cũng viết với lách! Hóa ra, được biết về cái thời “kinh khủng” đó cũng là một niềm tự hào cơ đấy?!
Và một thời ăn mặc chơi xem nghe đọc
Cũng trong cửa hàng 37 Nam Tràng có treo bức ảnh đen trắng to, chú thích: Cảnh xếp hàng gửi xe đạp để xem vở kịch “Tôi và chúng ta”- 1985. Người chụp là Eva Lindskog, sinh viên khoa Tiếng Việt, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1983).
Đặc sản văn nghệ thời bao cấp không thể thiếu kịch Lưu Quang Vũ! Nhìn lại, đỉnh của Lưu Quang Vũ vẫn là Hồn Trương Ba da hàng thịt- Nguyễn Đình Nghi dựng cho Nhà hát Kịch VN.
Lưu Quang Vũ mất trong tai nạn bi thảm, có người lý giải kiểu tâm linh: Đụng đến cả trời, sao tránh khỏi mang vạ (Hồn Trương Ba da hàng thịt). Tôi và chúng ta cũng là một đỉnh khác của Nhà hát Kịch Hà Nội với diễn xuất của Trần Vân- người sở hữu giọng nói và gương mặt ấm áp, làm xiêu lòng bao bạn diễn nữ và khán giả hai miền. Nhìn hàng người dằng dặc trong bức ảnh tư liệu kia thì biết.
Câu thơ tình ám ảnh của chàng trai Hà Nội hào hoa Lưu Quang Vũ: Những điều em cần anh không có/Em không màng những ngọn gió anh trao. Đến lúc những điều em cần anh đã có, thì “muộn rồi, nước mắt”.
Anh- Lưu Quang Vũ, cũng là chứng nhân tiêu biểu của thời gian khổ, cái khó bó cái khôn, bất lực “như một con rùa bị lật ngửa” mãi mới thoát ra được.
Nếu thời bao cấp những nghề lạ lùng như mạng sang sợi, ruộm hấp (quần áo), bơm mực bút bi, quấn thuốc lá, lộn cổ sơ-mi... khá phổ biến, thì sự mặc cũng đồng điệu kỳ lạ.
Ăn uống giống nhau nên cá tính hơi ít, và gu giống nhau. Mỗi tháng vài lạng thức ăn chín và cá bể ướp đá mua bằng phiếu, dăm bìa đậu phụ, đĩa tôm riu hoặc lạc rang mặn có ngào chút đường...Tết đến mỗi nhà gia công một cân quy gai một cân quy xốp.
Chen chúc từ sớm ở Bách hóa Tổng hợp để mua bằng được gói hàng Tết bao gồm mứt lạc mứt bí, bóng bì... Nhà nào cũng giống nhà nào kể cả nồi chè kho đêm ba mươi. Tiêu chí nhà giàu đó là “giò chả ngập răng”, “ăn thịt nhả bã”.
Quay lại chuyện mặc. Được chuộng nhất một thời là áo lính của các nước như áo bay, áo “Na-tô” hoặc blu-dông Nam Triều Tiên, áo lông Đức... Mỗi người một áo lông màu cỏ úa hoặc màu bộ đội, màu tím than, gọi đùa rằng “như quỷ xuất chuồng ấy nhỉ” nhưng ánh mắt không giấu nổi tự hào.
Cho đến giữa thập kỷ 80, áo lông Đức mà lại ngồi trên Cúp tôm (CUSTOM) màu su hào, màu cát vàng hoặc ngồi trên DD, DE đỏ thì cứ gọi là hot boy hot girl, người hùng thời đại, oai như cóc tía.
Chị Thủy chánh văn phòng báo Tiền Phong có lần ngắm nghía rồi bảo tôi: Cái áo len em mặc chất liệu giống sợi bảo ngày xưa quá! Ôi trời ôi, cái áo sợi bảo màu xanh có pha vài vạch ngang trên ngực, hồi ức ăn diện ngất trời của cả một lứa nhi đồng chúng tôi, không phải loại kỷ niệm khắc dấu mạn thuyền! Đứa nào chả có một chiếc mua ở Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền ngoài 1- 2 bộ quần áo một năm, thửa ở chuỗi cửa hàng may đo mậu dịch Đức Hạnh (phố Hàng Trống).
Vào khoảng đầu thập kỷ 90, đọc cuốn Trở lại thiên đàng của Elia Kazan tôi nói với Thanh Hà (báo Nhân Dân) rằng nếu đọc cuốn này sớm có lẽ đã sống khác, thoáng hơn.
Chị Hà bảo chị được đọc những cuốn như thế rất sớm do người thân mang từ miền Nam ra sau giải phóng “cho nên chị mới được thế này chứ”.
Dần dà rồi cũng đọc hết Alexi Jorba con người hoan lạc, Bay trên tổ chim cúc cu, Của chuột và người... Văn học dịch thời chúng tôi học phổ thông và đại học cũng phong phú nhưng rõ ràng chưa đủ.
Ngoài tác phẩm kinh điển, có hơi ít truyện “giải ngố”. Những năm cuối thập kỷ 1970 đầu 1980 sách gây sốt nhất chỉ là Hãy để ngày ấy lụi tàn, Jenny Ghechac, Jane Eyre, Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió... Sau đó là Trò đùa, Thao thức... Ngoài các tên tuổi văn học Xô-Viết và Pháp, Anh gối đầu giường.
Phim ảnh xã hội chủ nghĩa thì ấn tượng Thầy lang, Con hủi của Ba Lan; Cánh cửa mở rộng của Tiệp Khắc. Phim Liên - Xô ti vi phát đi phát lại Moskva không tin những giọt nước mắt trong khi ngoài rạp chiếu Tấn thảm kịch trong buổi đi săn, Những tên cướp biển của thế kỷ 20.
|
Xa hơn nữa, phim Liên Xô ai cũng xem Người báo thù cuối cùng, Ngày mai thì sẽ muộn, Ruslan và Lutmila, Trẻ mãi không già, Nàng Varvara xinh đẹp... Phim Đức đáng nhớ nhất những phim dòng da đỏ do Gojko Mitic người Nam Tư đóng riêng hoặc đóng chung với Dean Reed người Mỹ định cư ở Đức: Ôt-skê-ô-la, Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại, Hai anh em chung một dòng máu... Ai cũng biết và thần tượng “Tô-kai-tô” (Gojko Mitic) đẹp trai kiểu da đỏ, gần bằng ngày trước thần tượng Đây-a-nốp.
Sau, dòng phim này bị người Đức (hậu Bức tường Berlin) chê là tuyên truyền lộ liễu. Phim truyền hình dài tập đình đám nhất đương nhiên là Bạch tuộc, “hot” y như Trên từng cây số, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân ngày xưa.
Những phim nhựa như Alabama là cuộc cách mạng về tình dục, chỉ được chiếu diện hẹp để “nghiên cứu”. Thủy hử - phim điện ảnh Trung Quốc, gây ấn tượng cực mạnh ở các rạp.Tại Trung Quốc nhiều người gọi nguyên tác Thủy hử là “tiểu thuyết khủng bố”.
|
Đến những năm 2000 lại bắt đầu xem lại phim Nga, thấy Nikita Mikhalkov đã phục hồi danh dự cho điện ảnh Nga bằng những tác phẩm như Mặt trời thiêu đốt. Không kém cạnh phim 5 sao của Mỹ và không còn bệnh nói nhiều của điện ảnh Xô-Viết một thời.
Có thể bây giờ không đủ kiên nhẫn xem lại những bộ phim, cuốn sách ngày đó - như vừa rồi xem lại một số tập Bạch tuộc, ấu trĩ ra phết. Song ký ức thì vẫn cứ ở đấy- không thiếu êm đềm. Hoàn toàn không phải chuyện “Cái bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn bánh bao bây giờ” (Lỗ Tấn).
Theo Dương Phương Vinh / Tiền Phong
>> VietJet Air nói về clip "ăn mặc mát mẻ nhảy múa trên máy bay
>> Công nương Kate Middleton ăn mặc đẹp nhất thế giới
>> Mark Zuckerberg bị chỉ trích vì ăn mặc tuềnh toàng
>> Xử phạt nghiêm các ca sĩ ăn mặc phản cảm
>> Ăn mặc quá “mát”, người mẫu xe hơi bị chỉ trích
Bình luận (0)