An toàn hồ thủy điện còn hình thức, chiếu lệ

15/10/2013 03:00 GMT+7

Dù đã có những cảnh báo, những sự cố vỡ đập xảy ra song nhiều chủ thủy điện nhỏ vẫn còn chủ quan, thực hiện quy định đảm bảo an toàn cho hồ đập còn hình thức, chiếu lệ .

An toàn hồ thủy điện còn hình thức, chiếu lệ

Nước tuôn xối xả qua đập tràn Piano của thủy điện Đakrông 3 (H.Đakrông, Quảng Trị) trong thời gian cơn bão số 8 đổ bộ - Ảnh: Nguyễn Phúc

Đây là nội dung đáng chú ý trong báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ) và vận hành khai thác các công trình thủy điện được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14.10.

Loại khỏi quy hoạch 418 dự án thủy điện nhỏ

 

Cũng trong chiều 14.10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đọc tờ trình điều chỉnh Nghị quyết 38 của QH về chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh, theo đó điều chỉnh chiều dài toàn tuyến là 3.183 km (Nghị quyết 38 là 3.167 km), điều chỉnh tiến độ giai đoạn 2, 3 của dự án. Tổng mức đầu tư giai đoạn 3 (2012 - 2020) khoảng 273.167 tỉ đồng, không kể 23.000 tỉ đồng của 133 km đường Hồ Chí Minh đi trùng với các dự án khác. Sau khi các đại biểu QH cho ý kiến, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng xem xét báo cáo bổ sung thêm các vấn đề trên trong tờ trình của Chính phủ trước QH tại kỳ họp sắp tới.

Tính đến tháng 9.2013, đã có 6 DATĐ bậc thang, 418 DATĐ nhỏ tác động tiêu cực với môi trường, xã hội bị loại khỏi quy hoạch; không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án Đồng Nai 6, 6A sau khi có báo cáo thẩm định môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng đã đưa khỏi quy hoạch 2 dự án này. Hiện cả nước còn lại 815 DATĐ, trong đó đã vận hành phát điện 268 dự án, đang thi công xây dựng 205 dự án, dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến tháng 5.2013 mới chỉ có hơn 2% diện tích rừng được trồng thay thế trong tổng số 50.930 ha đất rừng đã sử dụng. Trong khi đó, chỉ tính riêng 37 DATĐ công suất trên 60 MW của Tập đoàn điện lực VN đã sử dụng gần 37.000 ha rừng.

Không đồng tình với kết luận cho rằng việc trồng hoàn trả rừng tại các dự án ở hầu hết địa phương đều gặp khó khăn do quỹ đất để trống rất hạn chế, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH nêu vấn đề: “Nói chuyện thiếu đất trồng rừng là rất vô lý. Chính phủ cần có báo cáo bổ sung của Bộ NN-PTNT để kiểm tra xem có đúng là thiếu đất trồng bù rừng không. Lấy số liệu báo cáo Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên - Môi trường để chứng minh số liệu báo cáo của Bộ Công thương có chính xác không”.

“Người dân nhiều vùng đều kêu việc điều tiết nước mùa kiệt của các hồ thủy điện, đặc biệt là Quảng Nam. Thủy điện Ka Nak (Gia Lai) người dân kêu suốt mấy năm nay, tôi không biết Bộ nào chịu trách nhiệm”, ông Ksor Phước thắc mắc. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cũng cho biết, quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, gần 30% số đập chưa được kiểm định, 66% đập chưa có phương án bảo vệ được duyệt, gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão…

Mai Hà

>> Lo ngại việc vận hành hồ thủy điện trong mùa mưa lũ
>> Nhiều hồ thủy điện không thực hiện quan trắc thủy văn
>> Vỡ van xả nước hồ thủy điện, 8 người chết và mất tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.