Được gia chủ - ông Hạng Páo Chơ (bản Xím Vàng, xã Xím Vàng) mời chào nhiệt tình từ nhiều ngày trước nên chúng tôi quyết định làm chuyến ngược lên Tây Bắc.
Hoa đào rừng nở rực trên cung đường Tây Bắc |
nguyễn duy |
Mùa đông ùa về đem theo cái rét căm căm trên những ngả đường Tây Bắc. Hành trình dài, gió rét làm cơ thể nhiều khi tê cóng lại, thỉnh thoảng chúng tôi lại phải dừng xe tạt vào một quán cóc bên đường để nhấp ngụm nước trà nóng cho ấm bụng rồi mới đi tiếp được.
Sau hành trình từ sáng sớm đến trưa, mọi người cũng tới xã Xím Vàng. Cuối tháng 12 dương lịch (tức đầu tháng 12 âm lịch) ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, Xím Vàng hiện ra đẹp lạ thường. Những cành đào rừng bên đường đã bung nở đỏ hồng, như chào đón du khách phương xa tới chiêm ngắm.
Trên những ngọn núi trùng trùng điệp điệp, sương mây hòa quyện vào nhau như chẳng muốn tan. Tới bản Xím Vàng, du khách chỉ còn nhìn thấy vài chục nóc nhà đơn sơ của người Mông nằm rải bên sườn núi.
Ở bản Xím Vàng, cũng như các thôn bản khác ở xã này có đến hơn 90% là đồng bào Mông định cư lâu đời. Những em bé người Mông hồn nhiên, tung tăng vui chơi bên đường, trước hiên nhà. Chúng mặc những bộ quần áo mới nhất được mẹ, bà vừa mua cho ở chợ phiên để chơi tết.
Dạo ngắm phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ trên bản non cao cả một buổi chiều rồi chúng tôi tìm đến nhà ông Hạng Páo Chơ. Ông và mọi người trong gia đình nồng nhiệt mời chúng tôi vào chơi.
Chủ nhà cầm con gà trống để cúng vào lúc 3 giờ sáng |
nguyễn duy |
Ông Chơ bảo, để cảm nhận không khí tết Mông mọi người nên ở lại bản vài ba ngày. Phong tục lâu đời của người Mông thì ngày tết sẽ bắt đầu vào ngày mồng 1 tháng 12 âm lịch (tức sớm hơn tết người Kinh đúng 1 tháng).
Người Mông ở Xím Vàng nói riêng và các bản Mông ở nơi khác nói chung thường đón tết trong vài ngày đầu tháng 12, có nơi diễn ra trong cả 1 tuần. Mọi gia đình người Mông sẽ thực hiện nghi thức cúng tết, sau đó quây quần ăn cơm, rồi đi chơi tết, chơi hội mùa xuân…
Màn đêm buông xuống bản vùng cao heo hút, sương muối giá lạnh tê tái lòng người lữ khách. Nhưng trong căn nhà của người Mông, hơi ấm bao trùm. Hơi ấm của những ánh lửa bập bùng, hơi ấm của tình người quây quần bên nhau trò chuyện, sẻ chia…
Đêm về chính là lúc nhà ông Chơ và các gia đình khác diễn ra nhiều sinh hoạt sôi động nhất. Phụ nữ, thanh niên khỏe mạnh bắt đầu giã bột trong những chiếc máng gỗ cỡ lớn từ chiều đến tối. Có bột và lá chuối tươi cắt sẵn, mấy chị em phụ nữ khéo tay bắt đầu nặn, gói bánh giày để cúng và ăn trong dịp tết Mông.
Chung tay cùng nhau làm bánh giày đón tết |
nguyễn duy |
Chị Sồng Thị Súa, đang gói bánh giày cười khơ khớ, rồi nói với chúng tôi: “Người dưới xuôi chắc thấy lạ lắm nhỉ, nhưng tết Mông truyền thống bắt buộc phải có bánh dày, chứ không phải bánh chưng như người Kinh đâu!”.
Cùng với làm bánh giày thì trước khi cúng lễ, gia đình người Mông sẽ xé bỏ những tờ giấy dán trên vách nhà gỗ xuống. Sau đó mọi người dán lên những tờ giấy mới. Những tờ giấy màu kiểu vàng mã này thường được người Mông dán ở những nơi trang trọng nhất trên ban thờ, ở khu vực giữa ngôi nhà trông ra cửa chính…
Bánh giày không thể thiếu trong dịp tết người Mông truyền thống |
nguyễn duy |
Mới tranh thủ chợp mắt được một lúc, thì ông Chơ gọi mọi người dậy. Đồng hồ báo hơn 3 giờ sáng một xíu, ông Chơ bảo lễ cúng chính thức bắt đầu rồi!
Người đàn ông trụ cột trong gia đình như ông Chơ (là chồng, cha, ông) sẽ đứng ra đảm nhiệm nghi thức cúng tết. Lễ cúng vô cùng thú vị và độc lạ với chúng tôi. Ông chủ nhà ôm một con gà trống lớn đang còn sống, cùng với vài nén hương đứng trước ban thờ để cúng.
Cúng xong lần 1, con gà trống được đem ra làm thịt luộc chín rồi cho lên đĩa đặt trên ban thờ để cúng tiếp lần 2. Sau một lúc, con gà đó tiếp tục được chặt miếng bày ra đĩa rồi đặt trên ban thờ cúng lần 3.
Chính giữa nền nhà dưới ban thờ, chúng tôi thấy có những tờ giấy được cắt thành từng mảnh, được xếp chùm hình vòng tròn. Có bao nhiêu con, cháu tham gia, chứng kiến lễ cúng thì sẽ xếp thành bấy nhiêu chùm. Chính giữa vòng tròn là đống giấy cũ được xé bỏ ở ban thờ cùng với chân hương cũ. Sau nghi thức đống giấy được chủ nhà đem đốt hết.
Ý nghĩa của lễ cúng gà 3 lần hay xếp giấy là để mời gọi thần linh, tổ tiên, những người đã mất về ăn tết, phù hộ cho gia đình. Nghi thức cúng đó còn nhằm xua đuổi tà ma, những vận xúi quẩn trong năm cũ để chào đón điều tốt lành cho năm mới.
Khi những nghi thức kết thúc thì trời cũng bắt đầu sáng, lúc này mọi người sắp mâm cơm tết ra chiếu cùng nhau quây quần ăn uống.
Nghi thức chuẩn bị lễ cúng trong ngôi nhà người Mông ở bản Xím Vàng |
nguyễn duy |
Khách và gia chủ cùng nhau nhâm nhi chén rượu ngô ấm bụng. Nắng dần nhô cao, mọi người còn dọn mâm cơm ra ngoài sân để vừa ăn vừa tắm nắng cho ấm. Bà con bắt đầu từ nhà này sang nhà khác giao lưu, chúc tết, không khí hân hoan rộn ràng cả một góc núi. Những ngày trong tết Mông, một số lễ hội trò chơi sẽ được diễn ra ở các bản như: ném pao, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tulu (đánh quay), đá bóng, đánh bóng chuyền...
Cùng với không khí vui tươi, những nét thú vị trong tết Mông, chúng tôi còn cảm nhận được cuộc sống vật chất, tinh thần của bà con đã đổi thay. Đa số các hộ đều có thóc trữ trong bao, ngô treo đầy trên vách nhà, có thịt ăn tết, nhiều gia đình có xe máy, tủ lạnh, tivi… Còn bọn trẻ con thì được đi học, được mặc đồ mới chơi tết…
Bình luận (0)