Ăn thế nào để đạt chiều cao tối đa?

15/04/2007 22:34 GMT+7

Ba giai đoạn có tính chất quyết định về chiều cao là: trong bào thai, từ sơ sinh - 3 tuổi và giai đoạn dậy thì. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng trong 3 giai đoạn này là đặc biệt quan trọng. BS Đào Thị Yến Thủy (ảnh), Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết:

> Làm thế nào để thanh niên Việt Nam cao hơn, khỏe hơn?
>
Thể thao cải thiện cơ thể

- Giai đoạn trong bào thai, người mẹ cố gắng tăng 10 - 12 kg để bé sơ sinh đạt được chiều cao 50 cm lúc chào đời. Giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi, năm thứ nhất bé tăng 25 cm, hai năm kế tiếp mỗi năm tăng 10 cm. Trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (10 - 16 tuổi đối với nam và 12 - 18 tuổi đối với nữ) thì sẽ có 1 - 2 năm chiều cao tăng vọt từ 8 - 12 cm/năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, không thể dự đoán được chính xác đó là năm nào nên vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ suốt trong giai đoạn này vì đây là cơ hội cuối cùng để tăng chiều cao. Sau dậy thì, cơ thể sẽ tăng cao rất chậm.

* Có thể dự đoán chiều cao lúc trưởng thành của trẻ không, thưa BS?

 - Chiều cao lúc trưởng thành của trẻ thường được các nhà chuyên môn dự đoán bằng hai công thức sau: Chiều cao lúc trưởng thành = chiều cao lúc 2 tuổi x 2 (ví dụ: lúc 24 tháng bé cao 85 cm, dự đoán bé sẽ cao 170 cm lúc trưởng thành nếu tiếp tục được nuôi dưỡng tốt). Chiều cao lúc trưởng thành = chiều cao lúc 10 tuổi: 80 x 100 (ví dụ: lúc 10 tuổi trẻ cao 140 cm thì khi trưởng thành sẽ đạt 175 cm).

* Theo bà thì cần chú ý gì trong chế độ ăn để đạt chiều cao tối đa?

"Để tăng trưởng chiều cao được liên tục, trẻ trước tiên phải được nhận đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, ăn uống đủ lượng, đủ chất để không suy dinh dưỡng, còi cọc hay thiếu vi chất...".

- Để tăng trưởng chiều cao được liên tục, trẻ trước tiên phải được nhận đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, ăn uống đủ lượng, đủ chất để không suy dinh dưỡng, còi cọc hay thiếu vi chất... Về khía cạnh dinh dưỡng, cần đặc biệt chú ý đến các chất dinh dưỡng đã được các nhà khoa học chứng minh là có liên quan đến sự tăng trưởng chiều cao như protein (đạm), vitamin A, vitamin D, lysin, canxi, sắt, kẽm, iốt... Ngủ đủ giấc, vận động thể dục thể thao thường xuyên trong ánh nắng mặt trời, phòng tránh bệnh tật... là những điều kiện để trẻ phát huy tối đa tiềm năng chiều cao mà di truyền cho phép.

* Nhiều người cho rằng trẻ béo phì là do sữa. Vậy có nên ngừng cho trẻ béo phì uống sữa hay không?

 - Thực chất sữa chỉ góp phần nhỏ trong vấn đề này. Trẻ béo phì thèm ăn tất cả và đa số trẻ dư năng lượng là từ cơm và chất béo từ dầu mỡ. Đối với trẻ dư cân ít, nên cho trẻ sử dụng các loại sữa tươi không đường. Đối với trẻ béo phì, nên chọn loại sữa tách béo (sữa gầy, sữa không béo, sữa tách bơ... dành cho trẻ trên 6 tuổi). Trẻ béo phì vẫn cần nhận đủ lượng canxi cần thiết cho việc tăng chiều cao của cơ thể.

P.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.