Hàng thực phẩm dồi dào
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Kim Em, Phó tổng giám đốc Công ty thực phẩm Ba Huân, cho biết đã khảo sát một số chợ, siêu thị và tình hình là hàng hóa tết khá trầm lắng đối với các mặt hàng hóa mỹ phẩm, giày dép… Tuy nhiên tình hình tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là trứng gia cầm vẫn đang diễn ra bình thường do đây là mặt hàng thiết yếu, luôn được người tiêu dùng (NTD) ưu tiên mua sắm. Giá trứng năm nay vẫn được TP.HCM đưa vào chương trình bình ổn 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết nên được đảm bảo giữ nguyên theo cam kết. Về vùng nguyên liệu thì Ba Huân có hệ thống trang trại và nhà máy nên cũng sẽ đảm bảo cung cấp đủ theo cam kết của chương trình. “Nhưng chúng tôi cũng có kiến nghị là các hệ thống siêu thị nên ưu tiên vị trí thuận lợi dành cho sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá vì thực tế lợi nhuận của chúng tôi rất thấp”, bà Kim Em nói.
Hàng dồi dào, ưu đãi, khuyến mãi mạnh nhưng thị trường tết khởi động chậm do sức mua còn yếu |
Ngọc Dương |
Đối với mặt hàng dầu ăn, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty CP dầu thực vật Tường An, cho biết: “Trước những biến động của nền kinh tế thế giới cùng tác động của thị trường trong nước khiến NTD dè dặt hơn trong chi tiêu. Vì vậy, những sản phẩm thiết yếu như dầu ăn sẽ được cân nhắc để mua sắm nhiều hơn. Dự kiến sản lượng dầu ăn công ty đưa ra thị trường tết 2023 sẽ tăng 15% so với năm ngoái. Đặc biệt, dù giá nguyên liệu, lạm phát có dấu hiệu tăng, sản phẩm vẫn sẽ giữ nguyên giá bán, đồng thời triển khai chương trình khuyến mãi đặc biệt là khi khách hàng mua hộp quà tết…”.
Hàng dồi dào, ưu đãi, khuyến mãi mạnh nhưng thị trường tết khởi động chậm do sức mua còn yếu |
NGỌC DƯƠNG |
Siêu thị khuyến mãi mạnh
Không chỉ các công ty sản xuất, các nhà bán lẻ cũng chuẩn bị khá kỹ cho dịp tết. Trong đó, khuyến mãi, giảm giá để kích sức mua cũng như hỗ trợ NTD trong một năm được đánh giá khó khăn là điểm nổi bật của các hệ thống siêu thị lớn trên thị trường.
Bà Nguyễn Lê Hồng Xuân, Phó giám đốc hệ thống Co.op Food, chia sẻ: “Hệ thống cửa hàng thực phẩm Co.op Food đã khởi động sớm chuỗi chương trình kinh doanh mùa tết 2023 với chủ đề “Khai Xuân Xanh - Gieo Lộc Lành” giảm giá từ 20 - 50% cho gần 25.000 sản phẩm hàng hóa. Trong chuỗi chương trình kinh doanh tết, hệ thống Co.op Food giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, luân phiên giảm giá mỗi ngày với khuyến mãi mua 1 tặng 1 (rau gói, trái cây đóng hộp/vỉ…); giảm giá các mặt hàng thực phẩm công nghệ, hàng hóa mỹ phẩm; giảm giá sâu cho các sản phẩm nước giặt, bột giặt, nước xả, nước lau sàn đến từ các thương hiệu nổi tiếng. Co.op Food cũng áp dụng chương trình khuyến mãi tết cho các mặt hàng giỏ quà tết với mức giá từ 199.000 - 999.000 đồng và giảm giá 10 - 20% các sản phẩm bánh mứt đặc trưng từng miền”.
Không khí tết cũng xuất hiện rộn ràng ở hàng loạt siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM như MM Mega Market, Satramart…, với hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market VN tỏ ra khá lạc quan: “Khi những khó khăn của 2 năm trước dần qua đi, NTD cũng mong muốn một cái tết được đầy đủ và tươm tất hơn, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. MM Mega Market dự đoán sức mua năm nay tăng từ 10 - 20% so với dịp tết 2022”. Vì thế để chuẩn bị cho dịp tết 2023, MM Mega Market lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20 - 30% lượng hàng so với tết 2022 và tăng từ 40 - 50% so với ngày bình thường. Riêng mặt hàng tươi sống và ngành hàng bánh kẹo tăng khoảng 100% so với những tháng bình thường.
Nhà sản xuất phập phồng
Thông thường, cuối năm luôn là thời điểm thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên sức mua năm nay vẫn là một ẩn số. Điều này phản ánh rõ nét nhất là thị trường thịt heo. Là sản phẩm thiết yếu, chủ lực trong dịp tết nhưng giá heo hơi đang ở mức thấp, người nuôi thua lỗ. Tình trạng trầm trọng đến mức, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng treo chuồng có thể xảy ra trên diện rộng. Cũng rất hiếm năm nào, chỉ còn cách tết hơn 1 tháng mà cơ quan quản lý còn phải họp bàn giải pháp để cứu giá thịt heo như năm nay.
Ghi nhận thực tế cho thấy tình hình mua sắm của NTD trong thời điểm hiện nay vẫn chưa tăng cao, ngay cả với sản phẩm thiết yếu. Thế nên các DN cung ứng cũng như ngồi trên đống lửa. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thừa nhận: “Trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì quả trứng lại được tiêu thụ tốt vì giá rẻ hơn so với các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, trong cơ cấu sản phẩm thì trứng tươi dành cho hộ gia đình chiếm khoảng 50 - 60%, phần còn lại là kênh tiêu thụ chế biến thực phẩm công nghiệp. Và phân khúc này lại giảm mạnh trong thời gian gần đây, có thể vì NTD thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm”. Theo ông Trương Chí Thiện, hàng hóa thực phẩm dịp tết năm nay khá dồi dào, giá bán cũng được bình ổn. Tuy nhiên sức mua thị trường tết năm nay vẫn là một ẩn số khi người lao động chưa biết tình hình lương, thưởng thế nào.
Lo lắng NTD thắt chặt hầu bao, nhiều nhà sản xuất đã chủ động điều tiết lại kế hoạch sản lượng. Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty Liên kết thương mại Toàn Cầu, nhận định: “Ngành hàng thực phẩm chế biến năm nay rất khó khăn, sản lượng chuẩn bị cho dịp tết năm nay cũng giảm từ 30 - 50% vì nhiều DN thiếu vốn. Bên cạnh đó dự báo sức mua năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều DN, trong đó công ty tôi đã chủ động điều chỉnh sản lượng để vừa đủ cung ứng”.
Đại diện hệ thống siêu thị Lotte cho biết: “Thị trường từ cuối quý 3 đến nay, sức mua đang có dấu hiệu chững lại. Thông tin người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do đơn hàng xuất khẩu giảm... do đó, các nhà kinh doanh sẽ phải đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, thậm chí nhiều nhóm hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm đảm bảo kế hoạch tiêu thụ đề ra trước đó”.
Dự báo sức mua tăng từ 10 - 20%
Các DN và hệ thống bán lẻ lớn tại TP.HCM dự báo sức mua tết năm nay tăng từ 10 - 20% so với năm trước. Ở thời điểm hiện tại, nguồn hàng tết đã sẵn sàng, mức giá bán ra được đảm bảo tốt nhất, hỗ trợ tối đa NTD trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, TP.HCM còn triển khai hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm, khuyến mãi tập trung diễn ra liên tục từ nay đến cận Tết Nguyên đán 2023, tạo điều kiện cho đông đảo NTD được tiếp cận nguồn hàng giá phải chăng.
Theo Sở Công thương TP.HCM, thành phố sẽ chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa lương thực, thực phẩm phục vụ tết. Cụ thể, nguồn lương thực thành phố sẽ cần là hơn 5.200 tấn; đường 2.000 tấn; dầu ăn 2.300 tấn; thịt gia súc hơn 5.600 tấn; thịt gia cầm gần 8.500 tấn; trứng gia cầm hơn 50 triệu quả. Tổng nguồn hàng chế biến là 1.400 tấn, trong đó rau củ quả hơn 9.000 tấn; thủy hải sản gần 300 tấn; gia vị 1.600 tấn.
Bình luận (0)