Thạc sĩ Nguyễn Thành Luận (công tác tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) đã chia sẻ về vấn đề này tại hội nghị về An toàn người bệnh được Bộ Y tế tổ chức hồi đầu tháng 11 vừa qua.
Tại Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng số người bị té ngã ước khoảng 2.000.000 người trên 65 tuổi. Ghi nhận tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, một số yếu tố có thể gây té ngã, trong đó có yếu tố về cơ sỏ vật chất như: Giường bệnh cao, song chắn giường thấp, nhà vệ sinh trơn trượt, hành lang ẩm ướt; Về phía bác sĩ, điều dưỡng: cách thức hướng dẫn của điều dưỡng tới người bệnh, người nhà bệnh nhân chưa hiệu quả; điều dưỡng đánh giá nguy cơ té ngã chưa đúng; ngay cả bác sĩ cũng chưa thông báo đầy đủ về nguy cơ té ngã do bệnh lý, do thuốc; phối hợp giữa bác sĩ, điều dưỡng trong phòng ngừa té ngã cho người bệnh. Về phía bệnh nhân và người nhà nhận thức té ngã còn hạn chế, còn tình trạng đi vệ sinh một mình…
Té ngã do thuốc
Một trong ngững nguyên nhân có thể khiến bệnh nhân té ngã liên là vấn đề sức khỏe người bệnh, trong đó một số bệnh kinh niên là những nguyên nhân gây chóng mặt, mất thăng bằng dẫn đến té ngã: tai biến, Parkinson, kinh phong, phong thấp, tim mạch, thần kinh. Cần lưu ý thêm giảm thị lực cũng là nguyên nhân cần lưu tâm. Thị lực có vai trò quan trọng trong sự thăng bằng, nếu không nhìn rõ đường đi và đồ vật xung quanh hoặc do môi trường quá tối đều có thể dẫn đến té ngã.
Ngoài ra, tác dụng của một số thuốc khi bệnh nhân sử dụng (một số thuốc mang đến cảm giác lâng lâng, ngây ngất hoặc đôi khi bứt rứt, khó chịu) khiến người bệnh có thể đi đứng không vững. Ví dụ: thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc tim mạch, huyết áp, thần kinh hoặc do phối hợp nhiều loại.
Cũng cần lưu ý thế, tình trạng giảm sức lực và chức năng vận động thường gặp ở người cao tuổi hoặc người có khuyết tật về vận động (ví dụ như: rối loạn cảm giác ngoài da, cứng khớp xương, teo yếu cơ bắp) cũng dễ gây té ngã. Cùng với đó, yếu tố tâm lý của người bệnh như: buồn phiền, mất định hướng, không tập trung, chậm phản ứng hoặc hấp tấp vội vàng; hoặc tâm lý e ngại khi được đề nghị hỗ trợ các vấn đề vệ sinh cá nhân (từ người thân và điều dưỡng)… cũng là có thể dẫn đến té ngã. Một số yếu tố khác như: tình trạng dinh dưỡng (suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì đều có nguy cơ té ngã như nhau; dinh dưỡng tiết chế không hợp lý dễ đưa tới tình trạng suy nhược chung của cơ thể) hoặc kiến thức - hành vi của người bệnh về phòng ngừa té ngã còn hạn chế… cần được khắc phục để tránh té ngã.
Giường bệnh chưa an toàn
Tại các cơ sở điều trị, nếu điều kiện chăm sóc không tốt như: điều dưỡng quá tải, không đủ thời gian quan tâm, sàn nhà (sàn toilet) được thiết kế “chuẩn khách sạn” trơn trượt; thảm chống trơn trượt không đảm bảo vệ sinh; quần áo người bệnh quá rộng không vừa vặn; xe đẩy, giường bệnh còn khe hở để người bệnh lọt ra ngoài; trong bệnh phòng thiếu dép chống trơn trượt; khu vực vệ sinh bị thiếu dụng cụ hỗ trợ như tay vịn là nguy cơ gây té ngã.
Phòng té ngã, tự tử cho người bệnh
Qua những yếu tố nêu trên, để phòng té ngã cho bệnh nhân, các BV cần đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, giường bệnh, cáng, xe đẩy thiết kế chiều cao phù hợp, có thanh chắn an toàn; sàn khu vệ sinh cần chống trơn trượt, có các thanh vịn hỗ trợ; đặt biển cảnh báo tại các vị trí có thể gây trơn trượt, té ngã; nên thực hiện “chấm điểm” nhận biết nguy cơ té ngã” với các bệnh nhân, tùy mức độ, nhân viên y tế sẽ có các biện pháp ngăn ngừa té ngã hiệu quả cho bệnh nhân; đồng thời bác sĩ, điều dưỡng chú trọng nâng cao ý thức phòng ngừa té ngã cho bệnh nhân và người nhà.
Ngoài ra, cần nhận biết các yếu tố nguy cơ tự tử ở người bệnh để chủ động hỗ trợ và ngăn ngừa. Tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM đã có Phòng khám tâm ký và Khoa Thần kinh để khám, phát hiện hỗ trợ cho bệnh nhân.
Bình luận (0)