Ngày 29.10, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cùng người đồng cấp Ấn Độ S.M. Krishna tham dự Đối thoại chiến lược song phương lần thứ 5 tại Tokyo. Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm lĩnh vực quốc phòng và thương mại, theo hãng tin Press Trust of India (PTI). Ông Gemba nhấn mạnh sự cần thiết đẩy mạnh quan hệ an ninh biển và chống hải tặc, còn Ngoại trưởng Krishna đề nghị với phía Nhật khả năng hải quân hai nước tập trận chung bên cạnh các cuộc diễn tập đa phương. “Bộ trưởng Quốc phòng của chúng tôi sẽ đến Tokyo trong vài ngày tới để thảo luận chi tiết về vấn đề này”, PTI dẫn lời ông Krishna cho hay. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony sẽ có chuyến thăm Nhật vào ngày 2.11 nhằm nâng cao quan hệ quốc phòng với nước chủ nhà. Dự kiến, ông Antony và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasuo Ichikawa sẽ thảo luận về an ninh khu vực, an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo…
|
Trong cuộc đối thoại ngày 29.10, hai bên còn đồng ý cùng đẩy mạnh khai thác quặng đất hiếm ở Ấn Độ, theo hãng tin Jiji. Bước tiến này đạt được giữa lúc Trung Quốc, nước kiểm soát 90% nguồn cung đất hiếm trên thế giới, thắt chặt hạn ngạch xuất khẩu tài nguyên này. Ngoài ra, ông Gemba thông báo hai nước sẽ xúc tiến đàm phán về thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, cho phép Nhật xuất khẩu công nghệ hạt nhân tới Ấn Độ. Trước đó, đàm phán trì hoãn do cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy điện Fukushima số 1.
Đối thoại Nhật Bản - Ấn Độ diễn ra giữa lúc hai nước muốn tăng cường quan hệ an ninh sau những diễn biến đáng quan ngại trong khu vực. Trong cuộc gặp hồi tháng 9, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng cấp Nhật Yoshihiko Noda tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác về an ninh biển. Dự kiến, ông Noda sẽ đến New Delhi vào cuối tháng 12.
Ấn - Trung sẽ hội đàm về biên giới Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 15 về biên giới vào ngày 28 - 29.11. Theo IANS, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc sẽ đến New Delhi để thảo luận với Cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon của nước chủ nhà. Dự kiến, 2 bên sẽ thiết lập một cơ chế biên giới chung nhằm duy trì hòa bình trên đường biên giới dài 3.500 km. Theo IANS, 14 vòng đàm phán trước chưa tạo đột phá để giải quyết tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ. |
Văn Khoa
Bình luận (0)