'Ăn theo' mùa nước nổi: Rộn rịp chuột đồng

18/09/2018 08:34 GMT+7

Gọi là 'chợ chuột' nhưng thực ra đó là một xóm nhỏ, nhà cửa cất san sát ven bờ kênh với đa số cư dân chuyên làm nghề săn bắt, sơ chế và mua bán thịt chuột đồng nổi tiếng khắp miền Tây.

Trên đường từ TP.Long Xuyên đi Châu Đốc (An Giang), đến H.Châu Phú mọi người dễ dàng nhận ra một khu chợ buôn bán sôi động nằm dọc theo con kênh Quốc Gia thuộc ấp Bình Chánh, xã Bình Long, bên trái QL91. Đó là chợ chuột Phù Dật.
Chợ chuột lớn nhất miền Tây
Gọi là “chợ chuột” nhưng thực ra đó là một xóm nhỏ, nhà cửa cất san sát ven bờ kênh với đa số cư dân chuyên làm nghề săn bắt, sơ chế và mua bán thịt chuột đồng nổi tiếng khắp miền Tây.
[VIDEO] Nhộn nhịp chợ chuột miền Tây mùa nước nổi
Ông Lê Văn Mạo (60 tuổi), người đã gắn bó với nghề gần 30 năm, hướng dẫn chúng tôi: “Cứ đi dọc theo bờ kinh, thấy chỗ nào che lều trại, xung quanh chất đầy lồng nhốt chuột, thì đó là những nhà sống bằng nghề làm chuột”.
Ông Mạo cho biết vài tuần trước khi nước lũ từ thượng nguồn mới đổ về, cứ khoảng 3 - 4 giờ chiều, xe chở chuột từ các nơi tập kết về đây rất nhiều. Mỗi xe chở chừng vài chục lồng chuột từ Vĩnh Gia (H.Tri Tôn, An Giang) hay các xã vùng giáp biên giới Campuchia đem tới giao. Buổi chiều tối, khu xóm nhỏ rất đông vui. Hai bên đường đènthắp sáng trưng, tiếng dao thớt khua tới nửa đêm về sáng.
“Nghề mua bán chuột có việc làm mãn năm, không nghỉ. Tùy theo mùa mà có lúc ít, lúc nhiều. Đầu mùa nước nổi năm nay, lúc cao điểm nhiều nhà mỗi ngày phải giao tới 1 - 2 tấn thịt chuột cho khách hàng. Riêng gia đình tôi phải thuê thêm 20 người làm phụ mà cũng không kịp. Ở xóm này có nhà bà Tám Số là điểm lớn nhất, thuê mướn rất đông nhân công, mỗi đêm vô thùng ướp lạnh tới vài ba tấn thịt chuột”, ông Mạo cho biết.
Nghề làm thịt chuột bán cho thu nhập khá hơn mua bán chuột sống. Thời điểm hiện nay do nước ngập sâu, lượng chuột về ít nên giá bán khá cao. Chuột bự con gọi là chuột mỡ loại một, sau khi làm xong bán được 80.000 đồng/kg. Loại nhỏ hơn xếp vào loại hai, loại ba thì giá mỗi ký từ 50.000 - 60.000 đồng. Giá chuột sống mua vào trung bình 40.000 - 60.000 đồng/kg. Bình quân cứ 1 kg chuột sống sau khi làm xong còn 0,7 kg chuột thịt. Ngoài ra còn các phế phẩm như da, đuôi chuột, chân, mỏ chuột thì bán cho các hộ nuôi cá.
Người làm công thì được chủ mướn theo giờ hoặc khoán theo khối lượng. Cứ làm 100 kg thịt chuột được trả công từ 150.000 - 200.000 đồng. Đa số những người làm công đều là phụ nữ. Nam giới lo vận chuyển, khuân vác, vô thùng xốp, ướp đá. Con nít, người lớn đều có tiền. Làm nhiều thì mỗi buổi kiếm được hơn 100.000 đồng, ít cũng được 50.000 - 70.000 đồng. Nhờ nghề chuột mà ai cũng có công ăn việc làm.
Việc mua bán chuột diễn ra tấp nập nhất vào khoảng 20 - 21 giờ, khi đám thanh niên trai tráng lăng xăng khuân những thùng xốp đựng thịt chuột ướp đá chất lên xe tải để chở về chợ đầu mối ở Long Xuyên cân cho bạn hàng rồi chuyển đi TP.HCM hoặc các tỉnh miền Tây tiêu thụ.
Theo ông Mạo thì chợ chuột Phù Dật có từ vài mươi năm trước. Mấy năm nay nước nổi ít hơn, làm ăn tuy có khó khăn nhưng xóm vẫn duy trì nghề. Nhiều gia đình nhờ nghề mua bán chuột mà phất lên. Ông Mạo nói vui: “Những nơi khác người dân nông thôn đổ xô lên Sài Gòn, Bình Dương làm công nhân chứ xóm này thì không ai đi. Đó là nhờ... con chuột”.
Sống đời như du mục
Ông Huỳnh Văn To (47 tuổi, ngụ TP.Châu Đốc, An Giang) có trên 20 năm sống bằng nghề săn chuột. Mùa này, đêm nào như đêm nấy, mỗi khi trời sụp tối ông lại rục rịch đồ nghề đi bắt chuột gồm đèn chóa đội đầu, chĩa 4 ngọn, lồng nhốt chuột… Chạy tắc ráng trên các cánh đồng ngập nước vùng núi Thất Sơn, ông To hướng đến các lùm cây cao, gốc cây to nổi lều phều, gò đất để tìm chuột. Pha đèn phát hiện bầy chuột đang đeo bám trên cây cao, nhanh như chớp, ông To phóng chĩa. Mũi chĩa lao đi, những tiếng kêu chít chít vang lên tắc nghẽn, 5 con chuột to béo bị mũi chĩa đâm xuyên cùng lúc. Gỡ chuột ra, ông To cười vui vì loại chuột mỡ này có giá bán cao, trên 40.000 đồng/kg.
Ông To đi săn chuột trong đêm Ảnh: Thanh Dũng
Tứ giác Long Xuyên qua 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang với các cánh đồng bạt ngàn ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) và Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang) là chỗ sống của chuột đồng. Buổi sáng, dọc các con lộ thuộc các xã Lạc Quới, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều (H.Tri Tôn, An Giang) lại thấy lác đác lồng đựng chuột để ven đường, đó là “ám hiệu” để cánh lái chuột chạy ngang nhìn thấy tấp vào cân.
Ông Nguyễn Văn Xe (47 tuổi, ngụ xã Vĩnh Điều) chỉ mấy cái lồng nhốt hàng chục con chuột đồng lớn nhỏ, nói đây là số chuột ông đặt rập dính trong ngày. Ông Xe là nông dân tranh thủ lúc nông nhàn đi đặt rập bắt mớ chuột vừa kiếm thêm thu nhập, vừa tận diệt chuột đồng cho mùa sau chúng bớt sinh sôi cắn phá lúa. Còn ông Chau Danh (46 tuổi, ngụ xã An Tức, H.Tri Tôn) khoe mớ chuột bắt được trị giá cả trăm ngàn đồng. Ông nói, mấy ngày nay chuột cơm (chuột nhỏ) hút hàng lắm, lúc trước bắt chuột này không ai ham vì giá chỉ 20.000 đồng/kg nhưng nay lái cân từ 30.000 đồng/kg trở lên. Chuột cơm tăng giá do các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang đang phát triển nuôi trăn, rắn rất cần nguồn chuột cơm làm mồi.
Khác với ông Xe, ông Danh, ông Nguyễn Văn Lượm (45 tuổi, ngụ xã Bình Chánh, H.Châu Phú, An Giang) là dân săn chuột chuyên nghiệp, có thâm niên hơn 30 năm với nghề này. Chúng tôi đến chỗ ông Lượm khi ông đang chuẩn bị nhổ ghe đậu ở gần chợ Lạc Quới để đến cánh đồng khác do nguồn chuột khu này đã cạn. Trên ghe chở lỉnh kỉnh rập chuột, mùng mền, nồi niêu… 
'Ăn theo' mùa nước nổi: Rộn rịp chuột đồng2
Chiếc xuồng ông Lượm dùng đi săn chuột Ảnh: Thanh Dũng
Ông nói: “Người ta ví người săn chuột sống đời như du mục chẳng sai, bởi quanh năm “ăn bờ này, ngủ bến kia”, nơi nào có chuột là có mặt, săn đến khi chuột ở đồng này cạn thì kéo qua đồng khác. Có khi đi săn cách xa nhà hơn 50 km và “bám trụ” ở đó đến 3 tháng mới về nhà. Vì vậy thường khi đi xa là kéo theo bạn nghề với gần cả chục ghe, cùng cắm sào ở đồng lạ để đêm đêm có bầu bạn đỡ buồn chứ nếu không đêm xuống nghe ếch nhái, côn trùng kêu buồn thúi ruột”.
Thế nhưng xem ra những người chuyên săn bắt chuột cũng không quá cô độc, bởi họ đi đến đâu cũng có những người mua chuột bám theo. Hơn 6 năm qua, chủ vựa chuột tên Thắng ở xã Phụng Hiệp (Hậu Giang) cứ đến mùa chuột đồng là mỗi ngày phải đi và về hơn trăm cây số để mua chuột đồng từ các lái chuột ở An Giang đưa về Phụng Hiệp phân phối. Xã Vĩnh Bình là điểm bán chuột nhỏ lẻ trong tỉnh Hậu Giang nhưng mỗi ngày cũng tiêu thụ hàng tấn chuột. 9 giờ sáng, cánh thương lái từ các nơi chạy xe máy chở chuột ra bán. Cảnh mua bán nhộn nhịp diễn ra đến 12 giờ trưa thì tan.
Ông Thắng cho biết, lúc này nguồn chuột thịt đang ít nên không đủ giao, đặc biệt là chuột cơm luôn khan hàng. Còn ông Tám Thắng (ngụ H.Lai Vung, Đồng Tháp) chạy xe máy tới Vĩnh Bình cân 200 kg chuột để bỏ mối cho bạn hàng với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. “Chuột đồng ở Đồng Tháp ít nên tôi phải qua Vĩnh Bình gom. Lúc trước tầm 10 giờ sáng đã gom xong 200 kg, còn bây giờ nhiều hôm chỉ gom được 100 kg nên khi đưa về Lai Vung phải bán tăng giá lên để bù lại công đi lại và lượng chuột hao hụt khi vận chuyển”, ông Tám Thắng nói.
Mùa nước nổi rồi sẽ qua. Nhưng với những người sống bằng nghề săn bắt, mua bán chuột đồng thì dường như không có mùa. Với họ, mùa chuột kéo dài miên man. Lúc nhiều chuột thì sống khỏe hơn một chút, còn khi đồng ít chuột thì cũng cơm ngày 2 bữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.