An ninh châu Á trước thềm bầu cử Mỹ

02/10/2016 08:02 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định nước này sẽ tiếp tục các kế hoạch bảo đảm an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu trên được đưa ra ngày 1.10 trong cuộc họp cuối cùng giữa ông Carter và những người đồng cấp ASEAN dưới thời Tổng thống Barack Obama, người khởi xướng chiến lược tái cân bằng chuyển phần lớn sức mạnh quân sự của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2011. Chiến lược này đã đi qua 2 giai đoạn với giai đoạn 2 bắt đầu năm 2015 và sắp tới là giai đoạn 3. “Trong giai đoạn kế tiếp này, Lầu Năm Góc sẽ triển khai các bước nhằm kích hoạt mạng lưới an ninh bao gộp và có nguyên tắc trong khu vực”, Bộ trưởng Carter nói trong phát biểu khai mạc cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ ở Hawaii sáng 1.10 (giờ VN).
Khái niệm về mạng lưới này được ông Carter đề cập lần đầu tại Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng 6.2016 ở Singapore. Đây được hiểu là một khuôn khổ hợp tác an ninh, quân sự không chỉ giữa các quốc gia đồng minh và đối tác, mà còn mở cho bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia trên tinh thần thượng tôn công pháp quốc tế. Dĩ nhiên, trong đó, Mỹ giữ vai trò chủ đạo, sẵn sàng hỗ trợ các thành viên từ khí tài đến huấn luyện, chia sẻ thông tin.
Chuyên gia an ninh biển tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS, Singapore) Collin Koh Swee Lean nhìn nhận với Thanh Niên rằng đây là một nỗ lực khác của Mỹ nhằm tạo “không khí thân thiện” hơn, bên cạnh chiến lược tái cân bằng vốn khiến Trung Quốc khó chịu.
Để hiện thực hóa chủ trương này, ông Carter cho biết: “Các bước tiếp theo sẽ bảo đảm Mỹ và mạng lưới an ninh này có đầy đủ nhân lực, vật lực, bệ đỡ, các kế hoạch và kinh nghiệm nhằm đảm bảo châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là nơi mọi người đều trỗi lên, thịnh vượng”. “Mỹ muốn giúp tất cả các quốc gia chúng ta nhìn thấy, chia sẻ và hành động nhiều hơn để bảo đảm các tuyến hải hành trong khu vực Đông Nam Á luôn mở và an toàn”, bởi “trên mặt trận an ninh biển, các tuyến hải hành mở là điều kiện sống còn để duy trì nền kinh tế năng động của khu vực”, chủ nhân Lầu Năm Góc nói thêm.
Bên cạnh điểm nóng Biển Đông mà Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đề nghị “phải giải quyết nhanh chóng”, các bộ trưởng cũng bàn sâu về nguy cơ an ninh phi truyền thống như cướp biển và khủng bố trên biển. Phát biểu về mối lo này, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định VN làm hết sức mình để đảm bảo vùng biển do mình quản lý không có cướp, môi trường hòa bình, an toàn hàng hải cho mọi quốc gia khi đi qua.
Từ Hawaii, thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, cho Thanh Niên hay trong cuộc họp riêng về an ninh biển, phía Mỹ đề xuất các hoạt động tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đào tạo nhân lực, huấn luyện và tăng cường các cuộc diễn tập thực địa. Mỹ sẽ cử đại diện quốc phòng đến ASEAN để thúc đẩy các hợp tác và mời đại diện các nước ASEAN đến các trung tâm ứng phó thảm họa của Mỹ.
Bình luận về cuộc họp phi chính thức lần thứ hai diễn ra trên đất Mỹ này, tiến sĩ Collin Koh cho rằng nó có ý nghĩa đặc biệt. Tại đây, Lầu Năm Góc chính thức cam kết sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh khu vực vốn đang đối mặt với nhiều thách thức truyền thống lẫn phi truyền thống trong tâm thế bất an về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
“Nếu ứng viên Hillary Clinton thắng cử, như bà đã nói, các chính sách ngoại và sáng kiến của Tổng thống Obama có thể được tiếp tục; nhưng nếu Donald Trump thắng, có thể ông ấy sẽ dẹp hết. Tuy nhiên, qua cuộc họp này, ông Carter đã trấn an các đồng nghiệp ASEAN rằng bất luận Clinton hay Trump trở thành tổng thống, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục những gì đã và đang làm”, tiến sĩ Koh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.