'Án mạng lầu 4': Lương Bích Hữu đóng phim điện ảnh ra sao?

16/05/2024 15:14 GMT+7

'Án mạng lầu 4' lấy cảm hứng từ phim Iran 'Melbourne' (2014) đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn sau 'Mặt trời con ở đâu'. Đây cũng là phim điện ảnh đầu tiên của ca sĩ Lương Bích Hữu - một cái tên còn khá mới mẻ trong lĩnh vực diễn xuất.

Ngay từ đoạn mở đầu, khán giả đã bị cuốn hút bởi sự mâu thuẫn đầy kịch tính: Trong khi đang chuẩn bị sang Canada định cư, Thắng (Trương Thế Vinh) và vợ Đình Đình (Lương Bích Hữu) vô tình trông giúp đứa bé sơ sinh của người hàng xóm. Sau đó, họ phát hiện đứa trẻ đã chết một cách bí ẩn. Ai mới là hung thủ thực sự? Và lý do đằng sau là gì?

Án mạng lầu 4 là phim điện ảnh đầu tay của ca sĩ Lương Bích Hữu

Án mạng lầu 4 là phim điện ảnh đầu tay của ca sĩ Lương Bích Hữu

Galaxy Studios

Khai thác thể loại 'Whodunit'

“Whodunit” (Ai là thủ phạm) là phân khúc phim trinh thám được ưa chuộng ở điện ảnh phương Tây. Dõi theo hành trình nhân vật, người xem dần được hé lộ các bằng chứng, từ đó truy ra kẻ thủ ác. Ở Việt Nam chủ đề này vẫn còn khá mới.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn tỏ ra chắc tay khi lần đầu tiên thể nghiệm dòng phim này, biết cách khai thác tốt các chi tiết nhỏ để gây ra nhiều tình huống căng thẳng, mâu thuẫn xoay quanh vụ án mạng bí ẩn. Nhà làm phim biết cách đẩy cao nhịp điệu căng thẳng qua những chi tiết tưởng chừng vô hại như tiếng gõ cửa liên tục của người lạ, hay những lời nói dối của người chồng dần đẩy câu chuyện tồi tệ hơn. Mỗi lần có tiếng động, người xem lại thót tim cùng nhân vật vì không biết vị khách tiếp theo sẽ là ai, việc gì đang đợi phía trước.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn xây dựng yếu tố kịch tính hiệu quả

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn xây dựng yếu tố kịch tính hiệu quả

Galaxy Studios

Bên cạnh đó, các góc máy, màu phim cùng bối cảnh chung cư được đầu tư khá công phu, mang đến không gian rộng mở nhưng cũng tạo cảm giác bí bách, ngột ngạt giữa những con người xa lạ. Nhiều cảnh quay đẹp mắt, cùng tông màu hoài cổ tạo nên cảm giác phim kinh dị, trinh thám kiểu Hồng Kông xưa.

Về phần diễn xuất, Trương Thế Vinh có sự đột phá khi thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc đa dạng hơn qua điệu bộ, cơ mặt và lối diễn không còn thô cứng như các phim trước. Anh khắc họa được chân dung một người chồng có khuynh hướng gia trưởng, coi trọng lợi ích cá nhân.

Trong khi đó, Lương Bích Hữu cũng gây ấn tượng với những nỗ lực thể hiện được phần nào những rung cảm phức tạp của Đình Đình - từ một người vợ nhu nhược ngoan ngoãn đến khi đưa ra những quyết định táo bạo. Dù có vài phân cảnh “lên gân”, song người xem có thể cảm nhận được diễn xuất của giọng ca Cô gái Trung Hoa dần hoàn thiện theo diễn biến phim. Đoạn cô hát ru đứa trẻ đã khuất là một trong những khoảnh khắc xúc động hiếm hoi của tác phẩm.

Lương Bích Hữu còn nhiều hạn chế trong diễn xuất, nhưng tổng thể sự cố gắng của cô đáng được ghi nhận

Lương Bích Hữu còn nhiều hạn chế trong diễn xuất, nhưng tổng thể sự cố gắng của cô đáng được ghi nhận

Galaxy Studios

Phim cũng gây ấn tượng với cách phác họa các nhân vật chính đa chiều và mang nhiều sắc thái đan xen giữa thiện - ác. Các tuyến nhân vật được khắc họa sao cho rất khó có thể phân định rạch ròi phía nào đúng - phía nào sai trong vụ việc. Điều này khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, luôn gây được sự tò mò trong lòng khán giả.

Điểm trừ đến từ kịch bản ôm đồm, dàn diễn viên phụ mờ nhạt

Tuy nhiên, Án mạng lầu 4 cũng không tránh khỏi một vài nhược điểm. Mặc dù cách xây dựng tình huống căng thẳng được đánh giá cao, một số phân đoạn vẫn bị sắp đặt quá rõ. Chưa kể, ở nhiều cảnh, các nhân vật đã có lối thoát nhưng lại tự đẩy mình vào ngõ cụt bằng những lời nói quanh co, dối trá.

Về phần hội thoại, âm thanh nhiều đoạn chưa thực sự sắc nét, đặc biệt là các câu thoại của Lương Bích Hữu. Cũng có đôi chỗ, đạo diễn cố gắng cài cắm những thông điệp khác như sự khó khăn khi ra nước ngoài định cư... nhưng lại thiếu sự gắn kết với mạch chính.

Do kịch bản bị ôm đồm, phim có nhiều tình tiết thừa thãi

Do kịch bản bị ôm đồm, phim có nhiều tình tiết thừa thãi

Galaxy Studios

Ngoài hai gương mặt chính là Trương Thế Vinh và Lương Bích Hữu, phần lớn dàn nhân vật còn lại của Án mạng lầu 4 vẫn tỏ ra khá mờ nhạt, thậm chí có phần thừa thãi. Trong khi nhân vật chính và một số nhân vật trực tiếp liên quan đến cái chết của đứa bé được khai thác kỹ lưỡng, nhiều gương mặt phụ chỉ đơn thuần lướt qua, vai trò hầu như không đáng kể. Điều này khiến tác phẩm đôi chỗ bị thiếu đi sự gắn kết, liền mạch cần thiết.

Nhìn chung, Án mạng lầu 4 là một tác phẩm đáng trải nghiệm, đánh dấu bước khởi đầu thành công của Nguyễn Hữu Tuấn với dòng phim trinh thám. Dù vẫn còn một số điểm cần khắc phục, nhưng tổng thể tác phẩm có nhiều điểm sáng, đáng để khán giả để dõi theo những dự án tiếp theo của ê kíp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.