Hàng tết dồi dào, sức mua không cao

26/01/2022 06:56 GMT+7

Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều nơi, dù chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán .

Chưa năm nào ế như năm nay

Điển hình, phố Hàng Buồm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi vốn được xem là “thiên đường của bánh mứt kẹo” - vẫn đìu hiu. Trưa 25.1, thời điểm được coi là đông khách nhất trong ngày cũng chỉ có lác đác khách dừng xe mua sắm. Hàng trăm loại mặt hàng, từ bánh, mứt, kẹo nhập ngoại, đến sản phẩm bình dân… đều ê hề, chất cao như núi, trong khi những người bán hàng ngồi thẫn thờ, tâm trạng buồn thiu ngóng khách. Mặc dù đã dự tính sức mua mùa tết giảm sút, nhập hàng ít hơn, song nhiều chủ cửa hàng không ngờ khách lại vắng đến vậy.

Các hệ thống bán lẻ đang đa dạng hóa sản phẩm và tăng khuyến mãi để hút khách

Tấn Thành

Chị Minh Nguyệt, chủ cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm, than thở: “Mọi năm, từ rằm tháng chạp đến tết lúc nào cũng nườm nượp khách từ sáng đến tối mịt, đông đến mức tắc hết cả đường. Chưa năm nào ế ẩm như năm nay, hàng hóa thì đầy, trong khi khách thì chẳng thấy đâu”.

Theo các tiểu thương, dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đường tăng cao, giá thành cũng tăng khoảng 10%, song các cửa hàng vẫn cố gắng không tăng giá cao để thu hút khách hàng. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, các cửa hàng đều phải thuê thêm nhân công bán hàng, gói quà trong mùa tết. Năm nay ế ẩm, nhiều chủ cửa hàng cắt giảm chi phí, tự đứng bán hàng. “Kinh tế khó khăn, khách hàng thắt chặt chi tiêu hơn trước. Đa phần mọi người chọn hàng trong nước sản xuất cho tiết kiệm. Khách mua trên vài triệu giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay”, một chủ cửa hàng tại phố Hàng Buồm cho biết.

Còn tại phố Nguyễn Sơn (Q.Long Biên, Hà Nội), thủ phủ của hàng ngoại “xách tay”, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Chị Hương Lê, một tiểu thương bán hàng tại đây, cho biết: “Nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể, người bán cũng không dám “ôm” hàng nhiều, sợ ế coi như mất tết. Rượu vang những năm trước bán hàng theo thùng, năm nay bán tính theo chai. Hoa quả, giỏ quà tết các cơ quan, đơn vị mua số lượng lớn đi biếu cũng giảm đến 50%”.

Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị Winmart, BigC và GO!, Co.opmart, Hapro mart… tại Hà Nội, nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2022 tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường, giá cả ổn định. Do dịch Covid-19, lượng khách hàng trực tiếp mua sắm tại hệ thống siêu thị không tăng so với năm trước. Để kích cầu tiêu dùng, các siêu thị còn tung ra các đợt khuyến mãi, giảm giá. Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC và GO! khu vực miền Bắc, cho biết: “Giá hàng hóa không những không tăng, mà còn giảm cùng nhiều chương trình khuyến mãi, từ 15 - 50%. Những ngày cuối năm, siêu thị sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cho các mặt hàng tươi sống, hàng nhập khẩu, trái cây nhập khẩu...”.

Đẩy mạnh khuyến mãi để thu hút khách

Tại TP.HCM tình hình cũng tương tự. Dù không khí mua sắm đã tăng lên, hàng hóa dồi dào, nhưng sức mua vẫn giảm so với mọi năm. Các tiểu thương ở chợ Bình Tây cho biết, so với các năm trước khi chưa có dịch thì sức mua chỉ bằng 1/3. Cô Ứng Thị Liên, chủ sạp bánh mứt tại chợ Bình Tây, chia sẻ sức mua ở chợ đang có dấu hiệu tăng lên, nhưng nếu so với trước khi có dịch thì lượng khách mua đã giảm nhiều. Doanh thu, tất nhiên, vì thế cũng giảm theo.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co-op Mart, cho biết tình hình sức mua năm nay tăng chậm và tăng trễ. Người dân chủ yếu sẽ tập trung mua sắm vào khoảng 1 tuần cuối cận tết thay vì cách 2 hay 3 tuần như trước. Do đó, Saigon Co.op đang phối hợp các nhà cung cấp tiếp tục tập trung thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục, cũng như tăng thêm nhiều quyền lợi cho khách hàng từ nay đến ngày cận tết. Dự báo, những ngày sắp tới người dân sẽ ưu tiên mua sắm thực phẩm nên hệ thống siêu thị này sẽ liên tục giảm giá từ 20 - 50% cho khoảng 100 mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm trữ mát, các loại thực phẩm sơ chế tiện lợi dành cho các buổi họp mặt, các loại bánh mứt tết. Đồng thời cũng sẽ giảm giá các mặt hàng vệ sinh trang trí nhà cửa như nước lau kính, nước lau sàn, nước giặt, nước xả và nhóm thịt trứng gia súc gia cầm.

Mọi năm, từ rằm tháng chạp đến tết lúc nào cũng nườm nượp khách từ sáng đến tối mịt, đông đến mức tắc hết cả đường. Chưa năm nào ế ẩm như năm nay, hàng hóa thì đầy, trong khi khách thì chẳng thấy đâu.

Chị Minh Nguyệt, chủ cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm

Tương tự, hệ thống siêu thị AEON Việt Nam cũng cho hay lượng khách hàng bắt đầu gia tăng. Ước tính, sức mua trong cuối tuần vừa qua cao hơn từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tuần này (1 tuần trước tết). Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm - AEON Việt Nam, cho rằng với những dấu hiệu tích cực của thị trường, công ty kỳ vọng sức mua năm nay sẽ tăng trung bình 20% so với năm trước đó. Hệ thống này cũng đã có kế hoạch tăng cường nguồn hàng, đảm bảo đầy đủ hàng hóa với giá cả ổn định, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tết gồm thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, gia cầm, rau củ, trái cây); thực phẩm khô (gạo, bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát…). Đồng thời triển khai nhiều ưu đãi hấp dẫn về giá, với nhiều chương trình ưu đãi tới 50 - 70% cho tất cả các ngành hàng, sản phẩm: từ thực phẩm, thời trang đến điện máy, đồ gia dụng…

Các nhóm hàng bảo đảm cung cầu trong dịp tết gồm: các thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt heo, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... cùng với đó là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp tết, như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng nằm trong danh sách chuẩn bị nguồn cung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.