An toàn bay, những điều chưa biết - Kỳ 3: Máy bay bị nguy hiểm, phi công sẽ làm gì?

07/08/2014 19:25 GMT+7

(TNO) Khác với những kiểm soát viên không lưu, phi hành đoàn là người trực tiếp xử lý những tình huống trên một chuyến bay.

 
Một người Malaysia tại nơi tưởng niệm hai chiếc máy bay MH370 và MH17 rơi tại Kuala Lumpur - Ảnh: Reuters

>> 100 năm ngành hàng không - Thảm họa kinh hoàng

Những tình huống như cháy nổ, có khủng bố, có người hấp hối, bị sét đánh hay bị nguy cơ tên lửa bắn trúng... là nhiều tình huống mà phi công và phi hành đoàn luôn phải chuẩn bị trước trong các chuyến bay dân dung.

Dù tỉ lệ tai nạn trong hàng không là thấp nhưng các thảm họa hàng không luôn đau thương đến nỗi để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho nhiều người khắp thế giới.

Sinh mệnh trong tay phi công

Trong một hồ sơ tai nạn hàng không của trang AV8N.com, có ghi lại một vụ án với hai so sánh.

Ngày 28.4.1988, chuyến bay của hãng Aloha Ariliesn 243 bị hư hại nghiêm trọng ngay trong khi bay, một phần thân của máy bay bị bung ra. Một thành viên trong phi hành đoàn bị thổi bay ngay lúc đó. Gió quá mạnh tràn vào và thổi bay nhiều thiết bị của phòng lái. Nhưng các phi công và tiếp viên, dù không thể nói chuyện với nhau vì gió quá ồn, vẫn làm theo đúng các bước và hạ cánh khẩn cấp an toàn. Chuyến bay đó, có ai tin không: chỉ có 1 người thiệt mạng.

Nhưng trong ngày 29.12.1972, chuyến bay Eastern Airlines 401 không gặp trở ngại gì, ngoại trừ một trong ba cái đèn xanh thể hiện bánh hạ cánh đã được hạ xuống và khóa, nhưng cả ba phi công vì quá mải mê chú tâm vô cái đèn, đã không để ý máy bay đang từ từ tự giảm độ cao và lao xuống đầm lầy. Và đây là chuyến bay dân dụng có số người chết nhiều thứ nhì trong lịch sử hàng không Mỹ.

Hai câu chuyện trên cho thấy sự quan trọng của các phi công và phi hành đoàn trong ứng xử tình huống có lẽ là yếu tố quan trọng nhất khiến hàng trăm mạng người có thể sống sót hay không.

Trên trang Civl Aviation Magazine, các chuyên gia có tóm tắt một số tình huống mà phi công sẽ gặp phải.

Sau khi vừa cất cánh, đột nhiên cửa ra vào máy bay bật mở. Nếu phi công trở nên bối rối và xao nhãng. Đây sẽ là thứ dẫn đến thảm họa rơi máy bay. Các phi công được khuyên nên kiểm tra cửa trước khi cất cánh. Nếu cửa đột nhiên mở, phi công không được rời buồng lái, mà hãy tiếp tục điều khiển máy bay. Điều an toàn nhất mà phi công có thể làm là cố gắng hạ cánh nhanh nhất và tốt nhất ở đâu đó để có thể đóng cửa lại.

Dave Harrison, một phi công có kinh nghiệm nói: “Khi cửa bị bật mở, dù chỉ hé 5 - 6cm, nó có thể gây ra tiếng ồn khủng khiếp và khiến buồng lái lẫn phi hành đoàn phía sau hoảng sợ. Nhưng lúc này, phi công phải bình tĩnh để có thể hạ cánh được. Quan trọng nhất không phải là đóng cửa, mà là hạ cánh an toàn.”

 
Những nhân viên cứu hộ thu dọn hiện trường vụ máy bay MH17 rơi. Đây là một trong số ít vụ máy bay rơi hi hữu vì bị bắn trong vùng chiến sự - Ảnh: Reuters

Bất thường không đoán trước

Trong một tình huống khác, bác sĩ Neil Calton kể: “Nếu bạn nghe thấy trong thông báo của tiếp viên, nếu ai là bác sĩ xin liên hệ chúng tôi gấp, thì lúc đó đang có hành khách hoặc ai đó gặp tình huống sức khỏe rất nghiêm trọng. Và nếu bạn là bác sĩ thì hãy nhanh chóng đến giúp”. Ông Neil Calton đã từng 2 lần giúp hồi sức cho bệnh nhân bị trụy tim đột ngột trong chuyến bay, nhưng chỉ có một lần máy bay hạ cánh khẩn cấp thành công và nạn nhân được cấp cứu kịp. Lần thứ hai, nạn nhân không qua khỏi.

Một số trang web về hàng không dành lời khuyên cho các phi công: “Công việc phi công là đa nhiệm và  phải luôn phân chia sự chú ý, nếu bạn vừa điều khiển máy bay an toàn, vừa để mắt tới hành khách được là rất tốt, nhưng hãy cẩn thận”.

Trang web av8n.com khuyên phi công hãy liên lạc ngay dưới mặt đất để tìm sân bay đáp khẩn cấp và yêu cầu có xe cấp cứu, nhờ tiếp viên hỏi bác sĩ hỗ trợ là cần thêm thiết bị gì để yêu cầu mặt đất. Hạ độ cao bình tĩnh nhưng nhanh nhất có thể, và phải làm đúng từng bước. Dù bệnh nhân có nguy kịch sắp chết, việc của phi công vẫn là hạ cánh an toàn.

Bất ổn trong hành trình bay là không tránh được. Trang GuideToPsychology mô tả hầu hết các máy bay dân dụng đều được chế tạo để chịu được mức độ bất ổn cao hơn rất nhiều so với những gì diễn ra trong không trung.

 
Cảnh sát giúp hành khách xuống máy bay trong chuyến ET702 của hãng hàng không Ethiopia sau khi chiếc máy bay bị không tặc cướp và bắt bay tới Geneva vào tháng 2.2014 - Ảnh: Reuters

Nhưng những tình huống như sấm chớp, bão nhiệt đới, trong một khoảnh khắc nào đó, có thể trở nên rất khủng khiếp và “hạ gục” động cơ máy bay. Khi bay qua vùng thời tiết bất ổn, máy bay thường lắc lư cánh, hoặc có vẻ như rơi xuống ổ gà. Nhưng đây là chuyện bình thường.

Bất ổn trong không gian cũng có thể làm hành khách bị thương nặng. Một số chuyến bay ghi nhận hành khách không chịu thắt dây an toàn hoặc đơn giản là "cởi ra cho thoáng"  và sau đó khi máy bay rung lắc, hành khách bị va đập mạnh và dẫn đến bị thương nghiêm trọng.

Nguy hiểm nhất khi bay là lúc vừa thoát khỏi cơn bão và sắp hạ cánh, một số phi công không lường được khi ở giữa đám mây bão và mất hướng, họ đã bị hạ độ cao đột ngột. Một số tai nạn hàng không xảy ra ngay khoảnh khắc thoát khỏi đám mây, phi công không còn kịp tăng độ cao trở lại mà máy bay hạ hẳn xuống đất, gây nên tai nạn chết hàng trăm người. Nhiều máy bay hiện nay đã được trang bị thiết bị cảnh báo đặc biệt về gió, mây bất thường và vị trí của sân bay cho phi công.

Theo trang AskCaptainLim, khi tất cả động cơ máy bay đều bị hư hỏng, thực ra máy bay có thể "bay trượt" khi đang ở một độ cao nào đó. Vào năm 1983, một chiếc Boeing 767 của một hãng hàng không lớn ở Canada đã bị hỏng 2 động cơ trong lúc bay. Đây là lỗi trong quá trình nạp nhiên liệu, đã khiến nhiên liệu không đủ và khi bay nửa đường động cơ đã tắt. Tuy nhiên, phi công của hãng này đã có thể điều khiển máy bay "trượt" trên một sân bay gần đó và hạ cánh an toàn, không mất một nhân mạng nào. Không phải máy bay nào cũng may mắn như chiếc Boeing này, nhưng thế hệ Boeing 777 sau này đã được trang bị Ram Air Turbin System (hệ thống RAT), tự khởi động khi nhận biết động cơ máy bay ngưng hoạt động để giúp hạ cánh an toàn.

Khải Đơn
(tổng hợp)

>> An toàn bay, những điều chưa biết - Kỳ 2: Bên trong căn cứ kiểm soát không lưu
>> An toàn bay, những điều chưa biết - Kỳ 1: 'Cảnh sát giao thông' bầu trời
>> Cục Hàng không yêu cầu siết chặt an toàn bay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.