Ăn tết lo thịt heo độc

04/01/2012 00:32 GMT+7

Báo cáo của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (thuộc Bộ Y tế) mới đây cho biết, qua kiểm tra 36 mẫu thịt heo tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam phát hiện đến 94,4% mẫu thịt bị nhiễm vi sinh (nhiễm E.coli, Staphylococcus aureus...).

Cụ thể có 16/18 mẫu thịt heo lấy ở TP.HCM, 5/5 mẫu ở tỉnh Tây Ninh, 5/5 mẫu ở tỉnh Long An, 4/4 mẫu ở TP.Cần Thơ, và 4/4 mẫu ở tỉnh Tiền Giang không đạt chỉ tiêu vi sinh.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 3.1, bác sĩ Vũ Trọng Thiện, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, nói: “Việc đi lấy các mẫu thịt heo là do cán bộ chuyên môn của Viện trực tiếp thực hiện, kể cả mẫu thịt ở các tỉnh, từ tháng 4 - 12.2011 và đưa về kiểm nghiệm tại Viện. Lấy mẫu ngẫu nhiên, khách quan, với thịt được bày bán tại nhiều chợ và một số xe bán trước các hộ gia đình. Một số mẫu thịt có đóng dấu kiểm dịch, một số không có. Mục đích là để khảo sát về mối nguy của thực phẩm này”.

 

 
Cán bộ thú y H.Bình Chánh (TP.HCM) bắt quả tang lò giết mổ "chui" sử dụng nguồn heo bệnh - Ảnh: Hoàng Việt

Còn theo Bộ NN-PTNT, kết quả giám sát trong năm 2011 cho thấy, có tới 254/817 mẫu thịt các loại qua kiểm tra vi phạm chỉ tiêu vi sinh (nhiễm Salmonella) và 162/817 mẫu nhiễm chỉ tiêu Staphylococcus aureus. 

Heo thuốc = heo độc

Theo Bộ NN-PTNT, trong số mẫu thịt heo kiểm tra nói trên, có 3 mẫu thịt có tồn dư chất kích thích tăng trưởng Clenbuterol.

Cảnh giác với “phần nạc bất thường”

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, người tiêu dùng cần biết một số đặc điểm để chọn lựa thịt heo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Heo được bày bán ở nơi đáng tin cậy; có đóng dấu kiểm dịch thú y; màu đỏ của thịt hơi hồng tự nhiên, không bị tím bầm, không có những nốt trắng giống hạt gạo; bên ngoài thịt hơi ướt nhưng không nhớt, không nhão, không bóng, không mùi lạ; nếu thịt có xương thì xương bám chắc vào thịt; và nếu thấy phần nạc heo dày bất thường, lớp mỡ thì quá mỏng cũng cần nghi ngờ.  

T.Tùng (ghi)

Ông H. (chủ một lò giết mổ heo tại TP.HCM) nói: “Heo thuốc là từ dân nuôi heo dùng chỉ heo được thúc bằng thuốc tăng trọng, tăng nạc. Loại thuốc này có màu trắng, thường chúng có xuất xứ từ Trung Quốc. Muốn mua thuốc này thường phải có người quen giới thiệu, thì đầu nậu mới bán. Heo được thúc thuốc sẽ rút ngắn thời gian nuôi đáng kể. Bình thường, chu kỳ một lứa heo nuôi mất 3,5 - 4 tháng, nhưng nuôi bằng thuốc chỉ mất khoảng 2,5 - 3 tháng là xuất chuồng được. Đặc biệt, heo thuốc rất dễ bán, bởi nạc nhiều, khi mổ tỷ lệ hao hụt thấp, giá bán lại cao nên thương lái chuộng mua loại heo này. Heo thuốc bao giờ cũng cao giá hơn heo mỡ ít nhất 3 giá (cao hơn 3.000 đồng/kg heo hơi) nên nhiều người nuôi theo cách dùng thuốc”.

Ông Văn Bầm, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, nêu thực trạng: “Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tạm lắng, nhưng gần đây, tình trạng này đang tái diễn bằng các cách thức tinh vi hơn. Người ta không trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi nữa mà bán riêng lẻ. Các chất này đang được bán ở rất nhiều nơi. Bây giờ đang là thời điểm heo được vỗ béo để bán ra trong dịp tết Nguyên đán, khả năng người chăn nuôi sử dụng các chất cấm là rất cao, vì chất này có tác dụng trong việc tăng tỷ lệ nạc và làm đẹp màu thịt”.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cũng nhìn nhận một bộ phận người chăn nuôi hiện nay, do ý thức về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hạn chế dẫn đến việc sử dụng không đúng cách thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng...

Tăng trọng, tăng nạc bất chấp hậu quả

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, phân tích: “Để tăng trọng, tăng lượng nạc cho heo, người ta thường dùng các chất Clenbuterol, Salbutamol, đây là những chất dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn, nhưng tác dụng phụ của nó là làm cho heo phát triển nở nang tăng trọng rất nhanh; và dùng hóa chất nhóm beta agonist - hóa chất này làm giảm tích lũy mỡ, tăng bắp cơ nạc”. Theo ông, những hóa chất dùng tăng trọng và làm heo “siêu nạc” có thể gây những biến loạn cơ thể không lường trước được. Riêng với nhóm hóa chất beta agonist thì có thể gây nguy hiểm cho người có tiền căn bệnh tim mạch.

Theo kinh nghiệm của tôi, loại thịt heo có lớp mỡ thật mỏng, lớp da cũng mỏng, và thịt nạc dày đến tận sát da thì nguy cơ là heo nuôi thuốc rất cao

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

Việc sử dụng hormone tăng trọng, hướng nạc cho động vật sẽ khiến người dùng thịt động vật đó lâu dài bị đảo lộn hormone. 70-80% hormone vào cơ thể vật nuôi sẽ tồn tại trong máu, do đó nếu ăn tiết canh heo thì người ăn sẽ hứng đủ độ đậm đặc của chất nguy hại này

GS-TS Nguyễn Công Khẩn
Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm

Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN, cũng khẳng định: “Chất người ta thúc heo thường là hóa chất dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người, và có thể thúc khi heo gần xuất chuồng. Việc sử dụng thịt heo có tồn dư hóa chất như thuốc kháng sinh, thuốc hen suyễn sẽ khiến người ta bị lờn thuốc và nhận lấy những tác dụng phụ do thuốc đó gây ra. Còn nếu sử dụng thịt bị lạm dụng hormone tăng trưởng lâu dài, con người sẽ bị rối loạn phát triển cơ thể, sinh lý…”.

GS-TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cũng cảnh báo: “Việc sử dụng hormone tăng trọng, hướng nạc cho động vật sẽ khiến người dùng thịt động vật đó lâu dài bị đảo lộn hormone. 70-80% hormone vào cơ thể vật nuôi sẽ tồn tại trong máu, do đó nếu ăn tiết canh heo thì người ăn sẽ hứng đủ độ đậm đặc của chất nguy hại. Các hormone tăng trưởng này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, tuy nhiên có thể người chăn nuôi vẫn sử dụng vì tăng lợi nhuận. Việc phát hiện vật nuôi chứa hormone độc hại trong thịt heo thương phẩm khó có thể nhận biết bằng cảm quan mà phải bằng xét nghiệm mẫu thực phẩm. Bởi vậy, để ngăn chặn cần phải kiểm soát tận gốc từ khâu chăn nuôi”.

Tương tự, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cũng cho rằng, bằng mắt thường người tiêu dùng không thể nhận biết được thịt heo nuôi bằng thuốc với thịt heo nuôi bình thường. “Theo kinh nghiệm của tôi, loại thịt heo có lớp mỡ thật mỏng, lớp da cũng mỏng, và thịt nạc dày đến tận sát da thì nguy cơ là heo nuôi thuốc rất cao”, ông Thảo khuyến cáo.

T.Tùng - L.Châu - Q.Duẩn - H.Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.