Trong suốt giai đoạn tập huấn vừa qua, sau 6 trận, nhẩm lại đã có đến 8 cái tên được HLV Toshiya Miura xoay vòng trao băng đội trưởng ở các trận giao hữu của U.23 Việt Nam.
Công Phượng đeo băng đội trưởng trận giao hữu với CLB Cerezo Osaka - Ảnh: Minh Tú
|
Trận đấu gặp U.23 Nhật Bản, trong đội hình xuất phát thì trung vệ Duy Khánh đã vào sân với băng đội trưởng trên tay. Sang hiệp 2, trọng trách này được trao cho Đức Huy, một trong những cầu thủ đa năng nhất của U.23 Việt Nam.
Trước đó, Thanh Bình là đội trưởng trong hiệp 1 trận gặp U.23 Yemen. Vào sân từ hiệp 2, khi HLV Miura thay người triệt để, nhiệm vụ này được giao cho hậu vệ phải Tấn Tài.
Trong cả 2 trận đấu, kể cả 4 cái tên được liệt kê, không một ai được xem là có uy quyền hoặc tầm ảnh hưởng tuyệt đối với đội bóng, nếu không muốn nói đều là những người khá hiền lành.
U.23 Việt Nam đang chuẩn bị những khâu cuối cho U.23 châu Á - Ảnh: Ngọc Linh
|
Thông thường, việc luân chuyển băng đội trưởng trong nội bộ một đội bóng sẽ gây sự chú ý bởi ý nghĩa cả về chuyên môn lẫn tinh thần của nó. Riêng U.23 Việt Nam, sự xáo trộn đó lại được chấp nhận khá bình thản.
Đó là một hiện tượng, bởi có lẽ đây chính là triều đại mà chiếc băng đội trưởng có lắm cuộc phiêu lưu đến vậy. Nhẩm tính lại, biểu tượng của lòng kiêu hãnh và tự hào của mỗi đội bóng đã lần lượt đáp trên tay của 8 cái tên gồm 4 cầu thủ trên và những cái tên khác như Mạnh Hùng, Công Phượng, Thanh Bình, Duy Mạnh.
Điều này cũng là một phong cách “lạ” trong cách xây dựng triều đại cho mình của HLV Toshiya Miura.
Kể một chi tiết để hiểu rõ hơn phong cách của ông thầy người Nhật. Ở trận gặp U.23 Nhật Bản, sau khi đến sân HLV Miura mới công bố danh sách ai đá chính, ai dự bị. Trước đó, ông luôn chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc ai vào sân ở phút nào, thay cho ai đều được lập trình sẵn. Các trợ lý chỉ việc nhìn đồng hồ và tiến hành.
Ai sẽ đeo băng đội trưởng trận gặp U.23 Jordan vẫn là bí ẩn của HLV Miura - Ảnh: Ngọc Linh
|
Riêng với băng đội trưởng, phải khi cầu thủ 2 đội đã khởi động xong xuôi, lúc trận đấu chỉ còn 1-2 phút nữa sẽ bắt đầu, HLV Miura mới gọi trung vệ Duy Khánh lại và trao cho anh chiếc băng đội trưởng để cầu thủ Hà Nội T&T kịp thời chạy vào sân để làm thủ tục trao cờ lưu niệm với đội trưởng U.23 Nhật Bản.
“Có lẽ HLV Miura muốn chúng tôi giữ được sự tập trung, không bị xao nhãng, tranh chấp bởi những câu chuyện bên lề như đội trưởng hay thành phần ban cán sự.
Và cũng có thể ông ấy cũng muốn tạo một cảm giác rằng tại U.23 Việt Nam thì ai cũng sẽ có cơ hội, từ việc được giữ lại đến đeo băng đội trưởng”, một thành viên U.23 Việt Nam nhận định.
Tấn Tài đeo băng đội trưởng trận gặp U.23 Yemen - Ảnh Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar
|
Cũng phải nhắc thêm, hơn 1 năm qua, tại U.23 Việt Nam hầu như không có khái niệm ban cán sự. Nếu ở các triều đại trước, sau khi tập trung, toàn đội sẽ họp lại và bầu ra các chức đội trưởng, đội phó thì đến lượt Miura, ông là người toàn quyền quyết định, chỉ tên từng người tùy theo từng trận, từng đối thủ và mỗi hoàn cảnh.
Điều này thể hiện khá rõ ở SEA Games 28. Theo lời một số tuyển thủ U.23 Việt Nam kể lại, khi đó Quế Ngọc Hải là đội trưởng tuyệt đối trong mắt HLV Miura, không có đội phó. Đến khi anh vắng mặt, phải sát giờ đấu thì cả đội mới biết Mạnh Hùng sẽ đeo băng thay cho người đồng đội của mình tại SLNA.
Ở Qatar sắp tới, sẽ không ngạc nhiên nếu điều này được lặp lại và tên của người đội trưởng U.23 Việt Nam vẫn là ẩn số giữa những ứng viên hàng đầu như Mạnh Hùng, Thanh Hiền, Thanh Bình, Công Phượng.
Bình luận (0)